Câu chuyện hôm nay
Văn chương có giành được người đọc từ truyền thông?
09:13 | 11/05/2015

Truyền thông tạo định kiến “người Israel chuyên đánh bom cảm tử”, “người Anh lãnh đạm và xa cách”, nhưng văn chương liên kết nhân loại bằng những câu chuyện giản dị. Chủ đề này được nói đến trong Những ngày Văn học châu Âu tại Hà Nội.

Văn chương có giành được người đọc từ truyền thông?
Nhà văn Di Li cùng hai nhà văn Jasper Fjorde và Etgar Keret tại tọa đàm

Tọa đàm chủ đề Xã hội đương đại phản ánh trong truyện ngắn và tiểu thuyết cùng hai nhà văn Etgar Keret (người Israel) và Jasper Fjorde (người Anh) và nhà văn Di Li (Việt Nam) vừa diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội.

Nhà văn Di Li, người có chuyên môn chính trong ngành truyền thông, đặt câu hỏi: “Lâu nay chúng ta cho rằng vai trò của nhà văn và văn học là rất quan trọng. Nhưng hiện nay, dường như văn học chỉ là một phần nhỏ trong một xã hội nghe nhìn khổng lồ. Theo các nhà văn, văn chương có cạnh tranh nổi với truyền thông để tác động đến công chúng?”.

Nhà văn Etgar Keret, người rất hài hước, đưa ra câu trả lời: “Với người Israel, người ta cứ nghĩ chúng tôi toàn ném bom cảm tử, nhưng thực ra người Israel lúc thức dậy vào buổi sáng thì không phải ai cũng có suy nghĩ về việc ném bom cảm tử, mà họ nghĩ sẽ ăn gì cho bữa sáng, hoặc vì sao cô bạn gái lại bỏ mình... Nghĩa là, chúng tôi sống và nghĩ những thứ đời thường như mọi dân tộc khác”.

Theo Keret, chính truyền thông đại chúng đã tạo ra các định kiến đó, gây cảm giác một số quốc gia quá nhiều bạo lực, xung đột. Trong khi đó, văn chương có khả năng phản ánh tâm tư tình cảm của con người sâu sắc hơn.

Còn nhà văn AnhJasper Fjorde có suy nghĩ nghiêm trang hơn: “Vai trò của văn chương trước hết là giải trí cho người đọc. Nhưng cao hơn, văn chương hướng người đọc đến với những điều tươi sáng hơn, cao cả hơn, ý nghĩa hơn”.

Và không hẹn mà gặp, Fjorde từ Anh và Keret từ Israel có hai tác phẩm truyện ngắn về cùng một chủ đề: con người chối bỏ thực tại và trốn vào tâm tưởng của chính mình. Trong buổi tọa đàm, hai tác phẩm này, lần lượt tên là Biến mấtNhắm mắt đã được trích đọc cho độc giả bằng hai thứ tiếng Anh và Việt.

Trong truyện của Fjorde, nhân vật chính quyết định mỗi khi cuộc đời nhàm chán, anh ta sẽ biến mất. Và bởi vậy, anh ta chỉ sống vỏn vẹn 8 năm trong số 58 năm cuộc đời mình, và biến mất một lần sau cuối khi qua đời. Còn truyện của Keret kể về một người đàn ông thích nhắm mắt lại và tưởng tượng ra một cuộc đời khác, một cô vợ khác và những đứa con khác, để thoát khỏi cuộc sống thực tế của mình. Trong khi đó, vợ thật của anh lại ngoại tình với người bạn thân.

Hai cách kể lạ, hai nhân vật độc đáo theo hai cách khác nhau nhưng đều hài hước và đều nhận được sự đồng cảm của nhiều độc giả Việt Nam trong buổi tọa đàm.

Theo Hạ Huyền - TT&VH

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng