Câu chuyện hôm nay
Cách mạng Tháng Tám - Bài học về lòng tin của nhân dân
14:39 | 19/08/2015

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thể hiện cao nhất niềm tin của nhân dân theo Đảng, trở thành bài học sâu sắc trong giai đoạn hiện nay.

Cách mạng Tháng Tám - Bài học về lòng tin của nhân dân
Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 với những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đường phố thủ đô Hà Nội (Ảnh tư liệu)

Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là minh chứng hùng hồn nhất, rõ nét nhất về lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đối với mỗi người dân Việt Nam, nhờ có lòng tin chiến thắng đã chấp nhận gian khổ, hy sinh để theo con đường cách mạng mà Đảng đã chỉ ra. 

Nhớ lại khoảng thời gian lịch sử cách đây tròn 70 năm, dù ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe yếu nhưng với ông Phương Đình Thu ở Hà Nội vẫn cảm xúc, niềm tự hào, nhiệt huyết của chàng trai tuổi mới 16 tuổi được giác ngộ cách mạng và hoạt động tích cực thời tiền khởi nghĩa trong đội Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu ngày ấy.

Ông Thu cho biết, làm cách mạng là chấp nhận hy sinh, gian khổ, chờ đợi thành quả cách mạng, thành quả ấy có thể 5 năm, hay 10 năm. Ngọn cờ độc lập, giải phóng dân tộc mà Đảng và Bác Hồ đã chỉ ra như thúc giục hàng nghìn trái tim nhiệt thành đứng dưới ngọn cờ cách mạng. Vì thế mà đội viên tuyên truyền xuất hiện và hoạt động khắp nơi hết sức tự nguyện.

Niềm tin đó đã biến cuộc mít tinh của Tổng hội Công chức của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim thành làn sóng yêu nước của nhân dân và trở thành cao trào khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội.

Đối với ông Phương Đình Thu, hình ảnh tất cả người dân Hà Nội từ khắp nội, ngoại thành, trong đó có cả lính bảo an, Cảnh sát của Chính phủ bù nhìn đồng loạt đứng lên, theo cách mạng mãi còn in đậm trong tâm trí. Lúc bấy giờ, ông Thu tham gia đội Thanh niên cứu quốc của Việt Minh, đi rải truyền dơn, phá cuộc mít tinh của Đại Việt.

“Giai đoạn đó hào hùng lắm, không ai nghĩ đến cá nhân, phần lớn theo cách mạng, tự nguyện làm những việc của cách mạng, mặc dù thanh niên không nhiều, lại không có khí giới”, ông Thu nhớ lại.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, ngày 19/8/1945, sự kiện tổng khởi nghĩa ở Hà Nội giành thắng lợi đã đạo đà cho khởi nghĩa trong cả nước giành thắng lợi. Thắng lợi đó không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, mà còn là thắng lợi của cách mạng giành chính quyền chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhất, tổn thất nhỏ nhất, nhưng thành công lớn nhất, triệt để nhất trong lịch sử nhân loại.

Mặt khác, thắng lợi của cuộc cách mạng đã khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân Việt Nam. Mà khởi nguồn chính là niềm tin vững chắc dưới ngọn cờ độc lập, giải phóng dân tộc mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, tập hợp được những người yêu nước từ các lực lượng, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai tầng trong xã hội.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Từ cuộc tổng khởi nghĩa Hà Nội, chúng ta thấy chỉ trong vòng 1 tuần là Huế, Sài Gòn và cả nước đã giành được chính quyền. Điều đó thể hiện được ý chí thống nhất, lực lượng đã sẵn sàng, sự lãnh đạo nhanh, nhạy trên cả nước, trong điều kiện giao thông, thông tin liên lạc hết sức khó khăn nhưng đã đồng khởi. Thể hiện được ý chí của người dân và sự lãnh đạo của mặt trận Việt Minh. Và từ cuộc Cách mạng Tháng Tám, với sự kiện 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập, xác lập nền dân chủ cộng hòa, từ sức mạnh quốc gia độc lập ấy, tiếp tục những cuộc kháng chiến giữ nước để bảo đảm thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám”.

GS.TS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, chặng đường 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, song cũng đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức không nhỏ. Đó là nguy cơ từ mặt trái của kinh tế thị trường, tình trạng tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái tư tưởng đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên...Do đó, trong giai đoạn hiện nay càng phải củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với dân.

Theo GS.TS Mạch Quang Thắng, hiện nay, sức mạnh của Đảng cũng cần có sự đoàn kết toàn dân. Trong điều kiện dân chủ, khoa học công nghệ được nâng lên, do đó, cần thay đổi phương thức quản lý, lãnh đạo. Làm sao để người dân hiểu được trách nhiệm công dân của mình để hợp sức; làm sao chống được tiêu cực trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, đấy là sức cản lớn trong việc tập hợp toàn dân.

70 năm trôi qua, thắng lợi lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám với niềm tự hào của người dân Việt Nam đã thể hiện cao nhất niềm tin của nhân dân với Đảng, trở thành bài học sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn trong giai đoạn hiện nay./.

Theo VOV

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhà văn già (24/07/2015)