Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới tháng 12/2020
13:59 | 08/01/2021


MÙA BẠCH DIỆP (Tập thơ), Bạch Diệp, Nxb. Hội Nhà văn, năm 2020.

Tác phẩm mới tháng 12/2020

Với phong cách nữ tính, giàu ưu tư, một lối tự sự thiên về cái đẹp thuần tính, dịu dàng, Bạch Diệp một lần nữa tái xuất hiện qua một tập thơ mới đã định hình bút pháp. Với khả năng sử dụng nhuần nhuyễn các tính từ chỉ trạng thái, màu sắc như thì thầm, kín đáo… Mùa Bạch Diệp tạo các hiệu ứng câu chữ có tính nhịp điệu, bồng bềnh. Người thơ trôi cùng khúc jazz phố, cả nghỉ cùng chiếc giày của Cinderella, suy niệm cùng dòng kinh mùa đông… Đây đó là phút suy nghĩ chợt tắt, chợt hiện cùng các hành động được giới hạn đừng hát khi lên đồi, đừng nói gì cả, đừng khóc khi nhóm bếp, mở mắt tràn bóng tối… Và tình yêu cháy sáng như tiếng gọi, hay là chúng ta ra biển, mưa rồi anh nghe em không, nòi tình, bảo tàng anh… Đọng lại đây của Bạch Diệp là cái phũ phàng của hoài cảm như một chứng nhận “có nhiều thứ/ Không thể chùi bằng nước mắt”. Bạch Diệp viết cho thân phận, cho tình yêu, cho những nỗi niềm không thể nào niêm phong bằng ánh sáng, bằng nước mắt.


MÙI HOÀNG KIM (Tiểu thuyết), Bảo Thương, Nxb. Hội Nhà văn và Sbooks, năm 2020.

Để cho nhiều nhân vật có thể cất lên tiếng nói của mình trong cuốn tiểu thuyết này với nhiều lớp lang, thứ bậc, sự đảo lộn các tuyến kể với mục đích phô bày những ẩn ức giấu kín của những con người hoặc đi ra từ chiến tranh hoặc ám ảnh thời hậu chiến. Một bức tranh nghèo và buồn phủ lên đời sống vật chất và tinh thần của không gian tiểu thuyết. Bảo Thương đã để cho các nhân vật của mình cựa quậy, tru tréo, hờn, cảm, ham muốn, khát vọng… đủ các cung bậc của hạnh phúc, ám ảnh tính dục, thất bại... Mùi hoàng kim chia làm hai phần, mỗi phần 4 chương với cách đặt tên chương cũng rất đặt biệt khi lấy nhân vật kể chuyện để đặt cho chương ấy. Việc lựa chọn ngôi kể là ngôi thứ nhất góp phần làm cho sự dẫn dắt câu chuyện đi từ tâm lý nhân vật, sang các nội dung khác có tính liên văn bản. Kỹ thuật dòng ý thức được tác giả vận dụng khá linh hoạt. Có thể nói, với Mùi hoàng kim, Bảo Thương đã để lại dấu ấn của mình trên con đường sáng tạo.


NGHỆ SĨ SÁNG TẠO VÀ NHÀ PHÊ BÌNH (Tập truyện ngắn), Võ Chí Nhất, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, năm 2020.

Phiêu lưu trong trang viết Võ Chí Nhất, người đọc có cơ hội bắt gặp sự giao hòa giữa một giọng văn trinh thám, một chút mơ mộng lãng tử và cả những tín hiệu thẩm mỹ của cây bút trẻ nhiều trăn trở văn chương. 13 truyện ngắn, 13 cuộc đi khác biệt, 13 vụ án nhiều ẩn số… đã cho thấy sự từng trải, nghiên cứu kỹ tâm lý tội phạm, hồ sơ vụ án, các cách thức phạm tội và chìa khóa để tìm ra các đáp số. Đó là những tên tội phạm săn cổ vật, những cú lừa tình, lừa tiền với nhiều chiêu trò, hiện tượng thôi miên chiếm đoạt tài sản, các vụ án kinh tế, hình sự… Qua những câu chuyện của mình, Võ Chí Nhất đã làm sáng lên những tấm gương không ngại khó, ngại khổ, thông minh, quyết đoán của những người điều tra, phá án, vì bình yên cuộc sống nhân dân mà anh cũng là một trong số họ.


ĐI TÌM MỸ CẢM VĂN CHƯƠNG (Tiểu luận - phê bình), Trần Hoài Anh, Nxb. Hội Nhà văn, năm 2020.

Cuốn sách chia làm 4 phần: Mỹ cảm văn chương nhìn từ thơ Việt Nam hiện đại; Mỹ cảm văn chương nhìn từ văn xuôi Việt Nam hiện đại; Mỹ cảm văn chương nhìn từ lý luận - phê bình văn học và Khúc vỹ thanh. Hơn 400 trang sách trong tập tiểu luận - phê bình này của Trần Hoài Anh đã tập trung làm rõ khái niệm mỹ cảm văn chương và các phạm trù liên quan, cùng sự soi chiếu có hệ thống, tương ứng với sự phát triển của văn học Việt trên các thể loại thơ, văn xuôi và phê bình. Người đọc qua đó truy vấn và lĩnh hội các giá trị đã trở thành kinh điển như Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Huy Cận, Nguyên Sa… hay các tác giả hiện đại đang dần khẳng định mình trong thơ như Chữ Văn Long, Đoàn Văn Khánh, Trương Đăng Dung, Trầm Hương… Ở mảng văn xuôi, tính mỹ cảm biểu hiện theo chiều văn học sử với các giai đoạn, vùng văn học như văn học miền Nam 1954 - 1975, văn xuôi đồng bằng Sông Cửu Long… Phần phê bình - lý luận xoay quanh các chủ đề về thơ tiền chiến, ý thức dấn thân, tâm lý sáng tạo của nhà văn nữ, quan hệ văn học, văn hóa từ góc nhìn ứng dụng.  

(TCSH382/12-2020)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng