Câu chuyện hôm nay
Mê uống bia, chăm “còm phây”, lười đọc sách
09:19 | 31/12/2015

Năm 2015, doanh thu ngành văn hóa phẩm của nước ta đạt 2.000 tỉ đồng, tổng lượng bia các loại được tiêu thụ ước tính đạt hơn 3 tỉ lít, tương đương 66.000 tỉ đồng, trung bình mỗi người Việt bỏ ra 2,5 giờ/một ngày để lướt facebook.

Mê uống bia, chăm “còm phây”, lười đọc sách
6% dân số Việt Nam hoàn toàn không đọc sách, 44% thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách lên để đọc và 30% đọc sách thường xuyên (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: ĐẶNG CHUNG

Tỉ lệ tiêu thụ bia và dùng facebook được dự đoán sẽ tiếp tục tăng, trong khi mức trung bình số người không đọc hết một quyển sách trong năm của người Việt dự đoán sẽ không được cải thiện. Chúng ta liên tục hô hào phát triển văn hóa đọc và khuyến khích người dân đọc sách để tích lũy tri thức, nhưng thực tế đáng buồn là người Việt vẫn lười đọc sách...

Chi cho nhậu nhẹt nhiều gấp 33 lần chi cho văn hóa phẩm

Trong báo cáo tổng kết năm 2015 và chương trình công tác trọng tâm năm 2016, Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố những con số ấn tượng: Năm 2015, toàn ngành đã xuất bản được hơn 24.000 cuốn sách với hơn 270 triệu bản; 375 loại văn hóa phẩm với hơn 22 triệu bản, tổng doanh thu ước đạt hơn 2.000 tỉ đồng.

Nhìn vào con số này, nhiều người vội vàng thấy... mừng vì cho rằng 2.000 tỉ đồng là số tiền lớn, đặc biệt ý nghĩa khi nó phục vụ cho việc đọc và lĩnh hội tri thức. Nhưng khi đặt nó cạnh những con số khác thì không khỏi “giật mình”. Ví dụ: Theo báo cáo về tỉ lệ người Việt đọc sách của Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), có tới 26% dân số Việt Nam hoàn toàn không đọc sách, 44% thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách lên để đọc và 30% đọc sách thường xuyên.

Còn theo thống kê của Bộ VHTTDL: Mỗi năm trung bình 1 người Việt đọc không hết 1 cuốn sách (cụ thể là 0,8 cuốn). Đó chỉ là con số tương đối, nhưng cho thấy tỉ lệ đọc sách của người Việt hiện nay quá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Ở các nước Âu, Mỹ, trung bình mỗi người đọc khoảng 12 cuốn sách mỗi năm. Tại Nhật Bản, trung bình 1 người 1 tháng đọc hết một cuốn sách.

Khoản tiền 2.000 tỉ đồng mua văn hóa phẩm (trong đó có sách) của người Việt chỉ bằng 1/33 tiền chi cho việc nhậu nhẹt. Theo Bộ Công Thương, trong 11 tháng năm 2015, sản lượng bia các loại ước đạt 3 tỉ lít, tương đương với chi 3 tỉ USD - hơn 66.000 tỉ đồng.

“Tôi đã nghe được một học thuyết thế này: Đọc sách thì hay buồn ngủ, vì vậy phải uống bia vào cho tỉnh táo mới đọc sách được, nên người ta tiêu tiền nhiều cho việc uống bia. Nhưng nhìn từ thực tế, uống bia xong lại buồn ngủ, đi xe gây tai nạn, vừa không đọc được sách lại không an toàn cho bản thân. Nói thế để thấy, người dân bao biện nhiều cho việc thích uống bia và lười đọc sách. Điều này còn đáng lo hơn cho vấn đề nhận thức, lĩnh hội tri thức trong cộng đồng. Người ta vẫn ví sách là nguồn tri thức vô giá của nhân loại, chúng ta không đọc để lĩnh hội tinh hoa đó, mà lại mê “chém gió” ở hàng bia” - Giáo sư Lê Văn Lan chia sẻ.

Chăm “còm phây”,lười đọc sách

Cả nước hiện có 30 triệu người dùng mạng xã hội Facebook (trong đó có 27 triệu hoạt động trên thiết bị di động), tính riêng mỗi ngày có 20 triệu người (17 triệu trên thiết bị di động). Con số này cao hơn 13% so với mức sử dụng mạng xã hội trung bình mỗi ngày trên toàn cầu. Cùng đó, người Việt hiện dành khoảng 2,5 tiếng mỗi ngày trên Facebook, nhiều hơn 1 giờ so với các mạng xã hội khác, gấp đôi thời gian dành để xem tivi và gấp nhiều lần thời gian dành để đọc sách.

Sẽ không đáng lo nếu người dân dùng facebook để kết nối, lĩnh hội thông tin. Nhưng điều đáng buồn là cư dân mạng dùng công cụ này để học hỏi, tìm kiếm thông tin thì ít, mà để cổ súy phong trào “ném đá”, từ trong nhà ra thế giới, tung tin nhảm, thậm chí làm những trò “trẻ trâu” như thách đố cả IS chỉ nhằm mục đích câu like... thì nhiều. Rất nhiều câu chuyện đau lòng từ thế giới ảo nhưng hậu quả thật đã xảy ra. Đánh nhau vì thách nhau trên facebook, tự tử vì bị bôi nhọ, xúc phạm trên face, bị phạt tiền, thậm chí vướng vào lao lý vì tung tin nhảm.

Chia sẻ về vấn đề này, hoa hậu Đặng Thu Thảo cho biết: “Người Việt chúng ta đang lười đọc sách, nhất là lớp trẻ, độ tuổi cần đọc nhiều, nghe nhiều để biết cách ứng xử và tích lũy tri thức. Các bạn cứ viện ra đủ lý do, nào là sách ngày nay không hấp dẫn, không hứng thú bằng các phương tiện nghe, nhìn và giải trí khác, nhưng đó chỉ là ngụy biện. Nhiều bạn trẻ chăm chỉ lên face, có khi chỉ để “ném đá” cho có phong trào, nhưng lại chẳng thể dành ra 2 tiếng mỗi ngày để đọc sách. Trước đây, tôi cũng lười đọc, nhưng giờ thì không. Buồn có thể đọc những cuốn truyện cười để vui lên, cần tìm hiểu các vấn đề như thời trang, kinh doanh, hay hướng nghiệp đều có thể tìm trong sách vở”.

Tất cả đều bắt đầu từ thói quen. Tiếc thay cho những ai không có thói quen đọc sách. Xây dựng thói quen đọc sách cho mình và người khác là việc khó, nhưng không thể không làm, vì đấy là việc có ích, thiết thân, trước hết cho chính mình.

Theo LĐO

 

Các bài mới
Các bài đã đăng