Trong năm 2010 vừa qua, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan ban ngành, Tạp chí Sông Hương đã mạnh dạn xuất bản 3 số chuyên đề phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của tỉnh nhà và đất nước: kỷ niệm 35 năm giải phóng Thừa Thiên Huế, Festival Huế 2010, chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Các số đặc biệt Sông Hương đã gây được tiếng vang tốt trong công chúng bạn đọc. Tạp chí đã phối hợp với Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tổ chức cuộc thi Thơ Lục bát, đã nhận đưọc trên 2000 tác phẩm dự thi. Bên cạnh báo in, trang thông tin điện tử của Tạp chí đã đưa nhiều hình ảnh kinh tế - xã hội, đặc biệt là văn hóa văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Việt Nam ra với bạn bè thế giới, kiều bào nước ngoài. Trang thông tin điện tử đã bước đầu cập nhật thêm tình hình văn học nghệ thuật trong nước và quốc tế. Bước đầu hình thành một số chuyên đề riêng, chẳng hạn chuyên đề Thơ đến từ đâu tập hợp những bài viết về những vấn đề liên quan đến dòng văn học đương đại, xung quanh những tác giả, tác phẩm đang được chú ý.
Bên cạnh việc giữ chất lượng tạp chí, các chương trình phát triển của Sông Hương cũng được triển khai với nhiều dấu ấn sinh động đóng góp vào đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật tỉnh nhà, nổi bật là Chương trình Phát triển Không gian Văn hoá Nghệ thuật và Chương trình Phát triển Tài năng Trẻ. Tạp chí đã phối hợp với Hội Nhà văn TT Huế tổ chức các buổi toạ đàm về văn hóa nghệ thuật như Tọa đàm Thơ đến từ đâu với sự góp mặt của các văn nghệ sỹ của cả nước, tọa đàm giới thiệu các tác phẩm “Biết đâu địa ngục thiên đường” của nhà văn Nguyễn Khắc Phê, “Nhánh tùng vườn An Hiên” do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân biên soạn; tổ chức các cuộc gặp mặt các văn nghệ sỹ trong và ngoài nước như dịch giả Trần Thiện Đạo, nhà thơ Mỹ Bruce Weilg...
Đặc biệt Tạp chí đã phối hợp với Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế tổ chức thành công Gala Tinh Hoa - Sông Hương để tôn vinh NXB Tinh Hoa, nhà xuất bản âm nhạc chuyên nghiệp đầu tiên của VN xuất hiện tại Huế từ những năm 1940. NXB này đã tổ chức ấn hành các tác phẩm của nền tân nhạc Việt Nam buổi sơ khai, tạo điều kiện cho các tác phẩm đó nhanh chóng đến được với công chúng yêu âm nhạc trên tòan Đông Dương lúc bấy giờ, khiến cho nền tân nhạc VN thưở ban đầu được chắp cánh bay lên, để lại những ca khúc bất hủ mà đến tận bây giờ, sau 60 - 70 năm, chúng ta vẫn đang còn nghe và hát với một sự đồng cảm và yêu mến sâu sắc. Sự xuất hiện và những đóng góp của NXB Tinh Hoa - Huế thêm một lần nữa chứng tỏ rằng, một thời chưa xa, Huế đã từng là trung tâm văn hóa lớn trên nhiều lĩnh vực.
Cũng từ tháng 10/2009 đến giữa năm 2010, Tạp chí Sông Hương đã tổ chức cuộc thi Truyện ngắn hay dành cho sinh viên Huế. Kết quả cuộc thi này đã hết sức thành công. Ban tổ chức đã chọn được các tác phẩm xứng đáng để trao giải, phát hiện được một số tác giả trẻ để có hướng đào tạo cho lực lượng viết văn kế thừa trong tương lai
Tại buổi gặp mặt, các cộng tác viên đã đóng góp ý kiến để Tạp chí Sông Hương ngày một nâng cao về nội dung lẫn hình thức để đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Thay mặt Ban biên tập, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc- Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Sông Hương đã tiếp thu ý kiến của các cộng tác viên và cảm ơn các văn nghệ sỹ tỉnh nhà, trong và ngoài nước, những người yêu văn học nghệ thuật đã đóng góp nhiều bài vở hay cho tạp chí. Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc đã nêu định hướng phát triển Tạp chí Sông Hương trong năm 2011. Đó là sẽ đổi mới cách thức trình bày, tiếp tục nâng cao chất lượng bài vở, chú trọng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá Huế, giữ bản sắc Huế của tờ Tạp chí; tiếp tục mở rộng và phát triển mạng lưới cộng tác viên cũng như việc phát hành; tiếp tục phấn đấu để trang web trở thành một địa chỉ truy cập của đông đảo những người yêu văn hoá văn nghệ Việt Nam và xứ Huế, trở thành Nhịp cầu của những người yêu Huế.
Nhân dịp này, Tạp chí Sông Hương đã trao Tặng thưởng Sông Hương cho nhà văn Nguyễn Văn Dũng và tặng quà cho cộng tác viên có nhiều đóng góp cho Tạp chí trong năm 2010.
PV
|