Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới tháng 10/2013
14:44 | 16/10/2013

TRUYỆN NGẮN HAY 2013, nhiều tác giả, Nxb. Văn học, 2013. Tuyển tập này gồm những truyện ngắn của nhiều tác giả đã và đang định hình phong cách trên văn đàn Việt Nam hôm nay như Nguyễn Thị Việt Hà, Chu Thị Minh Huệ, Bùi Anh Tấn, Đỗ Bích Thúy, Đinh Lê Vũ...

Tác phẩm mới tháng 10/2013

Mỗi tác giả có một lối viết khác nhau, nếu soi chiếu vào quá trình sáng tác của họ, chúng ta thấy rằng đó là những cây bút không ngừng khai phá trong việc truy tìm ý tưởng và kỹ thuật tự sự. Nhìn chung, họ đang nỗ lực để khắc họa cuộc sống đương đại, nơi mà họ đang lưu trú. Đó là một cuộc sống đã có nhiều đổ vỡ, sự đổ vỡ của nhiều thang giá trị đưa đến cho các nhà văn một cảm quan hoài nghi triệt để, hoài nghi về sự hiện hữu, hoài nghi về tha nhân và cao hơn nữa là họ hoài nghi về chính mình và chính bản chất của nghệ thuật.


TRÁI TIM TÔI Ở HỘI AN (truyện ngắn), tác giả Hà Khánh Linh, Nxb. Đà Nẵng, 2013. Hà Khánh Linh là người “không coi công việc sáng tác văn học là “nghề” mà là một cách sống, một thái độ ứng xử...” và hơn nữa “là cuộc chơi.” Đọc Trái tim tôi ở Hội An, người đọc sẽ thấy được tác giả là một người luôn biết cách nâng niu cuộc sống bằng trái tim và ngòi bút của mình. Nhà văn kiến tạo cuộc sống đẹp hơn bằng khả năng hư cấu và tưởng tượng. Dựa trên một kết cấu vững chắc của truyền thống, hành văn giản dị, biên độ của không gian luôn được mở rộng..., tác giả đã đưa người đọc tìm về với không gian văn hóa xưa và nay.


TRÚ RÉT (truyện ngắn), tác giả Vũ Thanh Lịch, Nxb. Hội Nhà văn, 2013. Truyện ngắn của Vũ Thanh Lịch có lối diễn ngôn tương cận với diễn ngôn của thơ. Vì thế thế giới của chị chứa ẩn những khoảng trắng, khoảng lặng, những vùng mờ để người đọc nghiền ngẫm. Thế giới của Trú rét là sự trộn lẫn của những hình ảnh từ hồi ức và thực tại, những hình ảnh này có khi chạm sâu vào những cảm xúc sâu kín của người đọc có khi chúng lại hướng tới khắc họa những thân phận người đang chênh chao trước cuộc sống hiện tại trần trụi. Thiên tính nữ trong truyện ngắn của Vũ Thanh Lịch cũng là một trong những điều khiến cho lối viết của chị có sự ám ảnh lớn, thiên tính nữ đi ra từ tâm hồn của một nhà văn đa cảm, tinh tế trong việc nắm bắt những khoảnh khắc, đi ra từ trái tim của một con người “luôn thầm ước... ước những gì mình viết ra có thể nhóm lên một ngọn lửa, sưởi ấm một tâm hồn...”.


HƯƠNG LÀI THUỞ ẤY (thơ), tác giả Vương Kiều, Nxb. Hội Nhà văn, 2013. Trong bài “Hiện thực”, Vương Kiều viết: “Lòng tôi bây giờ!/ Như con sói bị thương/ thất thểu giữa cánh đồng hoang/ chỉ còn chơ vơ nỗi đau cuống rạ...”. Đó là sự tự vấn của một hồn thơ đã mang trên mình những vết thương sâu, đã đi qua nhiều ngả đường, đã gánh lấy nhiều hệ lụy từ kiếp trần ai. Thơ của Vương Kiều đầy những hình ảnh được thêu dệt từ những cổ mẫu, những hình ảnh có từ khởi thủy hồng hoang len lỏi trong tiềm thức như trăng, tuyết, mặt trời, dòng sông, giấc ngủ, máu... đó là những biểu tượng có sức ám ảnh mãnh liệt và cũng là nơi để cho bút lực của một nhà thơ bứt phá ra khỏi việc mô phỏng thực tại để tìm tới những khả thể hư cấu mang màu sắc của huyền thoại.


MỘT CUỘC GẶP GỠ (tiểu luận), tác giả Milan Kundera, Nguyên Ngọc dịch, Nxb. Văn học, 2013. Chưa có duyên với giải Nobel văn học nhưng Milan Kundera vẫn luôn được cho là một nhà văn vĩ đại của thế giới đương đại. Đọc Một cuộc gặp gỡ để thấy được tầm suy nghiệm triết học của một nhà văn có khí lực dồi dào và một tầm bao quát về mỹ học sâu rộng. Không đơn thuần luận giải về văn chương mà Một cuộc gặp gỡ còn lấn sân sang các lĩnh vực nghệ thuật khác. Luận về bất cứ lĩnh vực nào Milan Kundera cũng cho thấy ở ông một lối hành văn nghiêm xác, tài hoa, một trí tuệ lớn, một bậc thầy về diễn đạt và một nhà thông thái trong việc nắm bắt tri thức khách quan. Milan Kundera sinh 1929 tại Tiệp Khắc, hiện mang quốc tịch Pháp, đã có những tác phẩm kinh điển của ông được dịch và giới thiệu tại Việt Nam như Sự bất tử, Bản nguyên, Những mối tình nực cười…  

(SH296/10-13)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng