BẢO CƯỜNG - CUỘC ĐỜI & TÁC PHẨM (Tạp văn), Nxb. Hội Nhà văn, 2016.
Với độ dày hơn 1000 trang, ấn phẩm này một lần nữa chứng minh cho nguồn mạch dồi dào của nhà văn Bảo Cường. Với một cuộc đời đi nhiều, gặp gỡ nhiều khung cảnh, nhân vật, nhiều màu sắc của cuộc sống khiến cho đề tài trong văn của Bảo Cường dường như không vơi cạn. Càng về sau, người đọc càng đón nhận được nhiều hương vị văn hóa, hương vị của cảm xúc dạt dào dưới ngòi bút của anh. Văn của anh dù ở thể loại nào cũng rất dễ gần, thân thuộc với lớp ngôn từ mộc mạc, chân quê và với tình yêu thương con người, quê hương thấm vào từng con chữ. Bảo Cường cho rằng thơ văn như lớp sóng ngầm chở đầy nỗi khát khao khắc khoải của người ly xứ, đêm đêm vọng trông về cố quận.
5 NĂM CHUNG MỘT MÁI NHÀ (Thơ & văn xuôi), nhiều tác giả, Nxb. Hội Nhà văn, 2016. Cuốn sách là sự tập hợp những tác phẩm trong Tủ sách Hương quê nhà trong vòng 5 năm qua. Những cảm xúc đến từ con tim, những truy vấn đến từ lý trí qua những tác phẩm trong cuốn sách sẽ đưa bạn đọc đến với nhiều cảm xúc thú vị của thi ca, của nghệ thuật. Những hiện thực ngổn ngang, những ước mơ về một thế giới cao đẹp qua lăng kính của người lãng mạn, những kỷ niệm neo đậu mãi trong lòng thi nhân, những giọt nước mắt mặt chát của văn nhân, những vườn hoa ngát hương sáng tạo… sẽ là món quà quý giá dành cho bạn đọc. Đây là sự gặp gỡ của cây bút, tuy có khác nhau về chữ nghĩa, tư duy nhưng chung một tấm lòng yêu cái đẹp thiết tha, yêu cuộc đời và khát vọng hiến dâng.
MÙA TRĂNG ĐỎ (Thơ), tác giả Lan Anh - Thuận Bình - Trường Thắng, Nxb. Thuận Hóa, 2016. Tập thơ là sự có mặt của ba tác giả, ba phong cách thơ khác nhau và dĩ nhiên, là ba nét đẹp khác nhau. Thơ của Lan Anh dạt dào thiên tính nữ, một thiên tính mềm dịu, nhẹ nhàng trong sự tin yêu và khát vọng đến với cuộc đời. Thuận Bình lại có những gam màu khác. Thơ Thuận Bình luôn trăn trở tư duy về con người, về sự sống và cái chết, về những gì ta đã mang đi cho tha nhân trên hành trình ở cõi tạm này. Trường Thắng lại đưa tới chúng ta những dòng thơ đượm buồn. Thơ Trường Thắng ít trau chuốt, giản dị nhưng tư duy thơ của anh lại ngấm sâu vào lòng người đọc bởi nó được chuyển tải bằng một thứ ngôn ngữ gần gũi, chân thành.
XÃ HỘI VIỆT NAM TỪ THẾ KỶ XVII (Nghiên cứu văn hóa), tác giả Nguyễn Trọng Phấn. Kiều Mai Sơn, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Trung Thành sưu tầm và giới thiệu, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Đây là tập hợp các bản dịch của nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Phấn (1910 - 1996) trên Tạp chí Thanh Nghị từ năm 1941 - 1945. Một bức tranh tổng quát mô tả xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII dưới nhãn quan của các nhà nghiên cứu phương Tây. Theo các nhà sưu tầm thì cụ Nguyễn Trọng Phấn là thành viên người Việt Nam cuối cùng của Viện Viễn Đông Bác Cổ, là một nhà nghiên cứu thầm lặng. Về cuốn sách này, theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Cụ Nguyễn Trọng Phấn và các bạn trí thức “đồng chí” của mình đã làm một việc để đặt nền tảng cho một tư duy mới, điều mà ngày nay ta hay dùng, là chuẩn bị tâm thế cho công cuộc hội nhập với thế giới một khi nước nhà giành được độc lập.”
(TCSH335/01-2017)