VÓC (thơ), tác giả Lê Hữu Khóa, Nxb. Văn học, 2014.
Thơ lê Hữu Khóa thường là những bài thơ không dài, nhưng những bài thơ ngắn đó lại nối kết với nhau thành một nguồn mạch duy trì sự nhất quán của một tư duy thơ khác biệt. Vóc là một tập thơ không dễ đọc bởi nó được tạo nên bằng một hệ thống biểu tượng được chuyển tải dưới một lớp ngôn ngữ luôn biến đổi để tạo nên những khoảng liên tưởng rộng lớn. Không gian trong thơ Lê Hữu Khóa là sự trộn lẫn nhiều lớp không gian, đôi khi là không gian của đời thường, đôi khi lại là không gian rộng lớn của vũ trụ, không gian của hiện thực và không gian không có biên giới của trí tưởng tượng. Lê Hữu Khóa là Giáo sư Đại học Charles - de Gaulle (Pháp), Chủ tịch mạng lưới nghiên cứu Châu Á, Giám đốc Ban Châu Á Thái Bình Dương.
TRỞ DẠ (thơ), tác giả Nguyễn Văn Quang, Nxb. Thuận Hóa, 2014. Từ Vay mượn trần gian đến Gió trần gian và Trở dạ là một cuộc hành trình đầy thống nhất của nhà thơ Nguyễn Văn Quang. Trong khi thơ ca đang loay hoay tìm cách đổi mới thì Nguyễn Văn Quang vẫn âm thầm duy trì nguồn mạch thi pháp cũ. Cái sự âm thầm duy trì những nét đẹp truyền thống đem lại cho thơ Nguyễn Văn Quang một không khí gần gũi với người tiếp nhận. Sự gần gũi đó trước hết phát xuất từ một tâm hồn giàu tình cảm của nhà thơ, và sau đó là từ những hình ảnh đời thường bình dị và lớp ngôn ngữ trau chuốt nhưng không đánh đố người đọc. Ngày bắt dáng em, đêm tạo hình/ Thổi hồn con mắt sâu lành lạnh/ Mắt đêm không đáy hớp hồn anh/ Em của ngày xưa còn ảo ảnh...
BẮC CUNG HOÀNG HẬU LÊ NGỌC HÂN THỜI Ở HUẾ (nghiên cứu văn hóa, lịch sử), tác giả Nguyễn Đắc Xuân, Nxb. Thuận Hóa, 2014. Đây là công trình nghiên cứu có giá trị lịch sử, văn hóa với nhiều tư liệu quý hiếm. Xuyên suốt công trình là một bức tranh toàn cảnh về cuộc đời, con người của Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Bên cạnh đó công trình còn phân tích, giải mã những góc khuất mà hậu thế chưa biết tới. Trên những tư liệu giàu có, tác giả minh định lại những thông tin không chính xác về cuộc đời của bà. Nguyễn Đắc Xuân là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Huế. Ông quan niệm: “Nhà văn phải là nhà văn hóa của dân tộc, đấu tranh cho dân tộc bằng cây bút của mình, nên bên cạnh sáng tác còn có những công trình về văn hóa. Trong sáng tác quan tâm tới văn hóa và nghiên cứu văn hóa lịch sử không tách rời văn học”.
NHỮNG ĐỈNH NÚI DU CA - MỘT LỐI TÌM VỀ CÁ TÍNH H’MÔNG, (nghiên cứu dân tộc học), tác giả Nguyễn Mạnh Tiến, Nxb. Thế giới, 2014. Từ kho tàng văn chương dân gian tộc người, từ những tư liệu và từ phương pháp làm việc khoa học, nghiêm xác, từ những chuyến thực địa... Nguyễn Mạnh Tiến đã đem đến cho bạn đọc nói chung và nền khoa học nghiên cứu dân tộc học Việt Nam nói riêng một công trình đầy giá trị khoa học. Những đỉnh núi du ca là một bức tranh rộng lớn về đời sống văn hóa, đời sống tâm linh của người H’ Mông. Công trình là những nỗ lực đưa ra những kiến giải về một H’ Mông khác biệt, một dân tộc không lẫn lộn và đầy bản sắc. Lần theo bước đi của nhà nghiên cứu này, chúng ta trải qua những Tâm thức lưu vong - tâm thức di dân, tâm thức mồ côi, ám ảnh Hán, tự vẫn, nổi loạn, tự do, mộng mơ, tình yêu, tự trị tộc người, quyền lực miền núi từ đó một thế giới H’ Mông được mở ra dưới một nhãn quan nghiên cứu đầy bản lĩnh và thậm chí bao hàm cả những quan điểm mang tính chất phản biện với lối nghiên cứu dân tộc học ở các nhà dân tộc học khác của Việt Nam.
NHỮNG MÀU KHÁC (tiểu luận), tác giả Orhan Pamuk, Lâm Vũ Thao dịch, Nhã Nam & Nxb. Văn Học, 2013. Với sự thành công rực rỡ bởi những tiểu thuyết như Tên tôi là đỏ, Pháo đài trắng, Cuốn sách đen… Orhan Pamuk trở thành một tiểu thuyết giá sáng giá hiện nay. Với tập tiểu luận Những màu khác lại một lần nữa chứng minh cho kiến văn rộng lớn và sự tưởng cũng như khả năng quan sát tinh tế của nhà văn này. Bất kỳ một nhà văn hư cấu hay nhà văn hiện thực nào, kiến văn rộng lớn về thế giới khách quan luôn là một vấn đề hết sức quan trọng để từ đó tác giả tạo nên thế giới riêng của mình. Không đơn giản để Orhan Pamuk có một nội lực mạnh mẽ như thế. Hầu như trong các tiểu thuyết của ông, kiến thức về văn hoá, khoa học, tâm lý học và triết học luôn mê hoặc, vẫy gọi bạn đọc.
(SH310/12-14)