Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới tháng 05/2017
09:24 | 19/05/2017

RONG CHƠI MIỀN CHỮ NGHĨA, tác giả An Chi, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, quý IV 2016.

Tác phẩm mới tháng 05/2017

Bộ sách gồm 3 cuốn; là tập hợp những giải đáp của học giả An Chi trên nhiều tờ báo, được tinh tuyển và in thành sách. An Chi đã minh định cho những từ ngữ “hóa chìm” trong lịch sử, đưa ra kiến giải vì sao xuất hiện sự tồn tại đó: “Xin để yên chữ quốc ngữ”, “Lạc Long Quân là nghĩa gì”, “Từ Giao Chỉ Chi Na đến Giao Long”, “Niết bàn và rừng”, “Oan cho bốn chữ màng Tác giả còn dẫn luận và lí giải nhiều từ ngữ đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt nhưng lại là sự nhầm lẫn “hóa quen” thành đúng như cái “gia gia chẳng là gì cả”, “đương thời đâu phải bây giờ”, “chữ cù đâu phải núi non hiểm trở

Bộ sách thể hiện tinh thần tự học, không ngừng bồi bổ kiến thức, mở rộng kiến văn của một học giả từ lâu được độc giả tin tưởng trao gửi nhiều câu hỏi khó đủ mọi thể loại và đã được giải đáp một cách rõ ràng, dễ hiểu.



TUỔI NHỚ (Tập thơ), tác giả Trần Xuân An, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, quý IV 2016. Tập thơ là hồi ức chất chứa của một người thơ bước qua tuổi “lục thập” tràn ngập cảm thức về thời gian, tình yêu, quê hương... Thơ Trần Xuân An lắng đọng xúc cảm. Tác giả dành nhiều ưu tư về vùng đất Cố đô như chính một nhan đề “Thơ thay tôi về Huế”, rằng sống mãi trong “kỷ niệm ngan ngát hương trầm”. “Tuổi nhớ” còn thể hiện những suy tưởng của Trần Xuân An về nghĩa thiền và những khoảng vọng “lắng kinh cầu”. Đây cũng là tập thơ thứ 16 trong 37 đầu sách của nhà thơ Trần Xuân An.




A LƯỚI ĐỒNG BÀO MÌNH (Tập thơ), tác giả Phạm Nguyên Tường Nxb. Thuận Hóa, tháng 3/2017. Vẻ đẹp hùng vỹ của huyện miền núi A Lưới nằm phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế được mở ra với khung cảnh nguyên sơ và thanh âm hào sảng: điệu múa, tiếng cồng chiêng, tiếng sáo a reng làm sống dậy biết bao gương mặt chàng Partur Toơm, nàng Kabíh Katang, chàng Tơ Rứt, nàng Kalang Batưng… và đặc biệt là chàng Achất khắc vết sử thi lên cộng đồng kiêu hãnh của đại ngàn A Lưới. Nhà thơ là người thấu hiểu thực tế về vùng đất, yêu mê văn hóa và con người bình sinh chan hòa với núi rừng. Tất cả kiên cường sống, bất khuất sống, bền gan sống, sống thành thần thoại. Nhưng căn nền vĩ đại lại đặt vào trái tim và bàn tay người mẹ. Phạm Nguyên Tường chạm những vết khắc lên “hằng số mẹ” gian lao: “Mắt mờ đục theo tháng năm mờ đục/ Ký ức thâm u như những cánh rừng/ Hạt lúa mùa sau sớm hôm mẹ gùi lên rẫy/ Nhìn đại ngàn bằng lưng”. Một khổ thơ tròn trịa, có thể nói là “đòn đông” của một mái nhà, chuyển tải, thu vén một dung ảnh “mẹ” nằm trên hết thảy sự hiện hữu của vùng đất A Lưới. Tập thơ với những trường đoạn gối lên nhau, trong trẻo chảy như một dòng suối ngọt đi vào yếu tính của ngôn ngữ.




BIỆT ĐỘI AHHV (Truyện thiếu nhi), tác giả Lê Anh Xuân, Nxb. Lao Động, 2017. Biệt đội AHHV (viết tắt của Biệt đội Anh hùng Hảo Việt) với tên gọi “Vụ án bí ẩn” kể về tiểu đội điều tra có tên Biệt đội AHHV, với tiêu chí bất cứ ai có tinh thần anh hùng đều có thể tham gia, không nhất thiết phải là những người đánh võ giỏi. Nhiệm vụ của đội là giúp ông Vàng điều tra về những chuyện kỳ lạ đang diễn ra tại nhà ông. Từ đây, cuộc phiêu lưu của các bạn anh hùng bắt đầu.

Tác giả Lê Anh Xuân, sinh năm 2002 tại xã Cát Trinh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Do di chứng của chất độc da cam nên khi sinh ra, Lê Anh Xuân bị bệnh xương thủy tinh, gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển. Với một người bắt đầu viết, lại gặp khó khăn về sức khỏe như Lê Anh Xuân, Biệt đội AHHV là một nỗ lực lớn của Lê Anh Xuân dành cho bạn đọc nhỏ tuổi.  

(TCSH339/05-2017)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng