Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới tháng 04/2016
09:41 | 22/04/2016

ĐỜI BỌ HUNG (truyện ngắn), tác giả Trần Bảo Định, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ Tp. HCM, 2016.

Tác phẩm mới tháng 04/2016

Phép nhân hóa là yếu tố đậm đặc nhất trong bút pháp của Trần Bảo Định ở tập truyện này. Nhà văn thường lấy những đặc tính khác nhau của loài vật rồi hư cấu lên thành những câu chuyện ngụ ý về các cặp đối lập: thiên - ác, được - mất, hạnh phúc - đau khổ… của loài người. Chất văn hóa Nam Bộ cũng chính là sự cuốn hút ẩn sau mỗi truyện ngắn, đó là sự chân thật, phóng khoáng và hoang dã đến như những huyền thoại về một vùng đất kỳ bí và với sự quan sát thiên nhiên tinh tế và sâu sắc của tác giả.


TIẾNG VỌNG NGÀY ĐI (thơ), tác giả Quang Chuyền, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, 2016. Thi phẩm này được chia làm ba phần. Phần đầu là thơ lục bát, phần sau là thơ tự do, phần ba dành cho những cảm nhận của đồng nghiệp. Dù trong địa hạt lục bát hay thơ tự do thì Quang Chuyền cũng có những tứ thơ độc đáo.   


TẤT ĐỊNH LUẬN VÀ TỰ DO LỰA CHỌN (chuyên luận), tác giả Isaiah Berlin, Nguyễn Văn Trọng chuyển ngữ, Nxb. Tri thức, 2015. Isaiah Berlin (1909 - 1997) triết gia Do Thái, với quan niệm đưa các kiến giải của mình tới gần công chúng nên những tác phẩm của ông gần gũi với đông đảo bạn đọc. Nhìn chung đóng góp của ông đối với sự nhận thức của con người là ở chỗ ông chỉ ra rằng đôi khi những điều dị biệt lại cùng hun đúc làm nên những giá trị: “những giá trị tốt đẹp có thể không tương thích (incompatible) với nhau, và trong nhiều trường hợp còn là bất khả ước (incommensurable), tức không thể có chung một thước đo.” Qua những chương sách như: Tất định luận và tự do lựa chọn; Tính tất yếu của lịch sử; John Stuart Mill và những cứu cánh của cuộc sống; Từ hi vọng và sợ hãi dẫn đến tự do; Hồi tưởng chung cuộc; Một bức thư gửi George Kennan… bạn đọc sẽ thấy được nhiều điều thú vị về cách nhìn của một triết gia Do Thái trước cuộc sống.


HIỂU VIỆT NAM - NHỮNG CẠNH KHÍA CỦA LỊCH SỬ VĂN HỌC (chuyên luận), Đỗ Lai Thúy (chủ biên), Nxb. Văn học & SongThuy Bookstore ấn hành năm 2016. Công trình này bao gồm bảy tiểu luận của bảy nhà nghiên cứu, phê bình văn học uy tín hiện nay là Đỗ Lai Thúy, Phùng Kiên, Cao Việt Dũng, Nguyễn Mạnh Tiến, Trần Ngọc Hiếu, Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương. Qua bảy tiểu luận công phu, những vấn đề xoay quanh lịch sử văn học Việt Nam được nhìn nhận bằng những lăng kính khác, khơi mở những vấn đề còn khuất lấp trong tiến trình lịch sử văn học hiện đại Việt Nam, để qua đó hướng tới gần hơn bản chất sự thật của đối tượng nghiên cứu.

(TCSH326/04-2016)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng