KHÚC LÊU HÊU MÙA HÈ (thơ), tác giả Du Nguyên, Nxb. Hội Nhà văn. 2014.
Du Nguyên là nhà thơ trẻ có nhiều hứa hẹn hiện nay. Đọc Khúc lêu đêu mùa hè để biết được trong tâm thức của tuổi trẻ đang có nhiều xáo trộn, đỗ vỡ. Thế giới của Du Nguyên đi ra từ chính những cái nhìn lạ, những cái nhìn riêng được chuyển chở trên một dạng thức ngôn ngữ khác biệt. Từ đó sinh ra những hình ảnh thơ có khả năng nới rộng sự liên tưởng, tưởng tượng trong bạn đọc về những khả thể khác của sự tồn tại. Nỗi buồn vẫn lan tràn trong từng tứ thơ, từng câu chữ của Du Nguyên, đó là những nỗi buồn có thật của một thế hệ phải gánh lấy nhiều vết thương khi cư trú trong một hiện thực trần trụi mà sự mơ mộng về một cuộc sống khác nhiều hứa hẹn hơn lại xa vời.
NHỮNG KỶ NIỆM TƯỞNG TƯỢNG, TÁC PHẨM VÀ DƯ LUẬN (tập tiểu luận), nhiều tác giả, Nxb. Văn học, 2014. Đây là sự tập hợp các công trình nghiên cứu, các tiểu luận, những bài phê bình về tác phẩm Những kỷ niệm tưởng tượng của nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học Trương Đăng Dung. Những kỷ niệm tưởng tượng khi ra đời đã nhận được sự quan tâm đông đảo của người đọc bởi chiều sâu triết lý và những khai mở của nhà thơ dựa trên nền tảng triết học và lý thuyết văn học của mình. Phần đầu của ấn bản này gồm 25 bài thơ của Trương Đăng Dung và phần sau, phần Dư Luận, là sự tập hợp những bài viết về chính thế giới của ông. Trong đó, đáng chú ý là những bài viết của Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Đăng Điệp, Phạm Xuân Nguyên, Phan Tuấn Anh, Hoàng Thụy Anh... Theo Nguyễn Đăng Điệp thì thơ của Trương Đăng Dung luôn ám ảnh bởi thời gian và phận người, ám ảnh về cái chết, về những truy vấn của sự hiện hữu, về cái vô cùng và về những giới hạn.
THƠ TÂN HÌNH THỨC VIỆT - TIẾP NHẬN VÀ SÁNG TẠO (tập tiểu luận), nhiều tác giả, Nxb. Thuận Hóa. 2014. Đây là tập sách công phu, với gần 500 trang, bao gồm nhiều bài nghiên cứu về đặc trưng thi pháp của thơ Tân Hình thức nói chung và thực tiễn sáng tạo thơ Tân Hình thức ở Việt Nam nói riêng. Hai mươi ba tiểu luận có trong cuốn sách này là hai mươi ba góc nhìn khác nhau về thơ Tân Hình thức. Mỗi cách tiếp cận sẽ gợi mở những chiều hướng khác nhau, những truy vấn khác nhau về vai trò của thơ Tân Hình thức đối với diện mạo của thi ca thế giới và thi ca Việt Nam đương đại. Trong đó bao gồm các tiểu luận của nhiều nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng Việt Nam như Khế Iêm, Bửu Ý, Đỗ Lai Thúy, Đỗ Quyên, Inrasara... và tiểu luận của các nhà nghiên cứu thế giới như William B Noseworthy, Frederck Feirstein, Angela Saunders... Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc “Cuốn sách này có thể nói đã mang trong mình sự tâm huyết của những trái tim vì sự phát triển văn học nghệ thuật, sự ưu tư của nhiều sáng tạo, sự đa chiều thẳng thắn của các góc nhìn khoa học thấu triệt... Đây có lẽ là sự hội tụ đông đảo và nghiêm túc nhất cùng bàn luận về thơ Tân Hình thức từ trước đến nay”.
BUỔI HOÀNG HÔN CỦA NHỮNG THẦN TƯỢNG (tác phẩm triết học), tác giả Friedrich Nietzche, Nguyễn Hữu Hiệu chuyển ngữ, Nhã Nam & Nxb. Văn học, 2014. Hoàng hôn của những thần tượng là tác phẩm cuối cùng, tổng quát lại mọi tư tưởng triết học căn bản của Friedrich Nietzche. Trong tư tưởng của Nietzche thì Thượng đế cũng sẽ đến lúc phải im ngủ. Không có chân lý tuyệt đối, chân lý nào rồi cũng sẽ đi vào sự tàn úa, héo mòn. Với sự uyên thâm trong kiến văn, cách lập luận sâu sắc, hàn lâm, tư tưởng đả phá khủng khiếp, Hoàng hôn của những thần tượng đã lật đổ những thần tượng, những chân lý tưởng như đã vững như bàn thạch bằng những nhát búa ngôn ngữ quyết liệt, gây hấn và cực đoan tận cùng.
(SH307/09-14)