HỒ CHÍ MINH VỚI VĂN NGHỆ SĨ, VĂN NGHỆ SĨ VỚI HỒ CHÍ MINH (tập 4). Nhà xuất bản Hội Nhà văn - in 8.000 cuốn - khổ 16x 24cm - tháng 5 năm 2012.
Đây là tập sách tiếp nối các tập trước bằng những dòng chảy trong nguồn mạch tình cảm vô tận của Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ và của văn nghệ sĩ đối với Người. Chúng ta lại được bước vào một thế giới cao đẹp trong cách đối nhân xử thế của một vị lãnh tụ vĩ đại và cũng từ đây chúng ta thức nhận được căn nguyên nào khiến cho tất cả chúng ta tôn vinh Người trong niềm tự hào, hãnh diện lớn lao đến nhường đó. Trong sự tôn kính, trên báo Ogoniok thi nhân O. Mandenxtam đã thốt lên “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai...”
GỌI TÌM XÁC ĐỒNG ĐỘI (thơ). Tác giả Trần Vàng Sao. Nhà xuất bản Hội Nhà văn - in 1.000 cuốn - khổ 21x 29,7cm - tháng 6 năm 2012. Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh 1941 ở Thừa Thiên Huế. Cuộc đời ông là cả một bài thơ dài, đẹp và buồn. Gọi tìm xác đồng đội là một thi phẩm chất chứa từng nỗi đau, sự chiêm nghiệm và hồi tưởng về một quá khứ đau thương của thân phận người trong những tháng năm tuổi buồn của chiến tranh và thời cuộc. Trong nỗi tủi nhục thân phận của một con người từng đi qua sự nghiệt ngã của chiến tranh, Trần Vàng Sao cho chúng ta thấy nỗi đau của chiến tranh là có thật, thịt da người vương vãi trên nền đất, bom đạn và sự khát sống của những người lính, ước mơ về một ngày mai có hòa bình và sự hoài nghi về các thang giá trị... tất cả là những điều có thật. Rất thật qua lớp ngôn ngữ giản dị, giản dị đến mức trần trụi và đau đớn của một nhà thơ từng gánh chịu nhiều hệ lụy, gian truân của cuộc đời.
HẠT GẠO CÓ CHÂN (bút ký, phóng sự, ghi chép). Tác giả Đào Tâm Thanh. Nhà xuất bản Thuận Hóa - in 500 cuốn - khổ 13x 19cm - tháng 8 năm 2011. Người đọc sẽ được đi qua những con đường, gặp gỡ tha nhân và chiêm nghiệm những câu chuyện có thật để rồi từ đó ta được sống trong không khí bi tráng của ngày hôm qua, những suy tư về hiện tại và dự phóng tới những điều tốt đẹp trong tương lai qua lối hành văn trong sáng, giản dị và chân thật của Đào Tâm Thanh.
ĐÊM MƠ HƯƠNG TÌNH CŨ là tập thơ mới của Búp Bê Nhỏ được NXB Văn Học ấn hành tháng 6/2012. Búp Bê Nhỏ là bút danh của nhà thơ Nguyễn Thị Bê - con gái sông Hương núi Ngự, Cố đô Huế cổ kính. Sách gồm khoảng 80 bài thơ, và thêm phần hương sắc là phụ bản tranh, ảnh của các họa sỹ tài danh: Rừng, Vũ Hối, Võ Tấn Tài, Phương Linh, phóng bút của Lê Nguyễn...
Giới thiệu về tập thơ này, Mộng H, người bạn của Búp Bê Nhỏ viết: “Tôi đã nắm hiểu được phần nào nỗi niềm của một góa phụ trẻ, từng một thời xuân sắc, cảnh nào cũng ôm trọn một khối tình thầm, để làm niềm tin mà sống, và ơn trên đã trao cho chị, sau 40 năm tình cờ gặp lại Người Xưa ngút ngàn”. Song “Người thơ Búp Bê Nhỏ không chỉ đóng khung tầm mắt trong cuộc tình riêng tư, mà còn nhìn vào cuộc sống chị đang sống với nét nhìn ưu tư, lạc quan có đủ, trung thực và vô tư”...
LÃNH ĐỊA MÈO RỪNG (truyện ngắn). Tác giả Nguyễn Minh Sơn. Nhà xuất bản Hội Nhà văn - in 1.000 cuốn - khổ 12x 20cm - tháng 6 năm 2012. Trong cái nhìn của Phạm Xuân Nguyên thì truyện ngắn của Nguyễn Minh Sơn đậm chất thơ, “lạ thế, một thứ chất thơ không hẵn nằm ở câu chữ mà có lẽ là giọng điệu, cảm xúc. Cho nên truyện anh viết dữ dằn, khốc liệt nhưng đọc không căng thẳng mà xúc động.” Có lẽ chất thơ mà Phạm Xuân Nguyên nói ở đây nó đi ra từ không khí của núi rừng hoang sơ. Của những di chỉ mang tính huyễn mộng, mơ mộng của người miền núi. Sự hoang dã trong Lãnh địa mèo rừng sẽ khiến cho người đọc tìm thấy những điều thú vị mà tưởng như đã mất trong sự xâm lấn của văn minh khoa học.
HƯƠNG QUÊ (Ca khúc). Nhà xuất bản Thanh niên - in 450 cuốn - khổ 19x 19cm - tháng 12 năm 2011.Theo Vũ Khắc thì “Đứng giữa các trào lưu ca khúc hiện đại, Tú Minh cố hòa nhập, nhưng bao giờ cũng giữ bản sắc riêng của mình trong giai điệu và lời ca.” Đúng là đối với âm nhạc, có người tìm đến nó để an ủi chính mình, có người tìm đến nó để mong minh chứng cho sự hiện hữu của bản thân. Nhưng qua Hương Quê, chúng ta thấy Tú Minh tìm đến âm nhạc để níu giữ cái đẹp của Quê Hương, gọi hồn quê hương, vẽ lại bức tranh quê hương qua từng tiết tấu, ca từ và giai điệu mang đậm bản sắc của một nhạc sỹ vì yêu nhiều nên thành kẻ đa đoan.
(SH282/08-12)