Câu chuyện hôm nay
Những con số chưa biết nói!
13:49 | 16/04/2013

Nhà nước kêu gọi cắt giảm chi tiêu thường xuyên 10% nhưng hầu hết các địa phương đều mạnh tay chi vượt dự toán. Tiền dành cho y tế, giáo dục dù ít ỏi nhưng lại xài không hết... Đó là những nghịch lý trong xài tiền ngân sách được chính các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra trong phiên họp mới đây.

Những con số chưa biết nói!

Do vậy, dù bội chi ngân sách năm 2011 được báo cáo là thấp hơn dự toán nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng bản quyết toán ngân sách còn nhiều con số “chưa thực sự biết nói”. 

Thực ra, với những báo cáo của Bộ Tài chính, tự bản thân con số đã nói lên thực tế: Dự toán ngân sách chưa chính xác. Cụ thể, GDP không đạt chỉ tiêu nhưng thu ngân sách Nhà nước năm 2011 vượt cao so với dự toán, tăng gấp 3 lần. Bội chi dù giảm từ 5,3% xuống còn 4,4% GDP nhưng chủ yếu nhờ tăng thu ngân sách chứ không phải nhờ tiết kiệm. Đặc biệt, thu, chi đều tăng nhưng hiệu quả chi tiêu lại chưa cao. Đây cũng là một thực tế khiến Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu “từng bộ trưởng phải lên giải trình về ngân sách Nhà nước, từng địa phương phải thấy được hiệu quả chi tiêu, sự lãng phí, thất thoát để thấy được rằng từng ấy tiền nếu biết chi tiêu thì hiệu quả hơn”.

Điều đáng nói hơn cả là sự chênh về các con số giữa dự toán và thực tế lâu nay vẫn là một chuyện dài. Kết quả khảo sát chương trình hợp tác về ngân sách quốc tế đánh giá vị trí của các chính phủ về công khai ngân sách ở 100 quốc gia, công bố hồi đầu năm, cho thấy Việt Nam có thứ hạng rất thấp về công khai ngân sách (nằm trong số 26 nước có thứ hạng thấp nhất về chỉ số công khai ngân sách).

Đó là do Việt Nam chưa công khai lấy ý kiến công chúng về bản dự thảo ngân sách Nhà nước trước khi trình Quốc hội phê duyệt chính thức. Trong khi đó, 79/100 quốc gia khác được khảo sát đã công khai dự thảo ngân sách theo tiêu chuẩn quốc tế về minh bạch tài chính. Và không chỉ trong phạm vi ngân sách, ngay cả những con số “nóng” đòi hỏi sự chính xác cao để kịp thời có quyết sách đúng như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nợ công, nợ xấu, nợ của các tập đoàn Nhà nước... cũng mỗi nơi, mỗi thời điểm công bố một  khác.

Sự sai số này quy cho các cơ quan chuyên môn thiếu năng lực cũng chưa hẳn đúng. Bởi theo như “bật mí” của một cựu quan chức Tổng cục Thống kê tại một cuộc hội thảo quốc gia mới đây, số liệu thống kê hiện nay ở nước ta luôn có 2 số: Một số để dùng khi làm việc với các chuyên gia, số còn lại dùng để công bố công khai (con số này có thể bị tác động bởi nhiều vấn đề).

Các số liệu thống kê chính là “hàn thử biểu” phản ánh “sức khỏe” nền kinh tế. Dự báo đúng mới có số liệu đúng. Ngược lại, chính sách và điều hành sẽ chệch hướng nếu dựa trên những con số và dự báo thiếu chính xác. Với thực trạng kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay, rất cần sự chế tài trách nhiệm để hạn chế những “con số chưa biết nói”!

 

 
  Theo Minh Hà
Người lao động
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng