Chiều ngày 29/3 tại nhà trưng bày Thái Kim Lan đã diễn ra buổi giới thiệu nhà văn Đức George Büchner với vở kịch “Cái chết của Danton” và hát tưởng nhớ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.
Georg Büchner (1813 -1837) là một nhà văn, một nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên và y khoa cũng đồng thời là một nhà cách mạng Đức. Ông được coi là một trong những nhà văn quan trọng nhất thế kỉ 19. Các tác phẩm của ông ngày nay vẫn là nguồn cảm hứng để các nhà hát dàn dựng các vở ca kịch và làm phim. Các đề tài, cho đến nay vẫn còn rất thời sự. Büchner được đánh giá là tác giả kinh điển cho sân khấu Đức ngữ cho đến nay ngang với Shakespeare và Tschechow.
Một cảnh trong vở kịch |
Büchner đặc biệt có vai trò trong lịch sử khoa học xã hội và văn học Đức. Ở Việt Nam, ông ít được biết đến, nhưng giờ đây tác giả và dịch giả Thái Kim Lan đã lấp chỗ trống này. Trong năm ngoái, bà đã dịch hai tác phẩm là LEONCE & LENA và LENZ và bây giờ là vở kịch CÁI CHẾT CỦA DANTON.
Đông đảo văn nghệ sĩ đến tham gia |
Lấy bối cảnh là cuộc cách mạng Pháp (1789-1799), tác phẩm này đã đề cập đến một sự kiện lịch sử có thật là vụ xử tử hình Danton trên đoạn đầu đài. Đây là sự kiện kết thúc những đối đầu và mâu thuẫn giữa hai nhân vật là Mazimilien Robespierre (1758-1794) thuộc phái cấp tiến muốn xây dựng quyền lực quốc gia và đàn áp những sự nổi loạn của cuộc cách mạng bằng vũ trang chính trị với nhân vật Georges Jacques Danton (1759-1794) thuộc phe ôn hòa.
Dịch giả Thái Kim Lan chia sẻ về vở kịch |
Tác phẩm này đã vượt khỏi phạm vi một vở kịch lịch sử đơn thuần để miêu tả một cách chi tiết sự khủng hoảng về tâm lý xảy ra đối với người chỉ huy trọng yếu của cuộc cách mạng lúc bấy giờ.
Ấm áp đêm nhạc Trịnh |
Dịp này, để tưởng niệm nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, nhóm Nữ sinh Huế xưa đã gửi đến cho khán giả những bài hát từng gắn bó sâu sắc với những cô nữ sinh một thưở như Ở trọ, Nắng thủy tinh, Tôi ru em ngủ, Vẫn nhớ cuộc đời, Dấu chân địa đàng, Như cánh vạc bay, Gọi tên bốn mùa, Tôi ơi! Đừng tuyệt vọng,…
Với sự xuất hiện của nghệ sĩ Camille Huyền |
Trong không gian ấm áp ấy, khán giả có dịp được trở về với những hoài niệm của ngày xưa.
Phương Anh