ĐÃI CÁT LẤY VÀNG (Ghi chép và Tản văn), Nguyễn Khắc Phê, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, quý IV/2018.
Trong tập sách gần 300 trang, nhà văn Nguyễn Khắc Phê, một cây bút gạo cội của văn học Thừa Thiên Huế đã chứng minh được sức làm việc, sức đi, sức viết dường như không hề nghỉ ngơi của một nhà văn qua tuổi bát tuần. Tập sách ghi lại những hành trình, câu chuyện, nhân vật, sự kiện khắp ba miền đất nước. Người đọc đang Từ xóm nhỏ ấy ra đi, bắt gặp Hà Nội một thoáng cuối xuân, rồi theo Linh thiêng tiếng gọi Trường Sơn, ra tới địa đầu Tổ quốc Lại lên Điện Biên, theo con tàu Đến Phú Quốc, xem và ngẫm, rồi về đất Đà Lạt, Nha Trang, đã quen mà vẫn lạ. Nhà văn còn bày tỏ những suy nghĩ của mình về nhiều chân dung văn nghệ sĩ, trí thức là bằng hữu, thân sơ như ca sĩ Tân Nhân, nhà thơ Tố Hữu, nhà báo Hàm Châu, nhà báo Đinh Việt Anh, học giả Nguyễn Khắc Viện… Đãi cát lấy vàng là công trình của sự làm việc nghiêm cẩn, tỉ mỉ, chịu khó của một nhà văn yêu nghề.
KHỔ LUYỆN VÀ TÀI HOA (Chân dung), Võ Quê, Nxb. Thuận Hóa, 1/2019.
Nhà thơ Võ Quê là một người đau đáu, mặn nồng với nghệ thuật ca Huế và cả những nghệ sĩ tài danh đã tô vẽ cho sức sống của loại hình nghệ thuật này. Cuốn sách “Khổ luyện và tài hoa” tập hợp chân dung của hơn 60 nghệ sĩ ca Huế. Mỗi trang sách lần giở mỗi mảnh đời, tài năng, là tấm gương khổ luyện không ngừng, cùng tiếp đuốc cho ca Huế được phát huy những giá trị nghệ thuật không chỉ trong vùng đất Cố đô mà còn ra bên ngoài các cộng đồng văn hóa khác. 40 năm sống cùng ca Huế, dày công với những bài viết lời cho ca Huế, góp nhặt tư liệu về ca Huế, trải lòng cùng nghệ sĩ ca Huế đã tạo nên công trình này. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ nhận xét: “Như Võ Quê, như ngọn lửa yêu tha thiết hồn khí của quê hương mà anh đã gìn giữ trọn đời trong trái tim đầy ắp yêu thương của mình”.
NHỮNG CHÂN TRỜI XANH THẲM (Phê bình), Phạm Phú Phong, Nxb. Hội Nhà văn 12/2018.
Một công trình nghiên cứu phê bình nghiêm túc, khảo sát 20 tác giả văn học Việt Nam trải dài từ những năm giữa thế kỷ XX cho đến thế kỷ XXI trên các lĩnh vực thơ, văn xuôi. Chúng ta có cơ hội đọc lại một chặng đường văn học sử với những tên tuổi lớn như Phan Khôi, Hải Triều, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Hiến Lê trong mùa bội thu của làn sóng cách tân trong phong trào thơ mới, những di sản văn hóa ngôn ngữ của những bậc tài danh. Tiếp đó, Nguyễn Văn Bổng, Sơn Nam, Nguyễn Minh Châu, Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Trần Vàng Sao, Lê Văn Ngăn, Tô Nhuận Vỹ, Lưu Quang Vũ, Thái Bá Lợi, Thanh Quế… qua ngòi bút Phạm Phú Phong đã minh tường thêm nhiều những chi tiết, tư liệu về tài năng, đức độ và khả năng sáng tạo.
(TCSH361/03-2019)