@ Tập truyện ngắn và thơ Cái chết không có con người (175 trang, khổ 13x19, Nxb Văn học, 2012) có được là nhờ sự tâm huyết chung tay góp sức của bè bạn văn nghệ Huế thực hiện. Tác giả của nó - Hoàng Trọng Định là nhân vật chính của vở bi hài kịch do chính anh dàn dựng.
Anh đã từng thử chết để có thể tan trọn vào thân phận một vai diễn không ai dám nhận. Thật bất ngờ, lời thoại vở bi hài kịch này nghiễm nhiên là những truyện ngắn với văn phong đầy ám gợi. Và bây giờ thì tác phẩm của anh đã đâm chồi từ “cái chết của tác giả”...
@ Sau tiểu thuyết Vùng lõm của nhà văn Nguyễn Quang Hà, Thừa Thiên Huế có thêm một biệt danh cách mạng mới: Vùng sâu (Nxb Hội Nhà văn, 2012). Tác phẩm dày 335 trang khổ 13x20cm này viết về khúc ngoặt của một người tên Phước từ phong trào sinh viên tranh đấu, anh sớm khẳng định là cán bộ nguồn; nhưng đâu phải mặt trời nào cũng soi thấu chân lý. Không hiếm người hiểu thân phận của Phước, và đặc biệt là niềm cảm thông của một người từng là kẻ thù bên kia chiến tuyến...
Tô Nhuận Vỹ đã im lặng khá lâu mới cho ra tiểu thuyết này. Tuy nhiên, bạn đọc còn nhớ: tháng 10 năm 2008 Sông Hương đã trích in cuốn truyện khác là Vượt qua số phận. Khi bài được đưa lên web đã hút một lượng độc giả ngoài tưởng tượng... Hy vọng không lâu nữa câu chuyện “kể về tai nạn khủng khiếp đổ xuống gia đình nhà văn Tô Nhuận Vỹ” cách đây hơn mười năm sẽ trọng vẹn đến với bạn đọc.
@ Ban biên tập Sông Hương nhận được Hoa cỏ may của Hoàng Phụng Cầm trước tết; sau đó không lâu lại hay tin tác giả không còn. Thật ra những câu thơ dưới đây đã mang trong nó tin buồn:
Một chiều xuống nặng hai vai/ Một chiều bắt gặp cỏ may khóc thầm/.../ Một chiều chim lạc vườn
hoang/ Chân mình vô cớ vấp oan bóng mình...Tập thơ gồm 31 bài lục bát và 21 bài tự do. Thiết nghĩ đọc thơ của những người đã khuất là niềm tưởng nhớ trang trọng nhất khi chúng ta chưa có dịp thắp lên mộ họ một nén nhang.
@ Có thể xem Buổi câu hờ hững của Nguyễn Bình Phương (Nxb Văn học & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2011) là cuộc kiếm tìm bất tận. Anh kiếm tìm những những khiếm khuyết, những vết thương của ngôn từ để rắc vào đó ý tưởng. Sự kiếm tìm đã giúp anh lớn lên từ cánh đồng văn chương lam lũ. Nhưng giờ kiếm tìm đã cũ. Nguyễn Bình Phương vẫn buông câu như một gã thiền sư trước bể khổ. Hễ ai đến với thơ anh, hết lá vẫn còn cây, hết cây còn cả rừng mơ tưởng, lại bắt đầu những kiếm tìm dường như bất khả…
@ Tác phẩm mở đầu cho năm 2012 của nhà văn Nguyễn Khắc Phê được Nxb Công an Nhân dân ấn hành Tài danh & số phận là tập ký sự về 28 chân dung do “duyên may” tác giả gặp gỡ. Có những bài viết cách gần chục năm như về người thầy đầu tiên của Nguyễn Tất Thành là Lê Văn Miến bây giờ đọc lại vẫn mới toanh nguồn tư liệu và nỗi niềm canh cánh về một ngôi mộ vẫn còn ít người biết đến. Nhà văn Hồng Nhu cho rằng đây là cuốn sách rất đáng đọc, bởi nó “gợi cho ta rất nhiều suy ngẫm về lẽ sống và đạo lý làm người, về sự thành bại, được mất trong cuộc đời mỗi người”.Tài danh & số phận cũng có thể xem là đang nói về chính Nguyễn Khắc Phê. Tài danh - dĩ nhiên. Còn số phận, có lẽ, đã đến lúc cần có những công trình khảo cứu về tác giả này, từ tác phẩm cho tới các thể loại khác để lớp trẻ đong đo được tâm huyết và công sức của một nhà văn chuyên nghiệp.
@ Âu - Mỹ luôn là cái nôi văn chương nhân loại xưa nay. Phần lớn các tác giả Nobel cũng nằm ở đây. Tiếp nối công trình Văn học phương Tây, các tác giả Lê Huy Bắc (chủ biên) - Nguyễn Linh Chi - Nguyễn Thị Thu Dung - Nguyễn Thanh Hiếu - Đào Duy Hiệp - Nguyễn Thùy Linh - Bửu Nam - Trương Kim Phượng - Hoàng Thị Quỳnh Trang vừa cho ra mắt cuốn Văn học Âu - Mỹ thế kỷ XX (Nxb Đại học Sư phạm, 2011; dày 400 trang, khổ 17x24cm). 9 tác giả thiên tài, từ những “người cũ” như Márquez, Hemingway, Kafka, Faulkner, đến “người mới” có tác phẩm dịch gần đây như James Joyce... đều được trình bày qua những công trình lý luận mang tính học thuật cao. Cuốn sách chắc chắn giúp cho rất nhiều nhà văn Việt Nam nhận rõ hơn hạn chế khó thể khắc phục: kỹ thuật viết.
(SH277/3-12)