Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới tháng 08/2017
09:12 | 16/08/2017

NGHI LỄ THỤ PHẤN (Thơ), tác giả Trần Tịnh Yên, Nxb. Thuận Hóa, 2017.

Tác phẩm mới tháng 08/2017

Những thể nghiệm hình tượng mới lạ như cọng rơm nghèo, mùi chạng vạng, vết thương màu huyết dụ, chiều pháp lam,... luôn khiến cho thế giới thơ của Trần Tịnh Yên mang một màu sắc độc đáo của những kết tinh ngôn từ. Ở đó, bản giao hưởng của hình tượng được ngân lên trong sự bội phát trí tưởng đa thanh của nhà thơ. Nhạc nền của bản giao hưởng ấy được trình tấu trong một hoạt động được đặt cho cái tên khác lạ, “nghi lễ thụ phấn”, đó là một sự trình tấu hướng đến những rung chấn đầy tinh vi neo bám vào “những chân trời không khép”.


ƯỚC MƠ VÀ HOÀI NIỆM (Hồi ký), tác giả Nguyễn Khắc Viện, Nxb. Tri Thức, 2017. Tập sách là những câu chuyện tự thuật của cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1913 - 1997), một trong những nhà tâm lý học nổi tiếng, một trí thức tiêu biểu của đất nước. Quyển sách ra đời vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất cố bác sĩ (10/5/1997 - 10/5/2017). Ở quyển hồi ký này, người đọc có thể thấy được một con người với những kỷ niệm hiện lên thật sinh động qua câu chuyện dưỡng sinh, lúc tác giả tiến hành dấn thân và định hình được ý thức xã hội rõ ràng, khi con người ấy hướng về Tổ quốc, cố gắng hợp tác và tạo cầu nối giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực văn hóa, cũng như các kiến nghị bàn về nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Có thể nói, đây là cuốn sách hiện thực hóa một cách chân thật hình tượng của một vị bác sĩ tận tâm, một trí tuệ nhiệt thành, một nhà văn hóa Việt Nam tiêu biểu của thế kỷ XX.


NHỮNG BÌNH MINH (Truyện ngắn), tác giả Nguyễn Thanh Phong, Nxb. Hội Nhà văn, 2017. Truyện của Nguyễn Thanh Phong (bút danh khác - Tru Sa) luôn được giao cắt trong những mạng lưới phi lý kiểu Kafka, với sự xuất hiện của những bối cảnh chồng lấn giữa các phân lớp thực tại cộng với sự diễn tiến của các trạng thái tâm thức đầy xung động bên trong nhân vật. Xen lẫn giữa những sự thăng giáng nơi chính mạch truyện ấy là các khoảng trống trắng được lấp đầy vào đó hay được thế chỗ cho những sự lập trình hợp lý, như thể, bằng với những sự khuân vác của hành động, ứng xử, quyết định, đối thoại có phần thiếu khuyết trên một khuôn diện thực tại nhất định mà không gian trong những câu chuyện luôn đắm mình vào trong một sức co dãn không giới hạn mà đường biên của nó lui về với khoảng gian nhập nhòa giữa tối và sáng, chính nơi đó là nơi khởi đầu cho “Những bình minh.”


VŨ TRỤ QUAN PHẬT GIÁO (Chuyên khảo), tác giả Akira Sadakata, Trần Văn Duy dịch, Nxb. Tri Thức, 2017. Cấu trúc, bản chất của thế giới và vũ trụ luôn là những vấn đề đầy phức tạp và khó hiểu. Tuy nhiên, với chuyên khảo đến từ giáo sư thuộc Viện Đại học Tokai, một chuyên gia về triết học Ấn Độ và là tác giả của nhiều đầu sách về Phật giáo này, những vấn đề ấy sẽ được giải thích một cách rõ ràng và chính xác. Đây được coi là một trong những nghiên cứu sáng giá nhất hiện nay về vũ trụ quan Phật giáo. Công trình được chia thành hai phần. Phần thứ nhất, vũ trụ quan tiền Đại thừa, ở phần này, tác giả tiến hành nghiên cứu về cấu trúc của vật chất và vũ trụ, địa ngục, các cõi trời và những cảnh giới khác cùng luân hồi, nghiệp và giác ngộ. Đối với phần thứ hai, vũ trụ quan Đại thừa, tác giả tiến hành nghiên cứu về cõi Tịnh độ, các vị thần trong Phật giáo, thế giới Liên hoa tạng, những sự biến đổi trong khái niệm về địa ngục. Tất cả những phân tích về các khía cạnh đầy rắc rối này sẽ giúp cho người đọc nắm bắt được ít nhiều đường hướng cơ bản trong cách nhìn của Phật giáo về vấn đề hẳn luôn làm khó người đọc từ trước đến nay liên quan đến cấu trúc của vũ trụ.  

(TCSH342/08-2017)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng