Huế luôn luôn mới
Bảo tồn và phát huy giá trị thơ văn trên kiến trúc Cung Đình Huế
08:06 | 13/06/2016

Ngày 11/6, UBND tỉnh tổ chức tọa đàm về định hướng bảo tồn và phát huy giá trị thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế. 

Bảo tồn và phát huy giá trị thơ văn trên kiến trúc Cung Đình Huế

Kho tàng vô giá

Di sản tư liệu Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được ghi danh vào Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương và được công bố tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại cố đô Huế vào trung tuần tháng 5 vừa qua. Đây là di sản thứ 5 của cố đô Huế được UNESCO vinh danh.
Đây là những áng văn thơ tinh túy nhất ca ngợi về non sông, đất nước và dân tộc Việt Nam được thể hiện trên các công trình kiến trúc của Cung đình Huế. Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế gồm những tác phẩm tinh tế được bắt đầu được sử dụng để trang trí trên cung điện, đền miếu, lăng tẩm hoàng gia từ thời vua Minh Mạng (1820-1841) đến thời vua Khải Định (1916-1925).

Hiện nay, Huế vẫn còn bảo tồn được hơn 3.000 đơn vị với đầy đủ các loại hình: thơ, văn, câu đối, đại tự... Các bài thơ được trang trí theo lối “nhất thi nhất họa” hoặc “nhất tự nhất họa”, mỗi bài thơ hay mỗi đại tự được trang trí kèm một bức tranh. Vị trí thể hiện chủ yếu là trên các liên ba, đố bản hay cổ diềm các công trình, trong nội thất và ngoại thất kiến trúc cung đình Nguyễn.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: Cho đến nay, hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế vẫn được bảo tồn rất tốt, trừ các tác phẩm đã bị mất mát do công trình bị tiêu hủy, số còn lại được giữ gìn hầu như nguyên vẹn, phản ánh trí tuệ, tài năng của tiền nhân, có ý nghĩa quan trọng đối với các thế hệ mai sau khi đọc sử thông qua những áng thơ văn trang trí một cách độc đáo của một giai đoạn lịch sử gần 150 năm phát triển chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa của Việt Nam.

Nâng cao nhận thức để bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu văn hóa, đại diện các cơ quan quản lý các Di sản tư liệu khác chia sẻ về việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình di sản này.

TS.Vũ Thị Minh Hương và TS.Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm đều cho rằng cần nâng cao nhận thức, phải hiểu rõ hơn về giá trị thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế trong việc bảo tồn và phát huy di sản này. Theo ông Cường để nâng cao nhận thức về di sản này cần tiếp tục sưu tầm, thực hiện phiên âm, chú giải, dịch nghĩa chính xác toàn bộ hệ thống thơ văn này; phải phân tích mối quan hệ giữa văn tự và họa đối với các tác phẩm “nhất thi nhất họa” và cần nỗ lực hơn để hiểu các giá trí đó; đồng thời cần tôn vinh các tác giả của hệ thống thơ văn này.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cho rằng, hệ thống văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế là rất đặc biệt, một đặc trưng riêng của Việt Nam, chỉ có Việt Nam mới đưa thơ văn lên nóc nhà, đưa lên những kiến trúc đặc biệt quan trọng, nghiêm chỉnh của chế độ, những văn thơ này là loại văn thơ có tiêu chí rõ ràng về tính lịch sử, tính xã hội và mang tính giáo huấn quốc dân những điều mà người ta phải gìn giữ, phải bảo vệ. Điều đó là niềm tự hào của hậu duệ, của những người đang nghiên cứu về giá trị di sản này. Để bảo tồn và phát huy di sản này, cần làm sâu sắc hiểu biết của chúng ta về hệ thống thơ văn này, phải nghiên cứu một cách thấu đáo hơn, cần phải làm cho mọi người cảm thấy quý giá sự quý giá của nó để tiếp tục bảo tồn và phát triển.

Ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 cho rằng, 3 di sản Tư liệu thế giới xuất phát từ cung đình Huế gồm: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, có giá trị to lớn, bổ sung cho nhau một cách logic, do vậy một mặt không chỉ phát huy từng di sản mà phải phát triển đồng thời 3 di sản tư liệu này và thiết nghĩ phải xây dựng cuốn sách giới thiệu về 3 di sản tư liệu này.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, do đặc thù hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế nằm trên nhiều chất liệu nhưng về cơ bản vẫn là trên gỗ, đề nghị Bộ VH,TT&DL, UNESCO và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sớm xây dựng viện nghiên cứu bảo tồn di sản gỗ tại Huế để thực hiện bảo tồn di sản Huế và thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho bảo tồn di sản gỗ, góp phần nâng tầm công tác bảo tồn và khẳng định thương hiệu bảo tồn di sản của Việt Nam. Ông Bài cũng cho rằng, mô hình quản lý di tích Huế hiện tại là điển hình của Việt Nam, cần được củng cố, nâng tầm cho phù hợp với sự phát triển; trong phát huy giá trị di sản phải tính đến kinh tế học di sản để vừa bảo tồn nhưng vừa khai thác, biến di sản thành nguồn lực, thành tiền để phát triển nền KT-XH.

Theo thuathienhue.gov.vn

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng