Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới tháng 9/2012
15:41 | 17/09/2012

TRÒ CHUYỆN TRIẾT HỌC. Tác giả Bùi Văn Nam Sơn, Nxb Tri Thức, Công ty sách Thời Đại, 2012. Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn là một cái tên không hề xa lạ đối với những ai đam mê triết học Tây Phương.

Tác phẩm mới tháng 9/2012

Ông là người đã mang những tượng đài triết học thế giới đi vào nền học thuật Việt Nam, trong đó hai tượng đài triết học lớn là Kant và Hegel đã có một sự ảnh hưởng sâu rộng đối với tư duy của nền học thuật Việt. Qua Trò chuyện triết học người đọc từng bước đi vào thế giới của triết học, tiếp xúc với những khái niệm và những triết gia cũng như những trào lưu triết học cơ bản. Tất nhiên không chỉ dừng lại ở những vấn đề kinh viện mà qua đây người đọc thấy được rằng triết học không hẳn là những phạm trù trừu tượng, khô khan. Ngược lại, những vấn đề cụ thể của đời sống trần trụi nhìn qua lăng kính của một nhà nghiên cứu triết học chúng trở nên thân thuộc và dễ dàng tri nhận. Đó là những vấn đề của con người, của xã hội, của tự nhiên, của khoa học, của nhân sinh… chúng vừa có tính chất thời sự nhưng lại thoát thai từ những căn nguyên tư tưởng sâu xa của triết học nhân loại.


THÚY LIÊN KHÚC NGOÀI (Thơ Tân hình thức), tác giả Biển Bắc, Nxb Văn học 2012. Thi phẩm này được chia là hai phần. Phần 1: Thúy Liên khúc 20 - 21. Phần 2: Từ Những Thứ Nguyên Ngoài. Theo như lời minh định của chính tác giả thì Thúy Liên khúc 20 - 21 như là một bản trường ca về một cuộc tình (trong muôn cuộc tình) liên mạng xuyên suốt cuối thế kỷ 20 sang thế kỷ 21. Đây là những nghi vấn của chính tác giả về sự hiện hữu ở thực tại khi khái niệm hiện hữu không còn là tuyệt đối, nó dần chuyển sang những khuôn diện khác bởi sự tồn tại của xã hội đã có những rạn nứt và trật nhịp. Chính trong thế giới thơ của Biển Bắc cũng đã cho ta thấy sự nhận thức thực hư đã bắt đầu lẫn lộn khiến con người đứng trước những nghi vấn: Chúng ta thực sự tri nhận được gì và cái gì là bất khả tri. Thực sự ngoại giới mà con người đang tiếp cận chúng có đúng như con người nhìn thấy hay không?... Từ Những Thứ Nguyên Ngoài chính là những cái hiện hữu ở ngoài ta, những cái khác ta, ở xung quanh ta đang nhìn nhận chúng ta “như chúng ta đang nhìn nhận chúng...”. Sông Hương giới thiệu đến quý bạn đọc thi phẩm này với mong muốn bạn đọc được tiếp xúc và làm quen với dòng thi pháp thơ Tân hình thức mà bấy lâu nay Sông Hương đã nỗ lực quảng diễn đến công chúng, để Thơ Việt luôn tồn tại trong sự đa dạng của thi pháp và sâu sắc về tư tưởng.


RỐN LÚN (thơ). Tác giả Biển Bắc, Nxb Văn học, 2012. Sáng tạo, trong một góc độ nào đó là tìm đến và cấp ý nghĩa cho một sự tồn tại ở một chiều kích khác ngoài thế giới hiện hữu mà người sáng tạo đang lưu trú. Rốn lún của Biển Bắc là một thế giới như thế. Cái khác trong thơ Biển Bắc trước hết đó là ngôn ngữ. Một lớp ngôn từ được nối kết với vô thức tộc loại, vì thế chúng không mang những dấu vết của một kẻ cố cách tân thơ bằng lý tính mà ngược lại ngôn ngữ thơ Biển Bắc hết sức tự nhiên và thuần khiết. Trên cái nền ngôn ngữ đó, thi nhân bắt đầu thêu dệt nên những ảnh tượng của mình. Những ảnh tượng thể hiện chiều sâu của tư duy nhưng chúng lại đầy nhạc tính. Nói theo Khế Iêm thì: “Nếu đóng góp của thơ cho văn học gồm hai yếu tố, ngôn ngữ và phong cách thì thơ Biển Bắc đã đạt tiêu chuẩn.”


NHỚ HUẾ SỐ 54 (với chủ đề Tình Sông Hương). Nhiều tác giả, Nxb Trẻ, 2012. Khó có thể truy tìm được căn nguyên nào khiến cho Huế dễ dàng găm sâu vào tâm thức của người Việt đến như vậy. Một trong những nguyên do đó chính là sự mê hoặc của văn hóa. Văn hóa nơi đây được hun đúc, cộng hưởng từ chính thiên nhiên và lòng người trải qua một quá trình lịch sử đầy thăng trầm. Bảy thế kỷ không phải là một quãng thời gian ngắn để Huế có được một diện mạo như hôm nay. Từ xưa tới nay, dòng Sông Hương tồn tại như một biểu tượng, biểu tượng của thơ, của nhạc, của những nỗi đau, của niềm hạnh phúc, của sự thăng hoa và của cả sự ngậm ngùi luyến tiếc trong cảm thức của tao nhân mặc khách khi phải quay gót rời xa… Chuyên đề Tình Sông Hương là tiếng lòng, tiếng đồng vọng của những người con xứ Huế, của những ai đam mê cái đẹp nên nặng lòng yêu, đây cũng là tên của đêm nhạc từ thiện Tình Sông Hương được tạp chí Sông Hương phối hợp với Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tổ chức trong dịp Festival Huế 2012 vừa qua.


THƠ TUYỂN. Tác giả Nguyễn Đông Nhật, Nxb Hội Nhà văn, 2012. Đối với Nguyễn Đông Nhật thì dường như thơ là tiếng nói của thân phận. Trong thơ của ông chúng ta bắt gặp những nỗi đau đã trở thành ảnh tượng qua lớp ngôn từ mới mẻ. Cái sâu sắc trong thơ ông được làm nên bởi sự nối kết một cách tự nhiên của những hình ảnh, và chính sự nối kết này đã thêu dệt nên những biểu tượng đa nghĩa. Những biểu tượng réo gọi về trong chúng ta những nỗi đau của tình yêu, của tha nhân, của thân phận người… Đọc thơ Nguyễn Đông Nhật người đọc nhận ra một đời sống nội tâm, một con người luôn chất vấn sự tồn tại của mình, một ý thức vẫn không ngừng quẫy đạp và hoài nghi về sự tồn tại.


ĐÁ SỎI TRÊN ĐƯỜNG (thơ). Tác giả Hà Nhật, Nxb Hội Nhà văn, 2012. Thơ Hà Nhật được phôi thai từ một tâm hồn trong sáng, yêu những cái đẹp dung dị xung quanh đời thường. Nhưng đôi khi thơ ông cũng thể hiện sự đam mê dấn thân của một con người thích lãng du, xê dịch bằng những dòng chữ trí tuệ của một người luôn xem thơ như một phương tiện để lưu giữ nết đất, hồn người và cũng là nơi để những tiếng lòng đồng vọng.


CÁI TOÀN THỂ VÀ TRẬT TỰ ẨN (tập hợp tiểu luận). Tác giả David Bohm, Tiết Hùng Thái dịch, Nxb Tri thức 2011. Cuốn sách mang màu sắc của triết học. Đưa chúng ta đi tới thấu hiểu bản chất của thực tại nói chung và ý thức nói riêng trong sự vận động không ngừng, trong chuỗi mạch lạc, khai mở và không bao giờ hoàn kết của bản chất sự vận động trong vũ trụ. Cũng từ đó chúng ta thức nhận được mối quan hệ giữa tư duy và thực tại. Bản chất của tư duy, bức tranh về một thế giới toàn thể và các quy luật vận hành… cũng dần hé lộ. Công trình cũng xem xét tới vai trò của ngôn ngữ trong việc đưa sự phân mảnh vào tư duy. David Bohm (1917 - 1992) là một nhân vật hàng đầu trong thế giới vật lý lượng tử, là một ứng viên hoàn toàn xứng đáng cho giải Nobel vật lý nhưng ông vĩnh viễn không được vinh danh trên đỉnh cao này.

(SH283/09-12)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng