Giá sách Sông Hương
Về thư gửi con của Thái Kim Lan
15:58 | 25/06/2012

NGUYỄN THỊ HOÀNG

Thoáng qua thì tưởng chừng như chẳng có gì nơi một khoảng không nhẹ tênh và trong suốt. Lời tiếng ấy, nao lòng ấy, bày tỏ ấy thì đâu đâu cũng có từ nguồn thương mỗi người mẹ gửi cho con...

Về thư gửi con của Thái Kim Lan

Nhưng, để hiểu một chấm phết trong một câu, hay một tác phẩm, dẫu ngắn dài lớn nhỏ của một trường hợp sáng tạo, khách thể cần một cái biết bằng cân đo, thăm dò hay tương thông tính cách trọn vẹn một chủ thể.

Nên muốn cảm hiểu được vì sao chỉ là như thế trong những trang thư gửi về con từ những chuyến đi xa, phải trích dẫn phần mẹ con khỏi Tổng Thể Thái Kim Lan bao gồm Triết, Đạo, và nhiều mô hình phức hợp khác trong nghĩ tưởng, hành động, cách khác, trong viết và sống.

Nếu không, lướt qua những trang thư dung dị, hồn nhiên, người đọc sẽ ngạc nhiên không tìm thấy chút trữ lượng của chủ đề sâu nặng Mẹ Con. Mỗi phụ nữ có con đều được là mẹ và làm mẹ, nhưng trên mẫu số chung là thương con, hàng tỉ tử số khác nhau cho tự tính là và làm mẹ ấy, tùy thuộc dân tánh, căn chất, đẳng cấp, thể loại khác nhau của phụ nữ.

Cái là xác định tính cách sinh sản, sáng tạo và hoàn thành một công trình, tuyệt phẩm.

Cái làm xác định tính cách nuôi dưỡng, biến hoá, đắp bồi, hoàn thành trọn vẹn công trình và tuyệt phẩm ấy, trong cuộc nối truyền bất tận cái là sau hơn cái là trước, cái làm sau hoàn hảo hơn cái làm trước trên tiến hóa từng thế hệ luân lưu.

Quá trình sinh và thành ấy, trên nền tảng tình thương không cùng tận, là mẹ và làm mẹ trải qua những trạng thái, nỗi niềm, tình thế, hoàn cảnh khổ vui, đau xót, chịu đựng, hy sinh… chính là nguồn cơn thử thách và chứng nghiệm được tình thương ấy.

Để bảo toàn mái ấm cho con, trong gia đình và trong cả xã hội, mẹ đôi khi quên sống phần mình, phải thích những gì không thích, và phải không thích những gì mình thích, chịu những gì không ai chịu được, làm lấy việc không ai muốn làm, rán nhịn những cần thiết cá nhân, nhường phần cho kẻ khác, khổ mà giả vui, đau vẫn làm lành để giữ đối trọng giữa hai thái cực xung khắc.Tối thiểu của hy sinh và chịu đựng, khi không có điều kiện để sống để làm, mẹ vẫn nhường phần êm ấm cho con: "Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn".Chính trong những hoàn cảnh không là gì, không có gì ấy, mẹ thể hiện trọn vẹn phẩm tính mình, không phô diễn, không kể lể. Nên, hy sinh là hy sinh, không nhỏ, không lớn, dẫu chỉ là một chỗ nằm trên manh chiếu nát, hay cả một cuộc đời bao la dàn trải, mẹ vẫn khước từ đời muốn sống, nhận chịu đời phải sống để bảo toàn tổ ấm cho đến mùa chim con đủ cánh bay đi.

Cho nên, mẹ là nơi chứa đựng, chôn vùi hay cất giấu buồn vui, sướng khổ của đời con. Mẹ là nguồn cảm ứng sâu xa, tuyệt đối và lặng câm với mọi nỗi niềm yêu đau bi hoan của nỗi lòng con. Mẹ là thân cây cao lớn mà rã mục dần theo mùa tàn, cho mầm chồi lá hoa con trổ mùa xuân mới.

Bởi mẹ là thân nữ nhận hưởng mà thật sự chỉ là nhận chịu những vui thoả của người nam để hoài thai và thoát sinh con cuộc đời cùng số phận.

Nên, tất cả những nghĩ và làm của người mẹ trong tương quan đối đãi cùng con, chỉ để cầu mong đời sau lên khỏi đời trước- cái mặt phẳng tưởng là bệ phóng mà kỳ thực chỉ là nền địa ngục nối truyền không dứt của thân phận sinh và nuôi, nếu không chuyển niệm được chân tính của mẹ là nâng đỡ, giải cứu con mình và tất cả.

Không thấp thoáng bóng dáng tính cách mẹ này trên những trang thư hồn nhiên phơi phới TKL viết gửi cho con những buổi xa nhà. Những trang thư chứa đầy hai nỗi nhớ và thương của tình mẹ. Tình mẹ nghĩ đến con khi nhìn thấy cảnh đẹp (tr.25), tình mẹ cảm nghe được hơi ấm của con trong mình khi xa cách.Tình mẹ mong ước chia sẻ cùng con trong chiêm ngưỡng ngoại giới, cùng ngắm màu xanh mùa thu của Huế. Tình mẹ tiếc không có con chung cùng mỗi khi cảm sống được điều gì đẹp (tr.51). Tình mẹ chứng nghiệm được, không có con mẹ mất ý nghĩa sống (tr.69). Rồi tình mẹ dặn dò con ăn ở tươm tất lúc mẹ vắng nhà. Giản dị nhất, mà cũng thiết tha nhất, tình mẹ hẹn khi về nấu một bữa ăn thật ngon cho con.

Nấu một bữa ăn thật ngon cho con, công việc thật nhỏ, niềm vui thật lớn của người mẹ, với TKL, không được hàng ngày hằng bữa như những đàn bà và cuộc đời khác, mà phải chờ đợi để thể hiện, nhận hưởng. Vì biết bao lần mẹ phải dứt lìa ra khỏi vòng tay nhỏ xíu của con, để lên đường. Hành trình của mẹ, bất luận dưới hình thức và phương thế nào, cũng chỉ vì yêu thương, vun trồng và tắm tưới mọi thể loại cây xanh trong vườn đời hạn hán thời nay. Cây Tri Thức. Cây Nhân Ái. Cây Công Bình. Cây Thiện Mỹ, những mầm chồi từ Đại Đạo của Ngày Mai. Vì yêu thương con, Mẹ yêu thương tất cả. Yêu thương ấy không cùng tận. Nên hành trình cũng sẽ không cùng tận, dẫu mai kia có ngã bóng trên đường.

Mẹ, không chỉ là mẹ, mà còn làm mẹ. Là mẹ và làm mẹ, một thể tính trộn lẫn, tròn đầy là một. Nên không là mẹ nếu không làm mẹ. Mọi nghĩa "là mẹ" thể hiện trong "làm mẹ", suốt cuộc sinh và nuôi trọn vẹn. Đừng ngạc nhiên hay phê phán vội nếu không tìm thấy dấu tích gì về yếu tính mẹ này trên những lời thư cho con của TKL. Bởi vì, không những TKL chỉ dành một phần trích của mẹ cho con (phần trích của không cùng tận!), mà khi nói với con, TKL đã hoàn toàn thoát thân RA KHỎI tổng thể mình. Khi ấy, không có và không cần nữa mọi thứ trang sức lỉnh kỉnh trong thân và ngoài thân, nào triết, nào đạo, nào văn học, nào lí luận, phê bình, nghiên cứu... Khi ấy, không cần phải là gì và làm gì cả, với con hay bất kì ai, mẹ bốc hơi trong nghĩ tưởng về con, thành khí thể hoà nhập cùng con bất chấp thời gian không gian cách trở.

Phần thể tính trong ngần bất biến hoại ấy còn đọng lại mãi hoài nơi người mẹ. Nhưng con thì lớn khôn, biến đổi, ra đi, mang theo ít nhiều phẩm trích của mẹ trộn lẫn tỉ lệ di tánh cao thấp tùy theo từ phía khác, hoàn thành số phận mới. Hai vòng tròn đồng tâm lớn nhỏ mẹ con từ đó trượt qua nhau, có thể đồng nhất hiệp lực mà cũng có thể xung khắc, đối nghịch. Bụng của mẹ, tấm lòng nữa, có thể là miền an trú cho con trọn đời nghĩ nhớ, mà cũng có thể chỉ là căn phòng chật hẹp cho thuê chín tháng mười ngày nếu bên đời con chỉ vâng chịu và đáp ứng những quyền năng quyến rũ của tha nhân.

Có lẽ, với hồn tính trẻ thơ hay hoá thân thành trẻ thơ như thế trong diệu nhập cùng con, TKL hẳn không quên yếu tính này của mẹ và con. Nhưng bất cần những điều rắc rối vô can ấy, khoảnh khắc màu hồng thơ trẻ này của mẹ và con.

Hãy xúc động, khóc cười với nước mắt vui cho đến ngày thiên tai chạm vỡ hết mọi thứ "có" và "là" trong ý niệm cùng thực tại.

Cho đến ngày, không phải mẹ, mà con ra đi và trở về sau những vòng đời thể nghiệm xa xôi.

Khi ấy, biết đâu những tờ thư cho con nối tiếp. Ngày xưa đã xa. Tình thơ đã phai.

Chỉ còn lại những nghĩa vụ nhắc nhở hoàn thành, những vấn đề chung nhau giải quyết.

Những vấp vướng nặng lòng tháo gỡ triền miên...

Sẽ không là phần trích mà tổng thể TKL, danh tính và tầm cỡ, viết dòng thư mới. Đọc một tác phẩm, một trường hợp, một con người, phải cho đến cùng mới tìm ra nhận định đúng (mà chưa chắc đã đủ, đừng hòng chuyện phê bình!). Nên, nếu hiểu Thư Gửi Con của TKL chỉ như là khúc dạo của một Trường Ca, người đọc còn chờ mong ngày thế giới đoàn viên cùng ngồi xem tập tiếp theo của Kịch Bản Luân Hồi.

N.T.H.
(SDB 6-12)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng