KÌA XA XA... CÔN ĐẢO (ký), tác giả Nhất Lâm, Nxb. Văn học 2013.
Với tập bút ký này, Nhất Lâm lại một lần nữa chứng minh cho sự trải nghiệm của mình. Ông là một nhà văn đi nhiều, biết nhiều, từ sự góp nhặt năng lượng trong cuộc sống, ông gom chúng vào trong những trang sách đầy suy tư. Đôi khi những suy tư đó rất đời thường, nhưng đó lại là những vấn về nhức nhối khiến người đọc phải ngẫm nghĩ về giá trị thực sự của đời sống.
Có một điều thường thấy trong cách viết của nhà văn này là sự chạy theo những hồi ức, những gam màu của hồi ức thường đưa Nhất Lâm quay về với những kỷ niệm, đôi khi đó là những kỷ niệm tưởng như phai mờ đi nhưng với một người nặng lòng yêu thì không thể nào quên được.
QUÊ HƯƠNG NỖI NHỚ (thơ), tác giả Bảo Cường, Nxb. Hội Nhà văn 2013. Với ngôn ngữ giản dị, câu tứ gần gũi, thơ Bảo Cường đã neo đậu vào tâm hồn nhiều độc giả. Thơ anh bao giờ cũng lấy quê hương, tình yêu và con người làm nơi xuất phát. Đến với Quê hương nỗi nhớ, người đọc thấm thía bởi những hình ảnh về quê hương đã đi vào tiềm thức của người nghệ sĩ, đã lưu trú trong tâm hồn nhà thơ, ám ảnh và lay động nhà thơ qua mỗi chặng đường phiêu dạt. Quê hương chính là nơi Bảo Cường ra đi và cũng chính là nơi đón nhận anh trở về.
TẠ ƠN NHAU (Tuyển tập truyện ngắn và tản văn), tác giả Dương Trần, Nxb. Văn học 2013. Đi hết cuộc đời dâu bể thì điều gì còn đọng lại với thời gian? Phải chăng đó là tình người. Lòng thương nhớ đến tha nhân. Cùng hướng về nhau trong tình bằng hữu. Đọc Tạ ơn nhau chúng ta thấm thía về tình người, về những kỷ niệm lưu dấu trong tâm hồn của một người nghệ sĩ nhạy cảm với nhân gian. Đó là những mẩu chuyện nhỏ nhưng có sức lay động lớn, những hồi ức xưa cũ nhưng vẫn sống trọn vẹn qua thời gian. Bên cạnh đó Tạ ơn nhau còn có cả những câu chữ của bạn bè Dương Trần nghĩ về Dương Trần. Dương Trần, chỉ một cái tên thôi cũng đủ để nói lên sự hiện hữu của anh trong lòng bè bạn.
NHÀ VĂN & THỜI CUỘC (tuyển tập văn chính luận), tác giả Nguyễn Khắc Phê, Nxb. Hội Nhà văn 2013. Những trăn trở về thời cuộc, thời đại mà nhà văn đang lưu trú thường đem lại năng lượng cho nhà văn đó trong hành trình sáng tạo. Suy cho cùng, nhà văn cũng như tất cả chúng ta không thể sống ngoài sự chi phối của khách quan, sự chi phối của quy luật vận động xã hội. Nhưng khác với người khác, nhà văn có những cách nhìn, cách suy tư, cách dự cảm những nỗi bất an khác biệt về cuộc sống đối với mọi người. Nhà văn & Thời cuộc của Nguyễn Khắc Phê là một minh chứng cho những điều vừa nói. Đó là những trăn trở của ông trước những đổ vỡ của giá trị, sự lo lắng trước những điều thị phi. Đó là những phản biện có trách nhiệm của một nhà văn trong ý hướng đưa giá trị cuộc sống trở về đúng nguyên nghĩa của nó.
(SH293/07-13)