DẠO BƯỚC (Tiểu luận), Henry David Thoreau, Trần Hoàng Thư dịch, Nxb. Đà Nẵng & Domino books, quý IV 2018.
Với mong muốn quay trở về những trạng thái tự nhiên thuần túy, Henry David Thoreau đã viết những lời đầy thuyết phục về một hành động mang tính tự ý thức cá nhân là việc đi và nghệ thuật của sự đi ở nội hàm triết học. Dạo bước không đơn thuần gói gọn trong vài ý tưởng ngắn ngủi, nó gửi gắm cả một tinh thần chứa đựng thiên nhiên hùng vỹ và ý chí của con người trong hành trình dạo ấy. Tác giả gọi những người dạo bước đích thực là dạo sĩ và khẳng định: “Một dạo sĩ lang thang vô định chẳng khác gì một dòng sông uốn khúc quanh co đang cần mẫn tìm đường ngắn nhất ra biển lớn”. Dạo bước gửi gắm đến chúng ta hành động phản tư, tìm mình trên những hành trình tự nhiên nhất.
TÌM HIỂU VỀ TRUYỆN THƠ DÂN GIAN VIỆT NAM (Nghiên cứu văn học dân gian), Triều Nguyên, Nxb. Đại học Huế, 2019. Công trình chuyên sâu về truyện thơ dân gian Việt Nam gồm 5 chương: Dẫn luận; Tình hình nghiên cứu truyện thơ dân gian Việt Nam, vấn đề đặt ta; Xác định truyện thơ dân gian Việt Nam; Hình thức truyện thơ dân gian Việt Nam; Nội dung truyện thơ dân gian Việt Nam; Vai trò và đặc điểm truyện thơ dân gian Việt Nam, kết luận. Tác giả đã khảo sát 34 truyện thơ dân gian của người Kinh và 56 truyện thơ dân gian của người thiểu số, giải quyết các vấn đề khoa học của những công trình nghiên cứu trước đó, cũng như đề ra những quan điểm nghiên cứu, lập luận mới về một loại hình đặc biệt trong văn học dân gian. Qua công trình này, tác giả Triều Nguyên tiếp tục khẳng định sự công phu, tìm tòi khoa học, xử lý tư liệu và có những đóng góp lớn đối với lĩnh vực văn học dân gian Việt Nam hiện nay.
THỜI CÁCH NGĂN TRỐNG RỖNG (Thơ), Lữ Mai, Nxb. Hội Nhà văn, 2019. Bắt đầu từ thị giác để phản chiếu tâm hồn nên những vần thơ của Lữ Mai rất nhiều màu sắc, màu sắc của lý tính và màu sắc của nội giới sâu kín, rực rỡ. “Thời cách ngăn trống rỗng” có nhiều câu thơ phơi những nỗi niềm cùng mái ngói cũ, những ngọn nến, giấc mơ, cơn mưa, bóng đêm, phố, mùa… đưa người đọc đi qua những chân trời của một người đàn bà nhiều mơ mộng, đa cảm. Người đọc được hiện hữu và đồng cảm trong “mưa từ mắt nhỏ vào lòng” và cũng xoay theo chiều kích mới “mưa ngược vào anh mắt khô”. Những dòng thơ như những “dòng nhựa đắng” đã chảy tràn mặt giấy vào những đêm không bến bờ, vào cơn mơ xây xát, mọng đỏ, rồi còn lại là “mây trũng lòng tay nhiệt đới”.
ĐOÀN BINH TÂY TIẾN (Truyện ký), Quang Dũng, Nxb. Kim Đồng, 2019. Thi phẩm “Tây Tiến” của Quang Dũng đã trở thành một tác phẩm bất hủ trong thi ca dân tộc cho đến hôm nay. Và cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ và đầy cảm hứng lãng mạn cũng đã thể hiện trong tác phẩm khác thường được nhắc kèm bên cạnh bài thơ Tây Tiến là “Đoàn binh Tây Tiến”. Tác giả đã vẽ nên bức tranh cuộc trường chinh khốc liệt mà hòa hoa của đoàn vũ trang tuyên truyền Việt - Lào nơi suối sâu, rừng xa, dốc đèo xuôi ngược. Toàn bộ tác phẩm là án văn miêu tả cảnh sắc vùng biên giới, các sắc văn hóa đồng bào thiểu số như Dao, Thái, Mường, Hoa; là hình ảnh của những chiến sĩ vệ quốc quân vừa chiến đấu anh dũng. Quang Dũng đã để lại một sự nghiệp “không thể trộn lẫn với một ai khác” và “không thể lẫn lộn với một ai khác”. Nhắc tới Tây Tiến, tác giả đã cảm thán: “đã biết bao mả chiến sĩ cỏ lau cao lấp mộ phần/ Đã bao nhiêu người rỏ máu và nước mắt! Đã biết bao nhiêu người kiệt sức gục xuống quanh đây/ Để cho chúng ta được thênh thang tiến bước...”.
(TCSH368/10-2019)