MÂY VẪN BAY TRÊN BẦU TRỜI THÀNH PHỐ (Truyện ngắn), Hồ Huy Sơn, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021.
Hồ Huy Sơn qua giọng văn nhẹ nhàng, trữ tình đã dẫn dắt người đọc vào thế giới của những nhân vật là những người trẻ với bao lo toan chốn thị thành. Họ có những giấc mơ, khát vọng, có những tình yêu giấu kín, âm thầm và cả những bươn chải của mồ hôi, nước mắt nuôi dưỡng lòng trắc ẩn cháy sáng lên trong đêm tối của đô thị buồn. Những ưu tư, trăn trở của tuổi trẻ là thước đo giá trị sống, trách nhiệm sống để hướng về một cuộc sống mộng mị trong kiên cường, cả nghĩ như: “những câu hỏi về cuộc đời bao giờ cũng dài như chính nó. Thăm thẳm và miên man…”. Hồ Huy Sơn đã trả lời thay cho những người trẻ, lý giải cho những người trẻ và đặt cược cái giá của khát vọng, của ưu tư sẽ luôn bay cao như những đám mây trĩu nặng trên bầu trời thành phố.
KIỀU BÀO VỚI TRƯỜNG SA (Truyện ký), Hiệu Constant, Nxb. Dân trí, năm 2021.
Tập truyện ký gồm 10 tác phẩm được nhà văn Hiệu Constant ấp ủ từ chuyến đi Trường Sa năm 2018 do Chính phủ Việt Nam tổ chức cho gần 70 kiều bào trở về từ hai mươi bốn quốc gia trên khắp thế giới trên con tàu KN 491. Những chuyện tác giả chứng kiến, nghe kể với nhiều tình tiết thú vị, bất ngờ suốt 10 ngày trong chuyến hành trình và những cảm nhận rất riêng của một kiều bào yêu nước khi trở về mảnh đất da thịt thiêng liêng của Tổ quốc, với mong muốn “làm lan tỏa những gì mình mắt thấy tai nghe về chủ quyền thiêng liêng của biển đảo Trường Sa”. Người đọc có cơ hội khám phá những ngôi chùa Trường Sa - cột mốc tâm linh chủ quyền của Tổ quốc, lời tâm tình của những kiều bào khi ra nơi đầu sóng, những sinh hoạt của cư dân trên đảo và những hoạt động của kiều bào hướng về Trường Sa…
ĐI QUA MÙA COVID…, Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang (Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang), năm 2021.
Trước tác động của đại dịch Covid-19, văn nghệ sĩ nói chung đối mặt với không ít thách thức trong công việc lao động nghệ thuật. Tuyển tập văn học nghệ thuật về đề tài này đã thu hút hàng trăm văn nghệ sĩ Tiền Giang tham gia, thể hiện nỗ lực không ngừng sáng tạo, là nguồn động viên tinh thần, cổ vũ những người trên tuyến đầu chống dịch, chia sẻ với đồng bào những gian khó trước “nỗi niềm Covid” trong đời sống, lao động, sản xuất. Sự tham gia của 7 chuyên ngành sáng tác như văn xuôi, thơ, kịch bản sân khấu, ca cổ, âm nhạc, nhiếp ảnh đã cho thấy sự bám sát hiện thực, lấy chất liệu của đại dịch với cách ly, giãn cách xã hội, những nỗi đau chung, những nguyện cầu cho bình yên, chung tay chống dịch.
THẦM… (Thơ) Nguyễn Đức Hạnh, Nxb. Hội Nhà văn, năm 2021.
Đi qua đủ một chu kỳ lục thập hoa giáp, nếm trải đắng ngọt của đời, có lẽ vì thế mà thơ Nguyễn Đức Hạnh là những suy tư rất riêng về thời gian, thân phận, quê hương và mẫn cảm với sự đổi thay của đất trời, của cái sống hồn nhiên, trong trẻo. Với thời gian, người thơ “thò” tay vào ngày tháng để xem đêm, gặp mình, mơ ngày, để chạm vào mùa đông, để chia đôi tháng Mười. Quê hương xứ sở mở ra những vẻ đẹp tráng liệt của mưa uống mà say, nghe được mùa đông Hà Nội nói thầm hay thấy được cái bóng dưới Tây Hồ. Xứ Huế cũng là nơi tác giả lưu lại ít nhiều để nhớ Huế, mưa Vỹ Dạ trong những ngày mưa lũ.
(TCSH389/07-2021)