NHẤT LÂM - DI CẢO THƠ, Nxb. Hội Nhà văn, 2016.
Nhà thơ Nhất Lâm đã từ giã cõi tạm này nhưng những trang viết của ông vẫn còn neo đậu nơi đây. Thơ của Nhất Lâm đứng ra ngoài những ồn ào cách tân, thơ ông khởi từ sự thật, những sự thật đôi khi đau buồn nhưng nhà thơ không khước từ những nỗi đau ấy, ngược lại, ông biến những nỗi đau ở đời thành những mộng tưởng trong nghệ thuật. Cuốn sách này, bên cạnh những bài thơ của Nhất Lâm để lại thì còn có những bài viết, những dòng thơ của bạn bè, người thân viết về ông. Một hình ảnh Nhất Lâm để lại trong lòng bạn bè là một hình ảnh đẹp về một nhà văn giàu lòng nhân đạo, giàu tình yêu. Nhà thơ Ngô Minh viết: “Nhất Lâm là vậy, sống là viết và viết là sống, chết rồi vẫn muốn có ích cho con người. Một nhà văn luôn dấn thân đấu tranh vì lẽ công bằng, bởi anh yêu quá cuộc đời này.”
NỖI BUỒN TRONG SUỐT (tản văn), tác giả Nguyễn Đức Phú Thọ, Nxb. Hội Nhà văn và Công ty sách Đông Tây ấn hành, 2016. Trang viết của Nguyễn Đức Phú Thọ thường bắt đầu bằng những vấn đề giản dị, và rồi với sự quan sát tinh tế, ngôn ngữ đậm chất thơ, những vấn đề giản dị xung quanh đời sống lại trở nên sống động và được mở ra với những cảm nhận sâu xa trong lòng người đọc.
50 CÂU HỎI MỸ HỌC ĐƯƠNG ĐẠI (luận về nghệ thuật), tác giả Marc Jimenez, Phạm Diệu Hương chuyển ngữ, Nhã Nam và Nxb. Thế Giới, 2016. Marc Jimenez là nhà triết học người Pháp, nhà Đức học và đồng thời là giáo viên Mỹ học. Với kiến văn sâu rộng, trong “50 câu hỏi mỹ học đương đại” ông đã đưa đến những lý giải sâu sắc, dễ hiểu về các vấn đề liên quan đến mỹ học đương đại. Có thể nói, cho tới nay, nghệ thuật đương đại vẫn đang triển nở về biên giới của nó, chưa có một diện mạo cụ thể của mỹ học cũng như các thực hành nghệ thuật đương đại. Tính tiền phong, sự khiêu khích, gây hấn, nổi loạn, vượt ra ngoài các điển phạm… của nghệ thuật đương đại đang thu hút các nghệ sĩ ngày nay. Việc nhận biết về mỹ học đương đại sẽ đưa tới những cái nhìn đúng về bản chất của trào lưu nghệ thuật khó nắm bắt này, vì thế đây là cuốn sách ý nghĩa cho nghệ sĩ tham gia thực hành nghệ thuật cũng như các nhà phê bình và rông rãi hơn là người đọc, người xem có hứng thú với những khai mở tiền phong.
TRIẾT HỌC CỦA TỰ DO (chuyên luận), tác giả Nicolai Alexandrovich Berdyaev, Đỗ Minh Hợp dịch, Nxb. Tri Thức, 2016. Theo nhà xuất bản giới thiệu N.A. Berdyaev (1874 - 1948) là triết gia Nga nổi tiếng của thế kỷ XX. Năm 1922 ông cùng nhiều trí thức và những người hoạt động văn hóa nổi tiếng khác bị trục xuất khỏi nước Nga xô viết. Sau đó ông sống ở Đức rồi định cư ở Pháp. Ông cùng với S.L.Frank và S.L.Bulgakov là những người đặt cơ sở cho sự phục hưng nền triết học tôn giáo Nga. Ông đã xây dựng triết học về bản diện cá nhân và tự do trong tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh. N.A. Berdyaev được xem là người có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của chủ nghĩa hiện sinh Pháp. Ông mất năm 1948 tại ngoại ô Paris ngay trên bàn làm việc. Triết học của tự do là một trong những công trình kinh điển của Nicolai Alexandrovich Berdyaev, qua các chương sách như: Triết học và tôn giáo; Niềm tin và tri thức; Về nhận thức luận bản thể… bạn đọc sẽ có được những gợi mở và những chân trời mới sẽ vén mở cho những ai khát vọng tự do.
(TCSH333/11-2016)