Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới tháng 10/2021
15:49 | 12/11/2021


MƯA MÙA LÊN MEN (Thơ), Nguyễn Thiền Nghi, Nxb. Thuận Hóa, năm 2021

Tác phẩm mới tháng 10/2021

Nguyễn Thiền Nghi với giọng thơ chậm rải, gieo những hạt chữ lóng lánh và đầy ẩn ngữ giữa những cơn mưa mùa xứ Huế, giữa đêm trăng, giữa bão tố và những tháng ngày chênh chao của đời sống. Người thơ ấy với cái nhìn phiêu lãng đã “bọc Huế vào mơ”, “ngậm cỏ đắng uống từng ngụm hồi ức”, “sao vàng tôi cái nhớ chao người”... Những mưa, men, trăng, xuân, bến cũ, biển, đầm phá, con đường... đều phảng phất phong vị Huế, dồn nén bao cảm thức giao mùa của nhiều ánh lửa đã rực cháy nhiều khi. “Mưa mùa lên men”, còn thấm đẫm dư vị văn hóa của các vùng miền xa xôi của Tổ quốc, là đồi ruộng bậc thang, cao nguyên đá và hoa, chiều trên Mù Cang Chải, rét đêm Phố Bảng, Cao Bằng... mang lại những trải nghiệm tươi mới, khác biệt.


NHỮNG THỜI XANH TRÁNG LỆ (Phê bình), Nguyễn Thanh Tâm, Nxb. Văn học, năm 2020.

Văn học giai đoạn tiền chiến là một trong những giai đoạn quan trọng, là bước đệm tạo lập nền văn chương Việt hiện đại, trong đó đánh dấu sự trưởng thành của văn chương quốc ngữ ở mặt ngôn ngữ và thể tài. Từ đầu thế kỷ XX đến 1945 được xem là giai đoạn khá rực rỡ của nền văn học nước nhà với sự định hình, cố kết các giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật lẫn cấu trúc xã hội, văn hóa, lịch sử trong sự tương tác với văn minh, văn hóa phương Tây. Cánh cửa để ngỏ của văn học tiền chiến còn đó, là nơi vẫn chờ đợi các nhà phê bình quan tâm, nghiên cứu trước khối lượng tác phẩm, tác giả đồ sộ. Và Nguyễn Thanh Tâm như sự mạnh dạn của một nhà phê bình trẻ đã đi sâu vào tầng thức đương tiếp tục chờ khai quật của văn học tiền chiến. Đó là thơ mới - dấu ấn siêu thực và Hàn Mặc Tử, là Chế Lan Viên - não thịt là sa đọa, tủy xương là tinh hoa, là Đinh Hùng - từ muôn trùng biển lạ đến sông núi đô kỳ và nẻo về tiền sử, là Nguyễn Bính dưới góc nhìn hiện tượng luận... Những Nguyễn Thị Manh Manh, Quách Tấn, Bích Khê, Yến Lan, Vũ Trọng Phụng... đã được “giải mã” thêm qua các chi tiết và góc phê bình mới. Những thời xanh tráng lệ ra đời trong bối cảnh nguồn tư liệu phong phú, sự áp dụng các phương pháp, lý thuyết phê bình văn học đã góp phần diễn giải các vấn đề, hiện tượng, tác giả, tác phẩm thời tiền chiến, để phơi sáng những gì “văn học tiền chiến còn cất giữ trong lòng những giá trị chưa khám phá hết”.


CÔ GÁI TRONG SƯƠNG MÙ (Tiểu thuyết), Donato Carrisi, bản dịch Hoàng Anh, Nxb. Phụ nữ, năm 2021.

Donato Carrisi nổi tiếng với hai tiểu thuyết “Kẻ nhắc tuồng” và “Người ru ngủ” và sự tiếp nối của “Cô gái trong sương mù” khẳng định bút pháp trinh thám đầy huyền thoại và trắc ẩn của cây bút sinh năm 1973 và là “nhà văn Italia được đọc nhiều nhất trên thế giới”. Tiểu thuyết nói về sự mất tích bí ẩn trước đêm Giáng sinh của Anna Lou, một cô gái sống trong một ngôi làng bình yên giữa dãy Alps. Donato với lối viết đan xen chiêm nghiệm cuộc sống, những mâu thuẫn, những đồng điệu thu hút người đọc. Những cao trào của câu chuyện, những chi tiết tinh tế, đầy ý đồ của tác giả là một sự thách thức tìm kiếm câu trả lời. Donato đã đi sâu khai thác lối phá án hiện đại, những màn đấu trí giữa người phá án và tên tội phạm... để cuối cùng cái xấu, cái ác phải quỳ phục trước ánh sáng. “Cô gái trong sương mù” vì thế là một “món ăn lạ” trên bàn tiệc văn chương, hấp dẫn người đọc vào nghệ thuật viết truyện và sự trải nghiệm nhân văn sâu sắc.  

(TCSH392/10-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng