Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới tháng 07/2015
09:55 | 17/07/2015

LỤC BÁT CÔN ĐẢO (thơ song ngữ, tác giả Võ Quê, Co-translated by Fred Marchant & Nguyen Ba Chung), Nxb. Hội Nhà văn, 2015.

Tác phẩm mới tháng 07/2015

Theo nhà văn Tô Nhuận Vỹ, ấn phẩm này bắt nguồn từ những phẩm chất cao cả, lạ lùng, “Võ Quê và Fred Marchant đã tới với nhau như một lẽ tự nhiên.” Bất cứ cái gì cũng xuất phát từ những nguồn mạch của nó. Nguồn mạch cho Lục bát Côn Đảo chính là khởi đi từ những tâm hồn yêu chuộng hòa bình của những người không cùng nền văn hóa, địa lý, chính trị nhưng cùng đấu tranh cho lẽ phải. Một lần nữa người đọc lại thấy vai trò của thi ca nói riêng và nghệ thuật nói chung trong việc xóa nhòa biên giới. Fred Marchant cho rằng: “Thơ Võ Quê đem đến cho tôi thêm một sự thấu hiểu sâu sắc nữa về cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam...”.


QUÂN VƯƠNG VÀ THIẾP (thơ), tác giả Mai Văn Hoan - Lãng Du, Nxb. Thuận Hóa, 2015. Tập thơ này là sự gặp gỡ giữa hai thi sĩ lãng mạn thông qua sự kết nối của thế giới internet. Đây cũng chính là sự kết nối giữa hai thế giới khác nhau nhưng lại đồng điệu với nhau trong ngôn ngữ, hình ảnh và nhất là tình thơ. Có lẽ, từ xưa cho đến nay, thơ quan trọng nhất vẫn chính là tình thơ, tình của kẻ mơ mộng tự xây lâu đài tình ái cho mình. Có khi lâu đài đó hiện hữu thực sự nhưng cũng có khi lâu đài đó chính là chiêm bao, chiêm mộng không cùng. Với Quân vương: Nếu muốn làm hoàng hậu/ Em hãy về Cố đô/ Rừng phong xa xôi lắm/ Thảm lá vàng giấc mơ... Còn với thiếp thì: Người còn đợi ta về không đấy nhỉ?/ Mộng phù du cũng đã tận tan rồi/ Phiêu lãng lắm ta giờ chân cũng mỏi/ Muốn quay về nương náu chốn xưa thôi...


HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC (đối thoại), tác giả Hoàng Anh Sướng & Thích Nhất Hạnh, Nxb. Phương Đông, 2015. Làm thế nào buông bỏ để đạt được hạnh phúc đích thực. Trước cuộc sống hiện đại chúng ta phải làm gì để có được sự tuyệt đối trong tâm trí trước những cám dỗ của hiện thực? Hiện thực trần trụi buộc chúng ta tồn tại trong những vướng mắc không thể tránh khỏi, và đâu chính là con đường đưa tới những sự lựa chọn trong hành xử và trong tư duy để đạt tới sự trong sáng để buông bỏ sự phụ thuộc...? Bạn đọc có thể tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi này thông qua những cuộc đối thoại của nhà báo Hoàng Anh Sướng và Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Và chúng ta sẽ thấy rằng Hạnh phúc chân thực chính là sự an lạc và biết đủ.


THƠ CẦN THIẾT CHO AI (tiểu luận, nhận định), tác giả Nguyễn Đức Tùng, Nhã Nam và Nxb. Hội Nhà văn, 2015. Thông qua các tiểu luận phê bình của Nguyễn Đức Tùng chúng ta được hiểu thêm về thế giới của các nhà thơ đương đại Hoa Kỳ và Canada. Đây chính là tinh hoa của thơ Bắc Mỹ. Qua Thơ cần thiết cho ai, người đọc nhận thấy lối viết của Nguyễn Đức Tùng luôn luôn biến chuyển tùy vào từng đối tượng nghiên cứu khác nhau. Đọc ấn phẩm này chúng ta nhận thấy có sự đan xen, hỗn dung giữa lối phê bình của Thi pháp học, Phân tâm học, Xã hội học... Thơ cần thiết cho ai? Là một truy vấn mà chính Nguyễn Đức Tùng đặt ra rồi anh tự hồi đáp ngay trong những tiểu luận của mình. Với mỗi nhà thơ thì nguồn mạch sáng tạo đến từ những chân trời khác nhau và đọc họ chúng ta thấy rằng họ, những người sáng tạo luôn có những ngầm ẩn hướng tới những cái đích khác nhau. Nhưng tất cả đều có ý hướng đưa thế giới nghệ thuật của mình thực hiện một sứ mệnh nào đó. Những sứ mệnh đó chính là những câu trả lời cho truy vấn ở bạn đọc: “Thơ cần thiết cho ai?”

(SH317/07-15)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng