THU VÀNG BAY (Tập thơ), Ngàn Thương, Nxb. Thuận Hóa, 2020.
Ngàn Thương là một người thơ lặng lẽ, âm thầm với chữ, say đắm với thơ, qua bao cuộc nắng mưa xứ sở vẫn luôn lung linh mộng ước ban đầu. Thơ ông là những tâm trạng gửi gắm qua cảnh sắc quê hương, những chuyện người gọi tên, là thời gian trầm tư, nhiều cung bậc, đến vô cùng... Nhà thơ quan niệm: “Ôi cái nợ văn chương thật dị kỳ/ Ướt hay khô vẫn linh hồn ngữ nghĩa/ Sợ gì chân tình tráo trở giữa nắng mưa”. Tấm chân tình của Ngàn Thương để lại những hình ảnh rung động “bỏ quên tôi trước thềm hoa rụng đầy” trong một đêm giao thừa nhiều thật thà. Và người đọc cũng giao cảm được với lần suy tưởng: “Mấy chục năm ròng tập làm gã thi nhân/ Múa bút thay gươm vẽ lên thời hư huyễn”.
NHỮNG KHU VỰC VĂN HỌC NGOẠI BIÊN (Phê bình), Phan Tuấn Anh, Nxb. Hội Nhà văn, Công ty sách Tao Đàn, 2020.
Công trình là một bản tường diễn mang tính học thuật sâu sắc về sự vận động của hai phạm trù “trung tâm” và “ngoại biên”. Nói một cách khác đây là cuộc đối thoại, so sánh về “trung tâm” và “ngoại biên” trên cơ sở khảo sát nhiều hệ giá trị văn học, triết học, lịch sử và các thể loại đặc trưng khác. Trừ các phần đề dẫn, phụ lục, công trình có 6 phần chính, trong đó một số phần được tác giả nghiên cứu, phân tích đa diện như ngôn ngữ nhị phân, đặc trưng văn học mạng/máy tính, truyện tranh, thơ tân hình thức... Với mỗi vấn đề “ngoại biên”, Phan Tuấn Anh đều trưng dẫn các trường hợp đặc biệt cốt để chỉ ra “sự tương thông, chuyển hóa linh động giữa trung tâm và ngoại biên”. Những khu vực văn học ngoại biên luôn tiềm chứa khả năng cách tân, dung hợp tối ưu với mọi giá trị và theo tác giả “đó là nền tảng lý thuyết chưa hoàn kết, chưa hoàn tất, còn hứa hẹn nhiều khả thể mới trong tương lai”.
BỘ TỘT CÙNG HẠNH PHÚC (Tiểu thuyết), Arundhato Roy, Thiên Nga dịch Nxb. Hội Nhà văn, Công ty sách Tao Đàn, 2019.
Bộ tột cùng hạnh phúc là câu chuyện trải dài trong nhiều thập kỷ, với bối cảnh chính diễn ra ở Delhi và Kashmir (Ấn Độ). Cuốn tiểu thuyết khởi đầu là câu chuyện của Anjum, một người đang muốn tìm lại giới tính thật của mình. Văn hóa Ấn Độ gọi cậu là một hijra, người mang hai giới tính, chứa đầy khát vọng đổi thay trong một cuộc sống vô cùng khắc khổ, phân biệt. Tiếp đến là những nhân vật khác xuất hiện, mỗi nhân vật mang theo một câu chuyện khác nhau, tạo nên bức tranh Ấn Độ đầy cung bậc, màu sắc, rối rắm, bất công. Họ là những con người bên lề xã hội đang cố mưu cầu một hạnh phúc dường như bất khả trong thực tại. Nhân vật củaArundhato Roylà hijra, kẻ nghiện, gái mại dâm, trẻ mồ côi, người lính... tồn tại trong các xung đột chính trị, tôn giáo, đẳng cấp, giới tính... Tác giả Arundhati Roy (sinh năm 1961) là nhà văn, nhà hoạt động chính trị, xã hội tích cực người Ấn Độ. Bà là một hiện tượng với tiểu thuyết “The God of Small Things”, đoạt giải Man Booker vào năm 1997. Nhà văn nằm trong top 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014.
RỪNG KHỘP MÙA THAY LÁ (Hồi ký), Nguyễn Vũ Điền, Nxb. Trẻ, năm 2019.
Cuốn hồi ký của nhà văn Nguyễn Vũ Điền, cựu chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia viết về cuộc chiến dữ dội, ác liệt tại Campuchia những năm 70, 80 thể kỷ trước. Tác phẩm viết một cách giản dị, chân thật và nhiều khi lôi cuốn người đọc phiêu lưu vào đời sống, tâm tư, tình cảm của không chỉ một người lính và cả một thế hệ can trường, quả cảm. Những trận chiến đấu tiêu biểu, những người bạn đồng ngũ, những vùng đất nhiều kỷ niệm mà anh lính thông tin Nguyễn Vũ Điền đi qua đã tái hiện trong các phần Khoác súng vào vai, Những bước chân trong rừng khộp... Và tác giả cũng khiêm tốn khi viết đoạn kết của hồi ký “Dù hay, dù dở, thì các bạn hãy cứ đọc nhé. Đọc để hiểu suy nghĩ rất thật của một người lính đã bước ra từ chính cuộc chiến này”.
(TCSH374/04-2020)