Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới tháng 2/2013
09:23 | 04/02/2013

BỬU CHỈ, ĐƯỜNG BAY NGHỆ THUẬT VÀ KÝ ỨC TRẦN GIAN, nhiều tác giả, Nxb. Hội Nhà văn 2012.

Tác phẩm mới tháng 2/2013

Tập sách được thực hiện để tưởng niệm mười năm ngày mất của cố họa sĩ tài danh Bửu Chỉ. Với tập sách này người đọc có thể nắm bắt một số nét về cuộc đời, quan niệm sáng tạo, những cống hiến của họa sĩ Bửu Chỉ cho hội họa xứ Huế nói riêng và hội họa Việt Nam nói chung. Đặc biệt, công trình này đã tập hợp nhiều bài viết đi sâu vào khám phá thế giới nghệ thuật của họa sĩ Bửu Chỉ như bài viết của các tác giả: Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Nguyễn Quân, Bửu Ý, Bửu Nam, Thái Bá Vân, Thái Ngọc San, Jeffrey Hanfover, Hoàng Dũng, Lê Huỳnh Lâm... Thông qua những kiến giải của các tác giả, người đọc nhìn thấy rõ hơn về tư tưởng vượt thoát, về khả năng tổ chức hình tượng trong hội họa của một kẻ nổi loạn bất phục tùng. Qua đây chúng ta thức nhận được sự gắn kết giữa sáng tạo của một người nghệ sĩ với sự trần trụi của đời sống, sự gặp gỡ trong tâm thức của một họa nhân với tâm thức tộc loại của mình.


HUẾ XƯA TÌM LẠI (nghiên cứu văn hóa), tác giả Nguyễn Phước Hải Trung, Nxb. Hội Nhà văn 2012. Đây là công trình tập hợp nhiều bài viết của tác giả đã đăng trên các kỷ yếu khoa học, các tạp chí, các báo, nguyệt san như: Huế Xưa & Nay, Sông Hương, Văn hóa nghệ thuật, Kiến thức Ngày nay, Cổ vật Tinh hoa, Heritage, Văn nghệ, Thanh Niên, Tuổi Trẻ... Qua Huế xưa tìm lại, tác giả từng bước dẫn người đọc đi vào khám phá các giá trị tinh thần của Huế xưa. Những giá trị vĩnh cửu của văn chương, của kiến trúc, cổ vật qua sự nghiên cứu nghiêm xác của tác giả... sẽ là những minh chứng để chúng ta tìm thấy căn nguyên vì sao văn hóa Huế lại có sức mê hoặc đến như vậy.


NHỎ ƠI (thơ), tác giả Ngô Đình Hải, Nxb. Hội Nhà văn 2012. Thơ Ngô Đình Hải đi ra từ tâm thức của một nhà thơ lãng mạn. Thơ anh là sự níu kéo, gọi tên những khoảnh khắc đẹp ở đời thường mà chỉ có một sự nhạy cảm, một trái tim đa tình mới có thể chộp bắt được. Nói như Nhật Chiêu thì: “Thơ Ngô Đình Hải dùng trò chơi ngôn ngữ để dựng lại trò chơi đầu đời.” Hình ảnh trong Nhỏ ơi tuôn ra đôi khi mềm mại, nhẹ nhàng nhưng chính vì thế nó dễ đi sâu vào cảm thức người đọc bởi thơ không đứng trên lớp ngôn ngữ cầu kỳ nhưng rỗng nghĩa, một cấu trúc phức tạp nhưng khuyết thiếu ý tưởng thường thấy trong xu thế cách tân thơ ồ ạt hiện thời.


CÔ GÁI HÁT THÁNH CA (truyện ngắn), tác giả Nguyễn Văn Học, Nxb. Hội Nhà văn 2012. Truyện ngắn của Nguyễn Văn Học không phải là sự phá vỡ của cấu trúc truyền thống mà nó nặng về ý tưởng. Những ý tưởng đi ra từ sự chiêm nghiệm của một nhà văn từng trải. Thông qua mỗi ý tưởng nhà văn vẽ lên những bức tranh đa sắc về cuộc đời, về thân phận, về tình yêu, về những đổ vỡ của con người trước những va chạm với cuộc sống thường nhật. Với một lớp diễn ngôn trong sáng, chân thật, tác giả khiến người đọc phải suy ngẫm về những biến thái của tha nhân, thậm chí là của chính mình.


PHÁO ĐÀI THÉP TRÊN BIỂN ĐÔNG (tuyển tập ký - ghi chép), tác giả Nguyễn Thanh Đạm, Nxb. Văn học 2012. Cái thành công trong lối viết của Nguyễn Thanh Đạm chính là ở chỗ tác giả đã biết làm mềm đi những góc cạnh tưởng như khô khan của đời sống trần trụi. Là những trang bút ký, ghi chép nhưng người viết đã tránh đi những chi tiết vụn vặt mà đi sâu vào khai thác những bề chìm khuất, gọi tên những cảm xúc sâu kín trong từng con người, từng khoảnh khắc mà chính chủ thể đã sống và trải nghiệm. Có thể nói biển và rừng luôn là hai yếu tố ám ảnh trong tâm thức của người Việt. Đó như là cội nguồn thiêng, khởi thủy của cuộc sống. Đọc Pháo đài thép trên biển đông chúng ta sẽ thức nhận sâu hơn cho những điều vừa nói.


DẤU CHÂN XA... MIỀN KÝ ỨC (thơ), tác giả Trầm Mặc, Nxb. Hội Nhà văn, 2012. Thơ Trầm Mặc là cả một thế giới ký ức được gọi về. Đó là ký ức về một vùng quê nghèo khó, về những kỷ niệm tuổi thơ, về mái trường xưa yêu dấu luôn neo đậu trong tâm hồn của những người học trò mang theo mối tình đầu yêu dấu ấy. Có khi trong thơ chị chúng ta lại bắt gặp những chiêm nghiệm, suy tư của một tâm hồn nhạy cảm trước cuộc đời, trước sự biến đổi, va đập của cuộc sống. Lại một lần nữa chúng ta thấy Huế - vùng đất trầm mặc nhưng có sức quyến rũ lạ kì đối với những ai còn vương nợ trần gian. Trong thơ Trầm Mặc, Huế không chỉ là một hình ảnh, một hình tượng mà nó đã trở thành biểu tượng. Biểu tượng về đất mẹ, về quê hương... Đối với Viêm Tịnh thì Trầm Mặc “chọn cho mình một con đường không phải được rải hoa để bước đi cùng cuộc sống, bụi phấn đã với chị trôi theo nhiều năm tháng, để lúc dừng lại mới nói được về một nơi chốn đã hằn sâu trong nỗi nhớ không dứt rời...”.  

(SH288/02-13)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng