“Nhập gia tùy tục” nên việc nghe bạn bè quốc tế khen về người Việt Nam thân thiện, cuộc sống ở Việt Nam thú vị có lẽ đã “nhàm”. Sự thật, họ đã bị nghĩ về văn hóa Việt Nam như thế nào?
Khách mời của Câu chuyện văn hóa tuần này sẽ đưa ra những nhận định của mỗi cá nhân.
Văn hóa đi bộ, tiếng Việt, sự thân thiện và áo dài
Ông Ando Toshiki, Giám đốc Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ:
“Với ai cũng vậy, trước khi đến một nơi nào đó, việc tìm hiểu văn hóa nơi mình sẽ đến luôn hữu ích khi mình tiếp cận cuộc sống. Đặc biệt, trong trường hợp sẽ phải sống một khoảng thời gian dài tại một đất nước (vì công việc), nếu như không nắm bắt được các thông tin như xã hội, quy tắc - tập quán cơ bản trong đời sống của đất nước sở tại thì cuộc sống riêng cũng như công việc sẽ không diễn tiến suôn sẻ được. Vì có thể sẽ làm phiền hoặc làm cho người dân bản xứ thấy khó chịu.
Trước khi đến Việt Nam, tôi cũng biết rằng, phương tiện giao thông chủ yếu của người dân là xe máy. Tuy nhiên, khi sống tại Hà Nội, tôi mới thấy rằng lượng xe máy lưu thông ở đây nhiều hơn hẳn trong suy nghĩ của mình. Ngoài ra, tôi không thể nghĩ rằng, tại sao có nhiều xe máy như vậy mà nhiều người tham gia giao thông lại thường xuyên không dừng xe trước đèn đỏ hay xe máy vẫn được dựng đầy trên vỉa hè dành cho người đi bộ?!
Hiện nay tôi thường đi bộ đến cơ quan mất 20 phút. Đối với người Nhật thì đi bộ khoảng 20 phút rất tốt cho sức khỏe. Nhưng duy trì thói quen này tại Hà Nội làm tôi nhận ra rằng: khi mình vừa phải qua đường, vừa tránh xe máy, hoặc thỉnh thoảng đang từ vỉa hè phải đi xuống lòng đường cũng vì để tránh xe máy dựng trên đó thì khá là nguy hiểm và cũng chẳng giúp gì cho sức khỏe mấy. Tuy nhiên bây giờ tôi đã quen với việc đó rồi. Có khi đối với người Việt Nam, việc tôi đi bộ 20 phút để đi làm còn là một việc làm kỳ lạ?
Tất nhiên, mỗi nơi có một văn hóa sống khác nhau nhưng đều là nước châu Á nên hai nước vẫn có những điểm chung. Ví dụ như sự kính trọng đối với người lớn tuổi, người Nhật và người Việt Nam đều sử dụng nhiều dạng thực phẩm từ thịt, cá, rau… trong món ăn và có đặc trưng là nhiều món ăn đều phát huy tiềm năng dinh dưỡng của các nguyên liệu trong đó.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, tôi nhận thấy không có xã hội nào có thể duy trì văn hóa cố hữu nguyên vẹn như xưa được nữa. Tuy nhiên, áo dài Việt Nam vẫn được sử dụng làm đồng phục cho học sinh, sinh viên hay một số nơi ở công sở. Đó là một vẻ đẹp mang đậm tính truyền thống mà các bạn vẫn đang phát huy. So với Nhật Bản thì hầu như chúng tôi không có dịp nào để mặc kimono nhiều như vậy.
Ở Nhật Bản, gần đây, nhiều người phải chịu áp lực trong cuộc sống, họ thường có xu hướng quay sang tấn công những người khác do sự bất mãn ngày một tăng lên. Trong khi đó, tôi cảm nhận rằng nhiều người Việt Nam dù có gặp khó khăn ít nhiều trong công việc nhưng vẫn tươi vui lạc quan. Nhìn những người trong quán cà phê nói chuyện hàng giờ với bạn bè cũng làm cho tôi thấy tươi tỉnh hơn.
Kể cả tại những nơi không có liên quan tới công việc như các quán ăn vỉa hè, quán cơm… đi nữa, tôi thấy mọi người cũng không lạnh nhạt với nhau. Ví dụ, khi tôi đến ăn quán vào giờ đông khách, họ cũng vẫn bày thêm bàn ghế cho tôi hay khi tôi đang ngập ngừng không biết gọi món gì họ cũng không cáu gắt.
Có khi ở Nhật những trường hợp như vậy lại bị làm ngơ hay tỏ thái độ. Tất nhiên, tôi cũng nghĩ không phải 100% người Việt Nam đều không thân thiện, nhưng chỉ là một phần như vậy thì ngay cả ở Nhật cũng có.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của tôi là tiếng Việt quá khó. Phát âm tiếng Việt rất khó, chỉ cần sai một từ đơn giản là mọi người đã không hiểu mình nói gì rồi. Nhất là người Hà Nội có vẻ không thông cảm cho tiếng Việt của người nước ngoài, chỉ cần không hiểu tôi nói gì một chút là ngay lập tức họ nói “Gì đấy? Hả?”. Những lúc như vậy tôi chỉ muốn mọi người cố gắng lắng nghe tôi hơn nữa thôi.
Những món ăn “kinh dị”, “văn hóa hàng xóm” và nạn cờ bạc
Đó là nhận xét của nhiếp ảnh gia Sebastien Laval (Pháp). Ông nói:
“Cách đây 20 năm, lần đầu tiên đến Việt Nam tôi đã ấn tượng vì sự đa dạng về văn hóa với 54 dân tộc. Khi đó, tôi đã tự nói với bản thân mình rằng đó là sự giàu có của đất nước các bạn, về văn hóa và về con người.
Tôi đã có nhiều trải nghiệm về văn hóa Việt Nam khi đặt chân đến nhiều vùng đất của Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Và ít nhiều những nét văn hóa tôi yêu mến ở đất nước này đã đi vào cuộc sống của gia đình tôi như một sự “Việt Nam hóa”.
Văn hóa Việt Nam “thấm” vào cuộc sống hàng ngày của gia đình tôi nhiều nhất chính là ẩm thực. Tôi nấu rất nhiều món ăn Việt và thường xuyên ăn các món ăn Việt như phở, nộm đu đủ… tại nhà.
Với cả những món ăn được “liệt” vào dạng “kinh dị” trên thế giới là trứng vịt lộn, tôi cũng đã được ăn ở nhiều nơi, kể cả ở các chợ nông thôn và miền núi Việt Nam. Thậm chí, tôi từng ăn trứng vịt lộn ngay tại Pháp. Và như nhiều món ăn khác, tôi cũng muốn mời bạn bè của mình thử món ăn này.
Ngoài ra, mỗi khi đặt chân đến một nơi tại Việt Nam, tôi lại có cơ hội được ăn nhiều món ăn dân tộc như thịt chó, thịt rắn. Tuy nhiên, với mắm tôm thì tôi thấy hơi khó ăn thật.
Sau nhiều năm, cho đến bây giờ, Việt Nam vẫn luôn gây ấn tượng với tôi ở mối quan hệ xã hội giữa con người với con người. Đó là ở Việt Nam, từ làng ra đến phố, những người hàng xóm cùng phố đều biết nhau. Người ta giúp nhau, nói với nhau, chia sẻ với nhau nhiều thứ trong sinh hoạt đời thường và điều đó quan trọng đối với cả xã hội.
Văn hóa thân mật hàng xóm láng giềng của Việt Nam và một phần vì khí hậu cho phép mọi người sống hướng ngoại nên người ta thường gặp gỡ ăn uống trong các quán nhỏ nhiều lần trong ngày... Tôi nghĩ rằng, mối quan hệ nhân văn này đã giúp tôi hiểu được sự thống nhất của dân tộc Việt Nam và cũng hiểu được tại sao Việt Nam lại là Việt Nam.
Trong khi ở Pháp, lối sống chủ nghĩa cá nhân khiến chúng tôi không làm được điều này. Lâu lâu, chúng tôi lâu lâu mới ăn tại nhà hàng một lần. Sự khép kín “nhà nào biết nhà đó” khiến chúng tôi không có “văn hóa hàng xóm”, không quen biết những người “sát vách” nhiều. Và tôi lấy làm tiếc vì điều này!
Trong mắt tôi, Việt Nam luôn giàu ưu điểm. Có thể vì tôi làm nghệ thuật nên tôi nhìn thấy nhiều vẻ đẹp của Việt Nam hơn những “tật xấu” chăng? Nhưng thực ra cũng có những lối sống ở đây khiến tôi ngạc nhiên. Ví dụ như sự đam mê cờ bạc. Có thể đây là một sở thích của nhiều người và nếu chơi ở một hình thức nào đó vẫn mang tính tích cực. Song, khi thấy người ta có thể “được ăn cả, ngã về không”, cay thua, đặt cược tất cả với trò đỏ đen này, tôi thấy vừa lạ lùng vừa đáng sợ.
Ngọc Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần