NHỮNG GIỎ HOA CỦA THỜI GIAN (tản văn), tác giả Lê Tấn Quỳnh, Nxb. Thuận Hóa, 2013.
Điều đáng chú ý nhất về mặt ngôn ngữ trong tản văn của Lê Tấn Quỳnh là việc anh sử dụng rất nhiều từ láy. Với sự lựa chọn này người viết đã tạo ra được sự hòa phối ngữ âm, tạo ra được nhạc tính trong cách triển khai ngôn ngữ. Từ láy trong tản văn của Lê Tấn Quỳnh kéo ngôn ngữ đi về phía tương cận với ngôn ngữ của thơ, do đó cách lựa chọn này có khả năng tạo ra những giá trị biểu cảm mới, khiến không gian và sự vật trong văn bản luôn được mở rộng. Là một người con của xứ Huế nên việc tác giả của Những giỏ hoa của thời gian chạm được sâu vào những khía cạnh của văn hóa Huế, những vỉa tầng tưởng chừng như những điều bình dị nhất nhưng lại có sức gợi lớn là một điều dễ hiểu. Đọc tản văn của Lê Tấn Quỳnh để biết rằng cái đẹp luôn được dung chứa trong những điều bình dị mà ngày thường vì ngược xuôi với nhân thế mà ta nỡ lòng quên đi.
XÔI CHUÔNG (tản văn), tác giả Võ Quê, Nxb. Văn học, 2013. Văn hóa Huế lại một lần nữa là đối tượng trong văn của Võ Quê. Với đề tài đa dạng, kết cấu tự do, trộn lẫn nhiều thể loại... nên tản văn của Võ Quê chạm đến nhiều vấn đề. Đó có thể là những vấn đề thuộc về lịch sử, văn hóa xã hội và đôi khi cũng thuộc về những vấn đề cá nhân. Sự khai triển tản văn trong Xôi chuông hầu như không bó hẹp trong một khuôn mẫu nào. Từ nhiều góc nhìn, nhiều cách soi chiếu Võ quê đã đưa đến cho người đọc những khung cảnh, những chặng đường, những nét đẹp văn hóa từ điểm nhìn của một nhà văn lấy sự đi làm căn cước cho sự viết.
TỪ NGÕ HUẾ (tản văn), tác giả Trần Kiêm Đoàn, Nxb. Đà Nẵng, 2013. Đối với những người con xa Huế khi hồi nhớ về quê hương, lục tìm lại những ký ức có trong tiềm thức về đất mẹ thì những hình ảnh đầu tiên hiện ra có lẽ không phải là những biểu tượng văn hóa có tầm phổ quát lớn lao mà trước hết là những hình ảnh thường ngày quen thuộc. Đó là màu xanh của rêu phủ trên Thành nội, màu cỏ trên sông, mây trên núi và màu trắng xóa của mưa. Đọc Từ ngõ Huế để thấy được những điều vừa nói hẳn nhiên đúng. Một lần nữa Huế lại réo gọi tâm hồn của những ai đa cảm, những ai đã từng xem Huế như là máu thịt của mình. Đối với Đặng Lệ Khánh thì: Qua Từ ngõ Huế tôi như đang bước lại những con đường cũ, nghe lại những giọt mưa đông, nếm lại những vị cay nồng của một thời mới lớn...”.
MẮT SÓNG (thơ), tác giả Phạm Thị Phương Thảo, Nxb. Văn học, 2013. Theo Mai Phương thì Mắt sóng là thơ của một người đàn bà mang trái tim của lửa. Lửa đi ra từ sự dịu dàng, nồng ấm. Có lẽ lửa ở đây phát xuất từ những khát vọng yêu đương, từ những vết thương nơi tận sâu tâm hồn của một người phụ nữ khát vọng. Mắt sóng thuộc về tình yêu, tình yêu đó có khi tràn đầy, có khi sầu muộn. Ngôn ngữ trong thơ của Phương Thảo giàu biểu cảm bởi nó đi ra từ thiên tính nữ đã có nhiều nghi vấn bởi hiện sinh, bởi sự tồn tại.
BỐN MÙA THƯƠNG NHỚ (thơ), tác giả Hồ Linh, Lê Hưng VKD, Tùng Linh, Trần Áng Sơn, Nxb. Hội Nhà văn, 2013. Đọc Bốn mùa yêu thương chúng ta có được một cách nhìn đối sánh của bốn phong cách thơ, bốn cá tính, bốn chân trời mơ mộng. Nhưng giữa bốn chân trời mơ mộng này lại có một điểm chung là tất cả đều nặng lòng với thơ, nặng lòng với cuộc sống nên trở thành những kẻ lạc loài trong cõi chữ. Từ những kẻ lạc loài họ đi tìm những mộng tình để hiến dâng và rồi trượt trên nỗi đau của thân phận nên chất chứa những câu hỏi về thời gian, về sự hiện hữu, về tình yêu và về những cái đẹp dễ vỡ. Trong Lời bạt Trần Ánh Sơn viết: “Chúng tôi, bốn chàng trai “lạc loài” từ Bắc vào Nam cùng đam mê nhưng hoàn cảnh khác nhau.” Sự khác nhau về hoàn cảnh đã không thể chia cắt những niềm mộng mơ thi ca của họ.
(SH297/11-13)