Sáng ngày 20/7, tại trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế đã tổ chức buổi lễ tọa đàm nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (1991-2021).
Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Thừa Thiên Huế được chính thức thành lập từ ngày 20 tháng 7 năm 1991, cách đây vừa tròn 30 năm. Đây là Hội Văn nghệ dân gian cấp tỉnh được thành lập đầu tiên so với cả nước. Hội viên chính thức trong Đại hội thành lập gồm 30 hội viên, trong đó có 12 người là hội viên hội Văn nghệ dân gian Việt Nam từ các trường Đại học, Cao đẳng và cơ quan văn hóa…của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Thừa Thiên Huế - trình bày báo cáo 30 năm Hội VNDG Thừa Thiên Huế |
Trải qua 30 năm hình thành, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Thừa Thiên Huế đã không ngừng phát triển lớn mạnh, tính đến nay đã có trên 70 hội viên tham gia sinh hoạt trong tổ chức hội. Một điều đáng mừng là hội đã qui tụ được lực lượng hội viên trực tiếp làm công tác văn hóa, bao gồm các nhà quản lý văn hóa, nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân, diễn viên, văn nghệ sĩ... Đặc biệt là các nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo từ các viện, các trường đại học đóng trên địa bàn đã tham gia hội ngay từ những ngày đầu thành lập. Với một lực lượng tri thức hùng hậu gồm: 2 Phó Giáo sư, 17 Tiến sĩ, 23 Thạc sĩ, 28 Cử nhân; Ngoài ra còn có 3 Nghệ nhân Nhân dân, 4 Nhà giáo Ưu tú, 2 Nghệ nhân Ưu tú, 2 Nghệ sĩ Ưu tú. Trong suốt 30 năm qua, các hội viên Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Thừa Thiên Huế đã điền dã khắp từ vùng đồng bào dân tộc ít người ở miền núi, xuống đến vùng đồng bằng và và đầm phá ven biển để nghiên cứu, sưu tầm vốn văn nghệ dân gian và thực hiện nhiều công trình biên khảo công phu, khoa học, góp phần làm nổi bật sắc thái phong phú của văn hóa dân gian truyền thống trên đất Thừa Thiên Huế. Nhiều công trình nghiên cứu của các hội viên Hội Văn nghệ Dân gian đã đạt nhiều giải thưởng cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT TT Huế thừa ủy quyền của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng Bằng khen tập thể... |
Tại buổi tọa đàm, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế cần chủ động tham gia một số hoạt động hưởng ứng thực hiện Nghị quyết NQ-TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030;tổ chức nghiên cứu, tọa đàm để đưa ra một danh mục những giá trị vật thể, phi vật thể cần sưu tầm, thống kê, phục dựng. Hiện có nhiều giá trị phi vật thể đang biến mất như truyền thuyết, lời ru tiếng hát, điệu hò, làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc… rất cần được ghi chép lại, quay phim lại, ghi âm lại; nhiều văn bia, thư tịch trong dân gian cần được số hóa lưu trữ để chống chọi với sự tàn phá của thời gian… Tiếp tục triển khai thực hiện bộ sách “Làng văn vật” với sự tham gia của đông đảo hội viên của Hội. Tham gia phục dựng giá trị văn hóa văn nghệ dân gian và đưa vào phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. Hội Văn nghệ dân gian cần chủ động hơn, để xuất với tỉnh để Hội đứng ra phục dựng một số lễ hội dân gian, trò chơi dân gian để đưa vào phục vụ du lịch như lễ hội Làng Chuồn, lễ hội Rước Hến, lễ hội Cầu Mùa, lễ hội Đi Sim…; các trò chơi, các diễn xướng dân gian khác…
...và 05 cá nhân Hội Văn nghệ dân gian tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong 30 năm xây dựng và phát triển |
Nhân dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tặng Bằng khen cho 01 tập thể và 05 cá nhân thuộc Hội Văn nghệ dân gian tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong 30 năm xây dựng và phát triển (1991 - 2021).
Phương Anh