CON CÚ MÙ (tiểu thuyết), tác giả Sadegh Hedayat, Hà Vũ Trọng dịch, Phương Nam book và Nxb. Hội Nhà văn 2012.
Đến với Con cú mù người đọc được chìm vào một thế giới siêu thực, một thế giới của những ám ảnh, một thế giới vô thức mênh mông được Sadegh Hedayat kêu gọi trở về rồi phơi bày trên từng trang giấy. Trong diễn ngôn, trong hình tượng, trong cách triển khai những khả thể hư cấu nghệ thuật của Sadegh Hedayat, người ta nhận thấy rằng lối viết của ông có những nét tương cận với Kafka, Allan Poe… Do tính chất khiêu khích của nó nên tác phẩm kinh điển này có một số phận không mấy may mắn khi chính nó luôn bị các kiểm duyệt nhấn chìm. Con cú mù từng được xem như những nỗi ám ảnh hiện sinh; nó khiến nhiều độc giả tự vẫn và chính Sadegh Hedayat cũng tự sát để lảng tránh mọi phiền lụy cuộc đời.
PHƯƠNG PHÁP 6 - ĐẠO ĐỨC HỌC (chuyên luận). Tác giả: Edgar Morin, dịch giả: Chu Tiến Ánh, Nxb. Tri thức 2012. Edgar Morin là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu, là nhà xã hội học, nhân học và triết học. Đã có nhiều công trình của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và chúng đã tác động một cách mạnh mẽ đến sự nhận thức của nhân loại về các giá trị của cuộc sống. Cuốn Đạo đức học của bộ Phương pháp (La Méthode) là tập kết thúc công trình đồ sộ của Edgar Morin. Đối với Morin thì “công trình này thực chất là chuỗi tư duy đưa dẫn ta xem xét lại điều tốt lành, điều có thể, điều tất yếu, tức là cả bản thân đạo đức nữa. Đạo đức quyết không thể thoát li những vấn đề về tính phức hợp. Điều đó thúc đẩy chúng tôi phải tìm hiểu mối quan hệ giữa tri thức với đạo đức, giữa khoa học với đạo đức, chính trị với đạo đức, kinh tế với đạo đức”.
CHIẾC Ô ĐI LẺ (thơ song ngữ Việt - Anh), tác giả Hồ Đăng Thanh Ngọc, Trần Vũ Liên Tâm chuyển sang Anh ngữ, Nxb. Hội Nhà văn 2013. Trong khi truy vấn bản mệnh thực sự của sáng tạo, Adrian Poole tự hỏi: Ai cần bi kịch? Và chính ông cũng tự đặt ra một giả thiết rằng liệu chúng ta có thể hình dung ra một thế giới sẽ như thế nào nếu không có bi kịch. Đối với người sáng tạo, có lẽ bi kịch chính là nơi thoát thai của mọi mơ mộng nghệ thuật. Chiếc ô đi lẻ, tập thơ đánh dấu sự chuyển đổi một cách mạnh mẽ trong lối viết của Hồ Đăng Thanh Ngọc. Sự chuyển đổi này đến từ thi pháp, tư tưởng, đến từ cách tác giả lựa chọn hình tượng, biểu tượng để tạo nên những ý niệm ẩn giấu. Những ý niệm chứa đựng những nỗi buồn, rồi những nỗi buồn cứ thế nhân lên thành bi kịch. Hồ Đăng Thanh Ngọc đi từ bi kịch của tha nhân đến bi kịch của chính mình. Đi từ bi kịch bên ngoài đến bị kịch được che giấu trong sâu thẳm nội giới. Đó là những nỗi buồn của trẻ thơ khi đối mặt với những giấc mơ ngày xưa tan vỡ, những trăn trở của con người khi đặt chân phải bến lú, bờ mê, những hoài nghi của chính nhà thơ khi đối mặt với những nỗi bất an ngay trên hành trình đưa thơ tìm tới Mỹ học của cái khác (mượn chữ của Đỗ Lai Thúy).
TINH THẦN KHAI MINH (Diễn từ nhận Giải văn hóa Phan Châu Trinh (2007 - 2011), Nxb. Tri thức 2012. Đây là tập sách giới thiệu cùng bạn đọc diễn từ của các tác giả nhận Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh trong năm năm qua. Bạn đọc được tiếp cận với những câu chữ đầy nhiệt tâm với nền học thuật Việt của các bậc trí thức lớn, các nhà nghiên cứu triết học, các dịch giả, các nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục,… như Bùi Văn Nam Sơn, Nguyên Ngọc, Lê Hồng Sâm, Condominas, Hồ Ngọc Đại, Hoàng Tụy, Inrasara Phú Trạm, Lại Nguyên Ân… Có thể nhận thấy, trong những năm qua, tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và Nxb. Tri Thức đã có một sự tác động mạnh mẽ đến văn hóa đọc, đến học thuật người Việt. Và trong những năm gần đây, chuyên mục Trên giá sách Sông Hương cũng đã luôn cập nhật và giới thiệu đến bạn đọc tủ sách này. Chính từ Tủ sách tinh hoa của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, người đọc sẽ thấy mình vô cùng nhỏ bé và chậm chạp khủng khiếp trong việc nắm bắt tri thức khách quan, thế giới tâm hồn so với thế giới, giúp chúng ta bớt đi sự cuồng tưởng, thói ngạo nghễ và xác định được mình sẽ làm được gì và những gì sẽ vĩnh viễn nằm ngoài chúng ta. Ở đó, chúng ta thấy được sự tương thông giữa nghệ thuật và khoa học, giữa xã hội và tự nhiên để từ đó giúp tuổi trẻ nhìn ra được căn nguyên nào khiến mình luôn thiếu vắng những cấp độ sáng tạo thật sự dựa trên một nền khoa học, mỹ học rắn chắc trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
CĂN NHÀ CỦA NHỮNG GÃ LANG THANG (nhiều tác giả), Nxb. Thuận Hóa 2013. Theo nhà văn Bửu Ý thì sinh thời, Trịnh Công Sơn luôn cần đến hơi người. Đây không phải là một điều khó hiểu, bởi nghệ thuật, khởi nguyên và tận cùng của nó đều đi ra từ con người và hướng tới con người. Căn nhà của những gã lang thang là nơi lưu dấu những kỷ niệm, nơi chúng ta được thấy hình ảnh của người nhạc sĩ tài hoa này trong mắt thế gian, trong lòng những ai đã lấy chính những ca từ, những thanh âm của ông để an ủi cho linh hồn mình. Đây là ấn phẩm chỉ được phát hành tại Gác Trịnh, một căn gác nhỏ nằm ở 203/19 đường Nguyễn Trường Tộ, Huế. Gác Trịnh là nơi lưu trú một thời của nhạc sĩ và cũng là nơi để những ca từ đầu tiên của ông ra đời. Ấn phẩm là sự góp mặt của những tên tuổi như Bửu Ý, Bửu Nam, Cao Huy Thuần, Đinh Cường, Giao Hưởng - Dạ Lý, Hạ Đình Nguyên, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Khánh Ly, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lê Huỳnh Lâm, Lữ Quỳnh, Nguyễn Hoàn, Sâm Thương, Thái Kim Lan, Nguyễn Xuân Hoàng...
TÔI TỰ HỌC (chuyên luận), tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Nxb. Trẻ 2013. Nguyễn Duy Cần (1907 - 1998) là một học giả lớn. Những tác phẩm giá trị của ông luôn thể hiện tầm vóc minh triết và sự suy luận một cách khoa học. Tôi tự học là một trong những đầu sách nằm trong Tủ sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần do Nxb. Trẻ ấn hành với mong muốn tạo một nền tảng vững chắc, giúp con người tiến đến chân lý, tự rèn luyện để có được một bộ óc sáng suốt, biết suy nghĩ và phán đoán theo tinh thần khoa học.
(SH292/06-13)