NHỮNG THẾ GIỚI SONG SONG. KHẢ THỂ VÀ GIỚI HẠN TRONG (TÁI) DIỄN GIẢI VĂN CHƯƠNG (Chuyên khảo), tác giả Phùng Ngọc Kiên, Nxb. Tri Thức, 2017.
Đây là một công trình khảo cứu tỉ mỉ, chi tiết và đầy công phu về bản dịch văn chương và hành vi dịch một tác phẩm văn chương từ truyền thống bên ngoài vào di sản văn chương bản địa. Ở đó, tác giả đã tiến hành triển khai những phân tích về các thế giới/không gian đặc trưng trong quá trình chuyển dịch tác phẩm văn chương, cụ thể, gồm những thế giới khác chiều, những thế giới hư cấu biến dạng, thế giới theo hình dung của người- dịch-đọc, thế giới theo cách viết lại của người-dịch-viết, v.v. Theo tác giả Phùng Ngọc Kiên, hành vi dịch ở đây được hiểu như là một sự phá vỡ các quy tắc mà hệ thống bản địa đã từng thiết lập trước đây để chào đón cũng như định hình nên những quy tắc mới đối với việc chuyển tải một tác phẩm văn chương vào trong hệ thống ấy. Bằng cách đó, việc dịch sẽ tạo ra được cái mới thông qua cách hiểu về tác phẩm. Hơn nữa, một bản dịch không bao giờ truyền tải thấu đáo tuyệt đối ý nghĩa của văn bản gốc, nên từ đó sẽ phát sinh một thực tế về ý nghĩa của một văn bản luôn là một sự tổ hợp của những cách diễn giải do người (dịch)-đọc-(viết) nêu lên trong những hoàn cảnh cụ thể.
HUYỀN NGUYỆT (Truyện ngắn) tác giả Ngô Nhân Đức, Nxb. Hội Nhà văn, 2017. Văn của Ngô Nhân Đức đậm chất thơ, và hiện thực trong truyện của anh đậm màu huyền ảo. “Huyền nguyệt” là sự kết đúc của những mẩu truyện đậm chất hư cấu chọc thẳng vào lằn ranh giao cắt giữa hư và thực, giữa hữu giác và vô giác, nói nó phản ảnh bầu khí cuộc sống đầy xáo động cũng đúng, nhưng thiết nghĩ, sẽ là hợp lý hơn khi xem đó là một trực cảm tinh tường về sự vi tế bên trong nội giới của mỗi người. Dư vị Á Đông vẫn là một mạch ngầm ổn định chảy bên dưới mỗi truyện của nhà văn. “Huyền nguyệt”, đó là vọng âm nhân bản được tác giả ký thác cho những cảm trạng tuy vui nhưng lại đượm buồn, hay nhưng khá u sầu, ở đó, sự mong manh của những kết nối nhân sinh thống ngự tất cả, mọi thứ “trôi chậm theo dòng sông đen dưới vòm trời đen”.
DE L’OPERA (Thơ), tác giả Nguyễn Duy Từ, Nxb. Văn học, 2017. Tập thơ đã khắc họa được một bản “sonate” có phần như đăng đối lại với tiêu đề của tác phẩm “opera”, một bản độc tấu của nhà thơ muốn tìm về với những gì đã qua, một nỗi hoài vọng xa ngái. Hầu như với tâm trạng thường trực như thế, thơ của Nguyễn Duy Từ luôn đong đầy những bầu kỷ niệm, những cuộc chia ly với những cuộc lữ phiêu linh về miền ký túc của ngày cũ. Những dòng thơ là những dòng tâm tình được tác giả thổi hồn trên cung đường tìm về với những vở Opera ngày xưa, những bản tình ca ngày xưa càng thể hiện được một sự di cư đang diễn ra bên trong cảm thức của nhà thơ với mong muốn thâm nhập về miền “núi lặng lẽ nằm nghe sông thở/ mù sương che khuất chân trời”. Chỉ ở đó, nhà thơ mới được là chính mình, được hoàn nguyên về lại với tâm thức vọng cổ bởi một bản sonate trầm buồn.
TẬP TỤC ĐỜI NGƯỜI. VĂN HÓA TẬP TỤC CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN VIỆT NAM THẾ KỶ 19 - 20 (Chuyên khảo), tác giả Phan Cẩm Thượng, Nxb. Hội Nhà văn, 2017. Có thể nói đây là một bộ “bách khoa thư” về văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam trong giai đoạn thế kỷ 19 - 20. Ở đây, Phan Cẩm Thượng muốn truy nguyên về đến cơ năng định dạng đời người thông qua nếp sống của mỗi cá nhân, tức tập tục. “Tập tục đời người” là bức tranh về các hoạt động sinh hoạt của người nông dân được hiện lên một cách sinh động và đủ đầy các màu sắc như với thói quen ẩm thực, ngủ nghỉ, đời sống tính dục, đến những không gian sinh tồn ở trong gia đình, làng xã, thị trấn và thành phố cũng như các trò hội lễ, tín ngưỡng thờ cúng, tập tục ăn mặc của người nông dân. Xuyên suốt công trình này, văn hóa tập tục hiện lên với tư cách như là một bộ sử khác, thuộc về địa giới tinh thần của người dân Việt Nam, một lăng kính phản ánh những nếp sống đời thường nhưng lại được khúc xạ thành một bộ sử thiết yếu, bổ túc cho bộ sử được viết theo chiều biên niên, lịch đại của dân tộc.
(TCSH346/12-2017)