Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới tháng 12/2012
10:33 | 25/12/2012

TREO TÌNH TRÊN SÓNG (tiểu thuyết), tác giả Võ Ngọc Lan, Nxb Hội Nhà văn, 2012. Với thi pháp truyền thống, Treo tình trên sóng như là một thiên tự truyện về cuộc đời của một con người. Và từ đây chúng ta nhận thấy thực ra cuộc đời của một con người tự bản thân nó đã là một cuốn tiểu thuyết.

Tác phẩm mới tháng 12/2012

Với một lối tự sự cổ điển, các tình tiết, sự kiện, hành trình của nhân vật được tác giả đưa vào trang sách gần như tương hợp và trung thành với dòng chảy logic của sự thật, từ đó chúng ta thấy được một khuôn mặt xã hội đầy màu sắc trong thời đại mà Võ Ngọc Lan lưu trú qua một lớp ngôn ngữ mộc mạc mang âm hưởng thiên tính nữ. Trong Lời tựa, Hoàng Như Mai viết: “Tâm niệm của tác giả khi viết cuốn truyện dài này là để thương nhớ những ngày qua và vui với cuộc sống hôm nay, như tác giả đã mượn câu thơ Kahlil Gibran để nói lên tâm sự của mình: “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”.


NHỚ HUẾ 55 với chủ đề: Bốn mùa yêu thương, nhiều tác giả, Nxb Trẻ, 2012. Bốn mùa yêu thương vẫn lấy Huế làm hình tượng trung tâm, làm cội nguồn cho mọi cảm hứng sáng tạo. Đây là một thế giới đa sắc màu về văn phong và lối viết của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ... Huế lại một lần nữa minh chứng rằng đây là một mảnh đất luôn ám ảnh tâm thức của người sáng tạo. Có khi người ta tìm về với Huế là tìm về với những kỷ niệm, những ký ức xa xăm như trong bài Thành Nội một thuở trong tôi của Bùi Kim Chi, Một thời sinh viên ở Huế của Phan Văn Cho. Có khi người ta lại tìm đến Huế để truy vấn về cái đẹp, những nét đẹp bình dị nhưng chính sự bình dị đó lại là cội nguồn thoát thai cho cảm hứng sáng tạo. Những nét đẹp đi ra từ ca dao hay đi ra từ chính những ca từ của Trịnh cũng là một trong nhưng suối nguồn của thi ca khi viết về Huế. Và điều đó được thể hiện rất rõ trong Ngõ Huế của nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc. Những điều khác biệt luôn được làm nên bởi sự chú ý của người sáng tạo khi nhìn về phía mà ít ai để ý tới. Nhớ Huế 55 là sự hợp lưu của những cái nhìn khác biệt mang dấu ấn của mỗi cá nhân khi nhìn về mảnh đất thần kinh này.


THƠ VƯƠNG TỪ, tuyển chọn thơ Vương Từ, Nxb Hội Nhà văn, 2012. Đọc thơ Vương Từ ta thấy rằng ở ông cái tài hoa lẫn lộn với cái cà rỡn, bông đùa. Và có lẽ cuộc đời ông cũng đã gần như một bài thơ thấm với men nồng của rượu và sự phiêu bồng trong lối sống của ông. Trong cái nhìn của Hữu Bảo thì “Cuộc đời cứ trôi, Vương Từ vẫn say, thơ văn cứ tiếp tục, bạn hữu vây quanh không thể nào cản được. Từ không tiền, không rượu, không nhà, không xe, đêm nằm lạnh lẽo trên đất Mỹ phồn hoa, lây lất say mèm theo năm tháng, vẫn cứ vui, cứ chơi như chưa từng hiện hữu, nhìn cuộc đời như có như không...”. Tất cả đối với Vương Từ ấy là THƠ vậy.


BÙI GIÁNG - ĐƯỜI ƯƠI CHÂN KINH (thơ văn tinh tuyển), Thiên Hải Đoạn Trường Nhân tuyển chọn và giới thiệu, Nhã Nam & Nxb Hội Nhà văn, 2012. Bùi Giáng, một thi quái lẫy lừng, một thi sĩ luôn nỗ lực tự hủy không ngừng trong sáng tạo. Danh tiếng và sự lan tỏa của ông song hành với dòng thời gian không ngừng luân chuyển. Tuyển tập này là sự chọn lọc những gì mà nhân gian có thể lĩnh hội được của Trung niên thi sĩ. Trong bài “Bùi Giáng, một hồn thơ bị vây khốn” (in trong tuyển tập này), Thanh Tâm Tuyền viết: “Muốn gặp Bùi Giáng, hãy ngao du theo dấu chân Ông để lại, hãy đánh mất mình trong cuộc Lữ, hãy chịu cuồng si để sáng suốt. Nghĩa là hãy thơ mộng như ông.” Bước vào Đười ươi chân kinh để biết rằng muốn hiểu được thi giới của Bùi Giáng trước hết phải sống phiêu bồng như chính ông. Mà sống phiêu bồng như chính ông thì đời này mấy kẻ? Trong niềm mơ mộng của mình Mai Thảo đã không tiếc lời khi thốt lên rằng: “Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời…”.


BẢN XÔ-NÁT THI CA (tiểu luận - phê bình), tác giả Hoàng Thụy Anh, Nxb Hội Nhà văn, 2012. Khi người sáng tạo không tự mình diễn giải về thế giới sáng tạo của họ thì dĩ nhiên nhiệm vụ đó được giao phó cho các nhà phê bình. Bản xô-nát thi ca là những gợi mở, lý giải về thế giới thi ca của những người đã góp mình kiến tạo nên diện mạo cho thơ ca đương đại Việt Nam như Trương Đăng Dung, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Vũ Thuật, Đinh Thị Như Thúy, Lê Vĩnh Tài, Vi Thùy Linh... Những điều đáng chú ý trong phê bình của Hoàng Thụy Anh là tác giả luôn đi tìm những cách tân về lối viết của người sáng tạo, dựa trên những trao lưu lý thuyết để đi vào kiến giải những bề khuất lấp trong từng con chữ. Đó cũng phương pháp phê bình chung của các nhà phê bình trẻ hiện nay. Với phương pháp đó chắc chắn sẽ vén mở thêm những điều mà phê bình truyền thống bấy lâu nay tưởng như là bất khả giải.


SỰ NGHÈO NÀN CỦA THUYẾT SỬ LUẬN (chuyên luận), tác giả Karl Raimund Popper, Chu Lan Đình chuyển ngữ, Nxb Tri thức, 2012. Sinh ở Vienna vào năm 1902. Karl Raimund Popper sang sống tại Anh từ năm 1946 và trong một thời gian dài là giáo sư của Học viện kinh tế London. Những công trình nghiên cứu của ông trong lĩnh vực triết học khoa học và triết học chính trị đã minh chứng rằng ông là một trong những triết gia có tầm ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX. Tư tưởng của ông bao trùm các lĩnh vực như Triết học khoa học, Triết học chính trị và xã hội, Về tiến hóa và chức năng của ngôn ngữ. Trong Sự nghèo nàn của thuyết sử luận Karl Raimund Popper viết: “Tôi muốn chứng minh rằng thuyết sử luận là một phương pháp nghèo nàn - một phương pháp không đơm hoa kết trái... bằng những lý lẽ hoàn toàn logic, tôi đã chứng minh được rằng chúng ta không cách gì tiên đoán được tiến trình tương lai của lịch sử”.

(SH286/12-12)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng