Sáng 27/01, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục chương trình làm việc với phần thảo luận tại hội trường về các nội dung quan trọng trong các văn kiện của Đảng.
Nhiều ý kiến tán thành, nhất trí cao với những nội dung mà dự thảo báo cáo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề ra những giải pháp quan trọng với ý chí quyết tâm xây dựng và phát triển quê hương, đất nước ngày càng phồn thịnh, hạnh phúc.
Đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển
Mở đầu phiên thảo luận, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.
Qua thực tiễn hoạt động, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đưa ra 5 bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hoạt động của MTTQ Việt Nam. Mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc", khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân....
Trong thời gian tới, hoạt động của Mặt trận phải hướng mạnh về cơ sở, hiệp lực, quyết tâm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; giải quyết các vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống Nhân dân; đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia hiệu quả hơn trong xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
“Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc vận dụng và phát huy phương châm “lấy dân là gốc” trong hoạt động tư pháp vẫn còn những tồn tại nhất định. Đó là, việc cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân trong hoạt động tư pháp tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế; vai trò giám sát của Nhân dân đối với hoạt động tư pháp chưa phát huy được thế mạnh; niềm tin của người dân đối với cơ quan tư pháp còn khiêm tốn; hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về tố tụng tư pháp còn bất cập.
Quang cảnh diễn ra Đại hội |
Vì vậy, thời gian tới, hoạt động của cơ quan tư pháp cần phải tiếp tục cải cách để đáp ứng được mong mỏi và yêu cầu của Đảng, kỳ vọng của Nhân dân, cũng như phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là yêu cầu hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, UVTW Đảng, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao Lê Hồng Quang đóng góp tham luận tại Đại hội.
Với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cần đổi mới tư duy lãnh đạo; tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng; chú trọng đến công tác nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Muốn vậy, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân TP. Hà Nội không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động, khắc phục khó khăn, thu hút nguồn lực để xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại. Từ đó, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
"Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế...” là một trong những vấn đề mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng quan tâm.
Phát triển du lịch bền vững
Với trách nhiệm của mình và góp phần vào sự thành công của Đại hội, Đảng bộ tỉnh cũng đã có bài tham luận gửi tới Đại hội với chủ đề: “Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường”.
Với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; không xây dựng Thừa Thiên Huế thành một đô thị náo nhiệt, với những khu công nghiệp tiếp nối với mật độ dân cư đông đúc…, tỉnh sẽ phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư đô thị, hạn chế can thiệp vào kiến trúc, cảnh quan; tiếp tục phát triển du lịch bền vững trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân toàn tỉnh tập trung huy động, khai thác các nguồn lực để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống Huế. Trước mắt, triển khai đồng bộ đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I Kinh thành Huế. Ưu tiên nguồn lực đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích gắn với cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; di tích lịch sử cách mạng quan trọng; di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị đặc biệt, nổi bật; di tích khảo cổ; các di tích có tiềm năng phát huy giá trị.
Phát triển du lịch trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa, di sản đặc sắc, phong phú với cảnh quan thiên nhiên và con người Huế. Xây dựng mô hình phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh.
Khai thác thế mạnh của các vùng đất giàu tiềm năng văn hóa để tạo sức mạnh của vùng du lịch miền Trung. Liên kết tổ chức tốt các hoạt động trên “Hành trình qua các kinh đô cổ”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Con đường di sản miền Trung", các tuyến du lịch quốc gia trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây...
Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; các tỉnh, các thành phố vùng Duyên hải miền Trung. Mở rộng mối quan hệ với các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật, khoa học công nghệ trong việc triển khai các dự án gìn giữ, tu bổ, tôn tạo di tích và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khối ASEAN, phát huy danh hiệu TP. văn hóa ASEAN nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng của tỉnh.
Buổi chiều cùng ngày, Đại hội tiếp tục thảo luận tại hội trường.
Theo (Tinhuytthue.vn - Anh Phong)