Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới tháng 7/2012
16:09 | 16/07/2012

@ Thúc Tề (Lãng Tử) sinh ngày 17.10.1916 tại Huế. “Là nhà thơ lãng mạn với Trăng mơ, là nhà văn hiện thực với Nợ văn, cuối cùng chết cái chết của một liệt sĩ cách mạng, cuộc đời Thúc Tề tuy éo le ly kỳ, nhưng vẫn phù hợp với phép biện chứng của vận động lịch sử và diễn biến tâm hồn con người” (Hoài Anh).

Tác phẩm mới tháng 7/2012

Tập sách tái bản lần thứ 2 Nợ văn (Nxb Lao động, 2012) được chia làm 3 phần: Phần 1 là Thân thế - Sự nghiệp - Cái chết của Thúc Tề, phần 3 là Một số bài viết về Thúc Tề; phần tác phẩm nằm giữa gồm mục Văn 50 trang và Thơ với chỉ 2 bài; trong đó bài Trăng mơ được tuyển vào Thi nhân Việt Nam, nên ông thường được gọi là “nhà thơ một bài”. Gs. Đinh Xuân Lâm đã có lời bình rất hay về bài thơ này: “điệu thơ buồn lê thê kéo dài trên trang sách, với những hình ảnh tiêu biểu về sông Hương thở dài trong đêm thu đầy sương, với tiếng nhạc dịu dàng lan tỏa dưới vầng trăng lạnh. Tất cả gợi lên một niềm cô tịch sâu lắng, một cảm giác rùng rợn ma quái, đến nỗi khi trời chuyển sáng, điệu hát xuân đã vang ngân mà cảnh và người trong đó vẫn không sao vui lên được”. Nợ văn của Thúc Tề gồm 10 phóng sự, mà thực ra có thể gọi đó là 10 bài ký, đăng trên báo Mai ở Sài Gòn năm 1938 và Nxb Tân Việt in thành sách năm 1941. “Nợ văn của Thúc Tề nói lên một cách da diết cái khổ của nghề văn đất nước ta thời thực dân phong kiến” (Nguyễn Xuân Sanh).


@ Tập ký sự của Nguyễn Trọng Tân với khổ sách bỏ túi (10,5x17; Nxb Hội Nhà văn) với 164 trang Ký ức không yên về chế độ diệt chủng Khmer Đỏ tàn ác và là một thảm họa đáng quên của nhân loại. “Chỉ trong 24 giờ đầu nắm quyền, chế độ Pôn - pốt đã lộ mặt lũ quỷ khát máu, dìm đất nước Campuchia trong địa ngục trần gian, thi hành một chế độ cai trị quái đản nhất giữa một thế giới văn minh tiến bộ”. Trên chiêu bài “thanh lọc nhân dân mình”, gần 3 triệu người đã bị sát hại một cách man rợ oan khuất. Kỳ quan của thế giới một thuở ngập chìm trong tang tóc; máu và nước mắt ngấm cả vào đền đài di sản mà đến nay chưa hẳn đã gội sạch.


@ Tác giả Trần Nguyễn Khánh Phong là một giáo viên; niềm đam mê nghiên cứu văn hóa đã khiến anh làm được nhiều việc ý nghĩa hơn cho vùng đồi núi A Lưới. Nhiều công trình của anh được đánh giá cao bởi tính cấp thiết của những vỉa tầng văn hóa đang dần mai một, thất lạc và bào mòn trước thời gian. Gần đây anh đã cùng với Ta Dưr Tư sưu tầm và biên soạn cuốn Truyện cổ Pacô (Nxb Thuận Hóa, Huế, 2011) với 18 câu chuyện vui tươi song nặng trĩu sức sống ghi theo lời kể của chính con người A Lưới. “Những câu truyện cổ của họ tất cả đều nhằm phản ánh những thói hư tật xấu trong xã hội cổ truyền. Và thông qua truyện cổ, người Pacô còn có những cách ứng xử tốt với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội”. Truyện A doon là bài học nhắc nhở con người chúng ta phải đối xử tốt với thế giới động vật; truyện Ku moor Ta Ngực, Ky Nhiêr, Kân Tưi Akọ kụt lại nhắc nhở chúng ta về thái độ sống giữa người giàu với người nghèo, tình cảm cha con, vợ chồng…


@ Tác giả Phan Thanh Hải vừa in cuốn sách, theo anh chỉ là “ghi chép mang tính ngẫu hứng” về những nơi anh từng đặt chân đến trong những lần công tác tại Trung Quốc. Điều ấn tượng đầu tiên có lẽ là “các khu vườn Tô Châu luôn gợi cho tác giả cảnh sắc những khu vườn ở Huế”. Anh cũng đã có dịp chiêm ngưỡng 360 bản khắc trên đá bài thơ Phong kiều dạ bạc tại chùa Hàn Sơn; thăm Di Hòa Viên vào mùa đông “mơ màng trong sương khói bảng lảng bốc lên từ mặt băng”; đi tìm lại Viên Minh Viên - Thiên đường trên mặt đất “đã tiêu tan cùng khói lửa chiến tranh khi quân đội phương Tây tràn vào Bắc Kinh cuối thế kỷ XIX”, rồi đưa ra cảm nhận thú vị: “Viên Minh Viên, nếu đúng như tên gọi là sự toàn thiện, toàn mỹ thì làm sao có thể tồn tại trên thế gian đầy trắc trở này?!”.
Du lãm danh thắng Trung Hoa (Nxb Thuận Hóa, 2012) dày gần 200 trang khổ 12x20 được in màu giấy láng sang trọng - là một cẩm nang du lịch có sự co giãn giữa các cung bậc văn hóa. Bằng thao tác nghề nghiệp nghiên cứu lịch sử có tầm, sách không đơn thuần là save những cảm hứng du lãm của một lãng tử mà trong nó chứa nhiều tư liệu về các danh thắng khá sinh động và nghiêm xác. Đây là lợi thế của một cuốn sách mang phong cách “văn-hóa-sử”.


@ Kỳ thư của văn minh phương Đông - Kinh Dịch được xem là Âm Dương vận động với 64 quẻ và 128 tinh đẩu liên quan đến sự sống của con người. Linh khu thời mệnh lý (Nxb Tổng hợp TP HCM, 2012) “là tên gọi học thuật tử vi phương Đông, theo mục đích “văn hóa tam lịch”, gồm: “với thế giới quan là “Am lịch sự cố” (hiểu biết tốt lẽ biến hóa của vạn vật), với nhân sinh quan là “Canh lịch sự biến” (tìm cách giải quyết tốt các xáo trộn xảy ra) và thực tiễn “Luyện lịch sự tình” (điều chỉnh tốt các quan hệ giao tiếp thường ngày) để Biết mình - Hiểu người, Hài hòa cuộc sống. Do vậy cuốn sách này của tác giả Lê Hưng VKD đáng để chúng ta đọc một cách nghiêm túc và thận trọng.


@ Trong 30 năm thành lập (1982 - 2012) Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã giúp Di sản Huế từ trong tình trạng “lâm nguy”, “đứng bên vực thẳm của sự quên lãng” (như lời nhận định của M’Bow - TGĐ Unesco năm 1981) trở lại tầm vóc của một di sản văn hóa tầm cỡ thế giới - “những nỗ lực chỉ có thể liên tưởng bằng các chuyện thần thoại” (nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm). Trong 30 năm, Trung tâm đã nhận Huân chương Lao động Hạng Ba, Hạng Nhì, Hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng. Nhân dịp này, trong nhiều chương trình kỷ niệm, Trung tâm đã cho ra mắt tập sách ảnh tư liệu quý giá 30 năm bảo tồn & phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, “ấn chứng” quá trình hồi sinh và phát triển rõ nét nhất của mình. Đặc biệt sách ảnh còn có những bài thơ hay về Huế của Huy Tập (Nếu như chẳng có dòng Hương - Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi), Hải Bằng (Nghê vờn ôm bức bình phong lạnh - Bóng đổ chiều hoang xích lại gần); bài thơ Tạm biệt Huế của Thu Bồn, Tiếng chuông Thiên Mụ của vua Thiệu Trị…  

(SH281/7-12)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng