TỪ DỤ THÁI HẬU (Tiểu thuyết), tác giả Trần Thùy Mai, Nxb. Phụ Nữ, 2019.
Trần Thùy Mai là một trong số những nữ tác giả tiêu biểu văn chương xứ Huế và Việt Nam, có công đóng góp lớn vào gia tài truyện ngắn Việt Nam đương đại. Tiểu thuyết “Từ Dụ thái hậu” đánh dấu một chặng đường và thử thách thể loại mới của nhà văn. “Tiểu thuyết gồm 69 chương, viết về thời nhà Nguyễn với nhân vật chính và các tuyến nhân vật là người trong cung cấm. Câu chuyện kể về cuộc đời của Phạm Thị Hằng, chính thất của hoàng đế Thiệu Trị, sau này trở thành hoàng thái hậu Từ Dụ nổi tiếng trí tuệ, hiền đức. Một quãng thời gian 30 năm, qua 3 đời hoàng đế: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị; từ lúc cô thiếu nữ 13 tuổi Phạm Thị Hằng theo cha từ vùng đất phương Nam về kinh đô, chịu bao thăng trầm dâu bể rồi trở thành người đứng đầu hậu cung nhà Nguyễn. Tác phẩm được thực hiện công phu từ nguồn chất liệu sáng tạo, cộng hưởng với văn phong nhuần nhị, nhẹ nhàng và cốt truyện sinh động, lôi cuốn. “Từ Dụ thái hậu” đã được giới phê bình đánh giá cao, như một bản Nhã nhạc nghiêm trang, tràn đầy cảm xúc lẫn nghệ thuật.
MAI RỒI MƯA TẠNH TRONG XUÂN (tản văn), tác giả Thái Kim Lan, Nxb. Kim Đồng, 2019.
Tác giả Thái Kim Lan là một người mang nặng tâm trạng hoài cố, chan chứa yêu thương với những tình thân dĩ vãng, lượm từng mảnh vỡ văn hóa để dựng xây một viễn ảnh cao đẹp trong từng trang viết “Mai rồi mưa tạnh trong xuân”. Một tập tản văn tròn đầy những biểu trưng tinh thần của Triết học Tây Phương, các pháp của Phật giáo, là trạng thái dập dìu của sự xê dịch và trở về, hiện tại và quá khứ, cái đang còn và cái đã mất, yêu thương và chia sẻ. Tác giả muốn dựng lại một Huế ngày xưa, cụ thể là hình bóng Huế những thập niên 1950 - 1970 trên trang viết của mình. Những người của Huế một thời, Huế rặt, Huế đẹp, Huế cổ kính, Huế tao nhã, Huế thi nhân đã sống dậy, bước ra từng trang sách. Đó là mẹ, là chị, là bà thím, bà o, những bạn học Đồng Khánh, là hòa thượng, là tăng ni, là trí thức, là những người Huế vô danh. Khởi đi từ cảnh vật nhuốm màu phong lãm: “Màu tím của sông, chút lòng trung kiên vĩnh viễn của Huế, phôi pha như một giấc mộng cố nhân, mỏng manh như một thoáng hơi sương thu, chỉ còn lãng đãng trong hoài niệm và đợi chờ...”.
NHỊP THỜI GIAN (Thơ văn chọn lọc), tác giả Lương Sơn, Nxb. Hội Nhà văn, 2019.
Đó là một Lương Sơn trải hết lòng mình cùng văn chương, thiết tha sống đời cùng thơ văn, chữ nghĩa. “Nhịp thơi gian” là tuyển tập chọn lọc những sáng tác là một đời trăn trở của tác giả qua nhiều chặng đường sáng tạo, đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Mảng thơ gồm 8 phần như: Thời cầm súng, Khoảng trời chim én, Gương mặt cuộc đời, Khúc dân ca, Tình sông hồn biển… cho thấy sự trước sau như một của một hồn thơ nhiều xúc cảm chất chứa giữa lá mục rêu xanh, phong ba bão tố và rực rỡ ngày trở về. Mảng văn xuôi gồm hai thể loại chính là tùy bút và truyện ngắn, thể hiện văn mạch nhẹ nhàng, khơi nguồn thiêng liêng và hiện thực lãng mạn. Ngòi bút Lương Sơn còn biểu đạt tài tình những giá trị khác mà người đọc cảm nhận được khi đi qua hết hành trình của một đời văn chương, thấy ân tình sâu nặng với quê hương, tổ quốc, thời đại vì “những nỗi niềm cứ trỗi dậy trong tôi”.
(TCSH363/05-2019)