Huế luôn luôn mới
Giới thiệu Tiểu thuyết "Nhật ký Đông Sơn" của nhà văn Nguyễn Quang Hà.
10:44 | 22/12/2017

Sáng ngày 22/12, trong không khí kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hội nhà văn Thừa Thiên Huế phối hợp với Tạp chí Sông Hương tổ chức buổi giới thiệu sách Nhật ký Đông Sơn của nhà văn Nguyễn Quang Hà. 

Giới thiệu Tiểu thuyết "Nhật ký Đông Sơn" của nhà văn Nguyễn Quang Hà.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế - phát biểu tại buổi ra mắt sách

Nhà văn Nguyễn Quang Hà, tên thật là Nguyễn Trọng Trường sinh ngày 15/1/1941 tại Tỉnh Bắc Giang. Ông từng là giáo viên dạy cấp hai từ 1958-1967. Đầu năm 1967 ông giã từ bục giảng cùng 155 giáo viên và giáo sinh trường Sư phạm tỉnh Hà Bắc lên đường nhập ngũ đi chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên Huế... Và gắn bó với mảnh đất này từ đó cho đến bây giờ. Nguyễn Quang Hà viết đều cả thơ, tập truyện ngắn, ký sự và tiểu thuyết.

Tiểu thuyết Nhật ký Đông Sơn của nhà văn Nguyễn Quang Hà


Hầu hết những tác phẩm của Nguyễn Quang Hà đều viết về chiến tranh, viết về miền đất và con người xứ Huế - nơi ông đã sống, chiến đấu thời tuổi trẻ và bây giờ Huế là quê hương thứ hai của ông. Nhà văn Nguyễn Quang Hà nguyên là Tổng Biên tập tạp chí Sông Hương. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm như Thời tôi mặc áo lính (1990); Sông dài như kiếm (2002); Lang thang với Huế (987); Trái ngọt vườn cấm (1990); Kinh thành mến yêu (1988); Bạn bè một thuở (1984); Tiếng gà trên điểm chốt (1976); Tiếng thở dài của đất (2006) Cuối tuần trăng mật (1988); Thân Trọng Một, con người huyền thoại (2003); Tiểu thư bị bùa mê (1997); Vùng Lõm (2012).

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc tặng lẵng hoa tươi thắm chúc mừng nhà văn Nguyễn Quang Hà

 

Nhật ký Đông Sơn được thể hiện dưới dạng nhật ký của Trúc - tiểu đoàn trưởng “Chị Thừa I”, mật danh đơn vị nổi tiếng thuộc Thành đội Huế. Nhật ký bắt đầu ngày 2 tháng 7, kết thúc 23 tháng 10, trải qua ba tháng trời chiến đấu ác liệt. Nhân vật Trúc là lính đặc công quê miền Bắc, được Thành đội trưởng Thân Trọng Một cử về Đông Sơn, giúp quân dân ở đây đánh địch, phá các ý đồ quân sự. Nhân vật Quyền, chiến sĩ du kích giàu lòng yêu nước, quả cảm, cũng được nhà văn khắc họa thành công.

Giao lưu với nhà văn Nguyễn Quang Hà

 

Nhật ký Đông Sơn bừng lên khí thế hừng hực của toàn đảng, toàn quân toàn dân Đông Sơn nhất tề đứng lên, đoàn kết chống lại kẻ thù ngày đêm giày xéo quê hương họ. Những cái kết có hậu, xán lạn chiến công đã mở ra như những trận đánh, chặn đứng âm mưu của địch Tổ chức phục kích bắn cháy 4 xe tăng địch ở Đông Sơn; giết Lê Nhuận ấp trưởng gian ác, giết quận trưởng Hồ Xuân Mai, đánh tan đồn Bòng Bòng của Trung đoàn xe tăng, cuối cùng bắt buộc địch phải cho dân Đông Sơn trở lại quê hương. Ý chí quật cường đã chiến thắng, minh chứng rõ nhất cho sức mạnh đoàn kết quân dân như một trong cuộc chiến trường kỳ, gian khó.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê tham luận về tiểu thuyết Nhật Ký Đông Sơn

 

Nhà văn Nguyễn Quang Hà cho biết địa danh Đông Sơn trong tác phẩm chính là xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) mà tác giả từng bám trụ ở đây thời chống Mỹ. Đông Sơn là vùng tạm chiếm nhưng phong trào du kích mạnh, lòng dân theo cách mạng. Mất Đông Sơn là nguy cho Huế và chiến cuộc chung ở mặt trận này. 

Nhà văn Hà Khánh Linh

 

Nhà văn Hồ Thế Hà nhận định: "Với tiểu thuyết Nhật ký Đông Sơn, Nguyễn Quang Hà đã thêm một lần nữa chứng minh cho sức sống của thể loại, rằng tiểu thuyết về đề tài chiến tranh vẫn đang là mảnh đất để các nhà văn thể nghiệm và sáng tạo. Nó chưa bao giờ chịu hạ cánh và lặp lại trước chân trời mở của nhu cầu tiếp nhận quá khứ chiến tranh của độc giả - những người đồng hành với nhà văn để quyết định sự tồn tại và phát triển của tiểu thuyết". 

Nhà thơ Ngô Minh

 

Nhà thơ Ngô Minh nhận xét: “Cuốn sách như một bảo tàng lưu giữ những hình ảnh của cuộc chiến âm thầm mà vĩ đại của những người dân Đông Sơn”.

Đông đảo văn nghệ sĩ đến tham dự buổi giới thiệu sách

 

Thông qua ngòi bút đầy ắp chủ nghĩa nhân đạo, các chi tiết nghệ thuật và hiện thực nghiệt ngã của cuộc chiến, nhà văn Nguyễn Quang Hà đã nhìn thẳng vào hiện thực chiến tranh, bằng những trải nghiệm và cái nhìn cá nhân, tái hiện lại chiều kích đau thương và bộ mặt tàn khốc không thể quy giản của chiến tranh,  phục dựng lại hình ảnh của những con người bằng sự chịu đựng và sức mạnh anh hùng đã thực sự làm nên sức mạnh cho cuộc kháng chiến, tái sinh lại những khát vọng nuôi dưỡng cả một dân tộc trong chiến tranh.

Phương Anh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng