ĐÊM NẰM NGHE KÝ ỨC (Thơ), Ngô Minh Oanh, Nxb. Hội Nhà văn, 2023.
Ký ức thường thăm thẳm và nhiều chiều kích. Trong tâm tưởng người thơ, những khung cảnh cũ, những người xưa, chuyện dĩ vãng vang đọng đâu đó trên những con chữ miệt mài. Chúng ta bắt gặp những dòng ký ức như vậy ở Ngô Minh Oanh: “Từng hạt ký ức đâm chồi dọc giông gió đời tôi”. Sinh ra và lớn lên ở miền Trung nắng gió, tác giả từng đi năm châu bốn bể nhưng tình cảm quê nhà còn đó nắng mưa: “Đường nhỏ cát pha vòng vèo nương bãi/ Nội đứng chờ con chạng vạng chiều quê”. Về Huế, bên vịnh biển đẹp của thế giới, tác giả rung cảm cùng “Lăng Cô đêm nốt trầm”: “Đầm ngọt ngào, biển mênh mông chát mặn/ Mà tình ta không nước lợ bao giờ”. Có thể nói tiếng thơ Ngô Minh Oanh in đậm ký ức, quê hương, bàng bạc kiếp người, mênh mông nỗi nhớ và những nỗi niềm trước thời gian, trước đổi thay.
SỞ NGHIÊN CỨU ĐỊA LÝ (Truyện và ký), Hà Khánh Linh, Nxb. Văn học, 2023.
Tác phẩm dày gần 200 trang ra mắt bạn đọc vào đầu năm nay, nhà văn Hà Khánh Linh một lần nữa đã chứng tỏ bút lực dồi dào sau 50 năm cầm bút khi tuổi xấp xỉ 80. Sở Nghiên cứu địa lý được thể hiện ở hai thể loại khác nhau truyện và ký, trong đó truyện có 03 tác phẩm, ký có 05 tác phẩm. Người đọc gặp lại giọng văn nhẹ nhàng, thanh thoát và giàu trắc ẩn trong những truyện ngắn như Giấc mơ Huế, Sở Nghiên cứu địa lý, Nối dài thương nhớ… Với bút ký, Hà Khánh Linh tiếp cận hiện thực một cách tinh tế, đề cao tính tường thuật và gửi gắm những thông điệp rõ ràng trong An ninh du lịch - không phải cho riêng Huế, Những chặng đường, Quốc ca Việt Nam và những miền ký ức… Mỗi tác phẩm đều được sáng tác một cách công phu, chọn lọc chi tiết, đặc biệt là những dòng hội thoại súc tích và kiến văn sâu rộng. Cái tài của nhà văn Hà Khánh Linh chính là việc biến những sự việc, hình ảnh bình thường, nhỏ bé thành những chi tiết ám ảnh, phi thường và tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc. Về văn chương, nhà văn quan niệm: “Tôi không coi công việc sáng tác văn học là một “nghề”, mà là một cách sống, một thái độ ứng xử, cũng như tôi cũng đã từng nói đấy chỉ là cuộc chơi…”.
NHÀ VĂN NÓI VỀ NGHỀ (Tiểu luận), Nhiều tác giả, Nxb. Văn học, 2022.
Nghề nào cũng có những tiếng lòng, nhất là nghề chữ nghĩa. Gần 40 nhà văn của nhiều thế hệ góp mặt chung trong ấn phẩm do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tuyển chọn đã cho thấy sự đa diện, đa sắc và bao tâm tư của những con người lặng thầm phía sau con chữ. Đó là Nhật Chiêu với “Gọi đời về trong chữ”, Trang Thế Hy: “Quan niệm về nghề”, Nguyễn Quang Sáng: “Đãi cát tìm vàng”, Trần Thùy Mai: “Tác phẩm là hình chiếu của tâm hồn”, Nguyễn Ngọc Tư: “Thế đứng của người viết”… Mỗi người một vẻ, nỗi niềm, kinh nghiệm, quan niệm… làm rõ hơn về nghề văn và nhà văn. Các bài viết được sắp xếp tạo ra sự đồng hòa, không phân biệt mới cũ, quan niệm văn chương và cốt lõi là những dòng gan ruột của chính tác giả. Nhà nghiên cứu Bùi Thanh Truyền đánh giá về ấn phẩm rằng: “Lắng nghe tiếng nói của người trong cuộc, ta hiểu vì sao họ có được năng lượng, động lực tinh thần để vượt qua nghịch cảnh, khước từ những mê dụ nhất thời để thủy chung với nghề, để giữ mãi trạng thái “lên đồng” khi dan díu chữ nghĩa, xác lập thế đứng của mình. Qua đây, những người nuôi mộng văn chương sẽ khắc chế được những ám ảnh về sự cô đơn, thăm thẳm, vô tăm tích của đường văn để mạnh chân tiếp bước”.
CÁC DI TÍCH ĐỀN - THÁP, THÀNH - LŨY CHAMPA Ở QUẢNG BÌNH, QUẢNG TRỊ, THỪA THIÊN HUẾ (Nghiên cứu), Nguyễn Văn Quảng, Nxb. Khoa học Xã hội, 2022.
Công trình gồm 3 chương nội dung chính về các di tích đền - tháp, thành - lũy Champa ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh đến đặc điểm, mối quan hệ và giá trị của những di tích này. Công trình đã tập hợp, hệ thống hóa, cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan về các di tích đền - tháp, thành - lũy văn hóa Champa hiện còn ở khu vực Bình - Trị - Thiên. Đặc biệt, công trình làm rõ đặc điểm của hệ thống các di tích đền - tháp và thành - lũy Champa trên địa bàn Bình - Trị - Thiên. Và hướng tới giải quyết các mối quan hệ của hệ thống di tích đền - tháp và thành - lũy văn hóa Champa ở khu vực Bình - Trị - Thiên trong tổng thể văn hóa Champa.
(TCSH410/04-2023)