Câu chuyện hôm nay
Cây sứ di dời từ điện Kiến Trung nay ở đâu?
15:01 | 09/09/2016

Chuyện Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (TTBTDTCĐH) đã cho mang cây sứ “trăm năm tuổi” ở điện Kiến Trung về trồng vào vườn nhà của một “sếp”đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Cây sứ di dời từ điện Kiến Trung nay ở đâu?
Hình cây sứ ở điện Kiện Trung trước khi dời lên Văn Thánh

Nhiều người đặt vấn đề: nếu cây sứ mang về tặng “sếp” rõ ràng là TTBTDTCĐH đã vi phạm quy định pháp luật và cần được xử lý nghiêm.
Do chỉ tồn nghi, trước yêu cầu của báo chí, chiều 7/9/2016, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và sáng ngày 9/9/2016 đã tiếp xúc với báo giới nhằm cung cấp thông tin xung quanh sự việc này.
Dưới đây chúng tôi xin lược ghi ý kiến của những người liên quan.



 TS. Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế:

Cây xanh trong địa bàn khu di sản Huế là một phần quan trọng, làm nên giá trị độc đáo, đặc sắc của di sản văn hóa Huế, chính vì vậy, vấn đề này đã được các thế hệ lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên Huế và của Trung tâm đặc biệt quan tâm. Ngay trong Dự án chiến lược đầu tiên: Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế, giai đoạn 1996-2010, vấn đề nghiên cứu, phục hồi cảnh quan môi trường khu di sản đã là 1 trong 3 nội dung trọng tâm của dự án này (bảo tồn văn hóa vật thể, bảo tồn văn hóa phi vật thể, và bảo tồn cảnh quan môi trường khu di sản). Các dự án và kế hoạch chiến lược tiếp theo vấn kế thừa trọng vẹn tinh thần ấy.

Mặt bằng hiện trạng nền móng điện Kiến Trung tại thời điểm khảo sát (2014) có 3 cây sứ lâu năm


Tuy nhiên, thực trạng cây xanh trong khu di sản là một vấn đề rất phức tạp. Theo điều tra của Trung tâm kết hợp với Trường Đại học Nông lâm Huế từ năm 2002-2003, có đến 80% cây xanh trong địa bàn khu di sản là cây tạp, cây trồng muộn sau năm 1945, cây tự nhiên… và chỉ có khoảng 20% là cây được trồng nguyên thủy, trồng theo quy hoạch. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, điều chỉnh (bao gồm sắp xếp, trồng mới, bố trí lại…) cho hệ thống cây xanh trong địa bàn khu di sản là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần phải có chiến lược để nghiên cứu, bổ sung những giống cây chiến lược, cây kiểng quý để phục vụ việc tôn tạo, phục hồi cảnh quan mà đặc biệt là các khu vườn thượng uyển/ vườn Ngự sau này. Việc chăm sóc, cắt tỉa cũng như sắp xếp, bố trí lại hệ thống cây xanh trong địa bàn khu di sản Huế đã được tiến hành thường xuyên, liên tục từ hàng chục năm nay theo các kế hoach đã được nghiên cứu, phê duyệt cụ thể hàng năm.

Hình cây sứ ở điện Kiện Trung trước khi dời lên Văn Thánh


Đối với trường hợp cây sứ lâu năm mọc tự nhiên trên khu vực nền móng điện Kiến Trung (trong Đại Nội) mà Trung tâm di dời ngày 21/1/2016 là một việc bình thường. Có thể khẳng định, đây là cây sứ mọc tự nhiên (vì mọc trên nền móng công trình, và theo tập quán của người Huế, không bao giờ trồng cây sứ ở khu vực ngôi nhà mình sinh sống- mà chỉ trồng tại đền thờ, lăng mộ…trong khi điện Kiến Trung là công trình do vua Khải Định xây dựng để ở, gia đình vua Bảo Đại cũng sinh sống tại đây đến tháng 8/1945). Vì vậy, có thể khẳng định, cây sứ này chỉ mới xuất hiện sau tháng 2/1947- thời điểm điện Kiến Trung bị chiến tranh tàn phá. Cây sứ trên đã nằm trong kế hoạch di dời một số cây xanh tại khu vực Đại Nội của Trung tâm (khu vực điện Kiến Trung có 3 cây sứ- có bản đồ hiện trạng cây xanh tại thời điểm khảo sát nền móng điện Kiến Trung vào năm 2014). Ngày 21/1/2016, cây sứ này được phòng Cảnh Quan Môi trường thuộc Trung tâm di thực lên vườn ươm Văn Thánh (có sự xác nhận bằng văn bản giữa Tổ bảo vệ cổng Hòa Bình thuộc phòng Quản lý bảo vệ và Tổ thực hiện công tác di dời cây thuộc phòng Cảnh Quanh Môi Trường). Hiện nay, cây sứ này vẫn còn nguyên vẹn tại vườn ươm Văn Thánh.

Cây sứ đã được chuyển lên trồng tại khu vực vườn ươm Văn Thánh do Trung tâm BTDTCĐ Huế quản lý.


Để đảm bảo tránh ảnh hưởng đến du khách tham quan khu vực Đại Nội, từ ngày 12/12/2014, Trung tâm đã có văn bản quy định, tất cả các loại xe vận chuyển vật liệu, thu gom giải hạ, rác, chở cây… phải ra vào khu vực này trước hoặc sau giờ hành chính (sáng trước 7g30; chiều sau 17g). Đây là lí do tại sao việc chuyển cây sứ lại được thực hiện vào lúc 17g30 (buổi chiều, chứ không phải ban đêm như một số báo đưa tin). Chính vì vậy, có thể khẳng định, việc một số bài báo đưa tin: Ngày 21/1/2016, Trung tâm đã đem cây sứ di sản “trăm năm tuổi” về cho/biếu một vị giám đốc sở trong tỉnh là hoàn toàn vô căn cứ và không chính xác!

Trả lời câu hỏi của chúng tôi: sau khi trích đăng ghi chép của Tổ Bảo vệ cổng Hòa Bình, có báo ghi chú thích: “Giấy xác nhận vận chuyển cây sứ từ điện Kiến Trung đưa đi vườn ươm Văn Thánh của một người nhưng có hai kiểu chữ khác nhau”.

Ông bình luận như thế nào với ghi chú đầy hoài nghi ấy?

- Đây là sổ ghi chép nội bộ được Tổ Bảo vệ thực hiện hàng ngày. Ghi chú có hai kiểu chữ khác nhau là đúng. Rất tiếc là khi tiếp nhận, người thông tin đã không kiểm chứng, bởi đơn giản hai kiểu chữ là do 2 người viết.

Dòng đầu ghi “Lúc 14h15 xe cẩu vào chở cây sứ (doTuấn, Tổ Bảo vệ cổng Hòa Bình ghi);

Còn dòng dưới ghi: “Phòng CQMT chở 01 cây sứ đại (bứng ở điện KTrung lên ươm trồng Văn Thánh (do Nhật, Phòng Cảnh quan Môi trường ghi, ký tên).
 

Biên bản ghi nhận ngày 21/01/2016 ở Tổ Bảo vệ cổng Hòa Bình-Đại nội-Huế


Lái xe Lê Châu - người chở cây sứ hôm 21/0/2016:

Anh Lê Châu sinh năm 1984, lái xe mang biển số:75k-2176 của Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Kính, địa chỉ 43 Tăng Bạt Hổ-Huế là người trực tiếp chở cây sứ từ Đại Nội lên Văn Thánh hôm 21/01/2016.

Lái xe Lê Châu tiếp xúc với báo giới sáng 9/9/2016


Trong cuộc tiếp xúc với báo giới sáng 9/9/2016, Lê Châu đã khẳng định: cuối tết vừa rồi tôi có chở cây sứ từ Đại nội để đưa lên vườn ươm Văn Thánh, theo lộ trình như sau: xe ra cửa Hòa Bình rồi đi theo hướng đường Đặng Thái Thân - cửa Nhà Đồ - Kim Long và điểm cuối là vườn ươm của Di tích tại Văn Thánh (xã Hương Hồ, thị xã Hương Trà).

Lê Châu khẳng định:

- Tôi ở đây cho đến khi họ trồng xong mới lái xe về.

Sau đó, chúng tôi đọc cho Lê Châu nghe một đoạn được trích dẫn từ một bài báo, có nội dung như sau: “Trong một đoạn hội thoại với tài xế lái xe tải, người này cho hay số cây sứ này sẽ được vận chuyển về nhà của một người có tên là Sơn có địa chỉ tại đường Dạ Lê, phường Thủy Phương (TX. Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) (!?).

Chúng tôi nêu câu hỏi: Anh nghĩ thế nào về những trích dẫn ấy?

Lái xe Lê Châu trả lời:

- Đúng, tôi có trả lời một người khi họ hỏi vọng lên: “chở cho ai?”.

Cuối tết, xe cộ lúc ấy đông đúc nên tôi chỉ trả lời ngắn gọn: “chở cho ông Sơn Di tích”.

Chúng tôi hỏi:

- Có phải ông Lê Công Sơn,Trưởng phòng Cảnh quan - Môi trường Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế?.

- Dạ đúng!

Nhân thể, lái xe Lê Châu cam đoan: tôi xin chịu trách nhiệm pháp luật nếu gian dối.

                                                                        Phạm Hữu Thu (ghi)


 

Các bài mới
Các bài đã đăng