Câu chuyện hôm nay
“Có cung thì có cầu, hơi đâu mà kỳ thị!”
09:37 | 17/07/2017

“Đã qua rồi cái thời ca sĩ phải lệ thuộc quá nhiều vào ngoại hình và kể cả danh xưng. Nhiều giọng ca nổi tiếng, trụ được lại đến giờ ở ta, thử hỏi mấy ai mạnh về sắc vóc. Cuối cùng thì thời gian vẫn luôn đưa ra câu trả lời công tâm nhất cho những chân giá trị” - NSƯT Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long chia sẻ, trước đêm nhạc “Danh ca Việt Nam” tôn vinh 4 giọng ca nam thuộc 4 dòng nhạc (diễn ra tối 16.7, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội).

“Có cung thì có cầu, hơi đâu mà kỳ thị!”

“Nếu để tự xưng danh thì tôi không”

- Không chỉ đóng vai trò biên tập và đạo diễn mà còn là 1 trong 4 giọng nam được chọn, anh có ngại chữ “danh ca Việt” - vốn trước nay thường ưu ái dành riêng cho 4 diva?

 “Làm nghệ thuật, tôi thấy hạnh phúc hơn cả là lúc lặng lẽ thai nghén, riêng mình biết với mình. Còn tới lúc ra được thành phẩm, đem khoe nó với bạn nghề, khán giả, là để giúp làm đầy thêm niềm hạnh phúc đó mà thôi...”.

- Nếu là để tự xưng danh, tất nhiên tôi, cũng như nhiều đồng nghiệp của mình sẽ không bao giờ “lên giọng” như thế. Bản tính là một phần, nhưng điều quan trọng, là danh xưng theo tôi chỉ có ý nghĩa khi nó được công chúng và bạn nghề thừa nhận. Riêng lần này thì là ngoại lệ, vì cụm từ “Danh ca Việt Nam” ở đây không phải để dành riêng cho chúng tôi mà là series chương trình của nhà tổ chức, nhằm tôn vinh những giọng ca đã phần nào có được chỗ đứng trong lòng công chúng và ít nhiều đóng góp nhất định cho nhạc Việt.

- Tuấn Ngọc - Tấn Minh - Trọng Tấn - Tùng Dương - 4 gam màu ấy liệu sẽ tạo nên bức tranh thế nào?

- Một bức tranh đa màu, có lúc là đối nhau chan chát bằng những ca khúc “tủ” của từng người, lại cũng có lúc hòa quyện tới bất ngờ trong những màn kết hợp song ca, tam ca, tứ ca ăn ý, thậm chí là “đánh tráo” bài tủ của người này vào người kia để “làm khó” nhau một chút và đưa đến sự bất ngờ thú vị cho khán giả. Đó là một Tuấn Ngọc phong tình lãng tử trong những bản nhạc xưa nổi tiếng như: Riêng một góc trời, Mắt biếc… Tấn Minh lãng mạn, sâu lắng cùng những khúc ballad nhẹ nhàng như: Phượng hồng, Bức thư tình đầu tiên… Trọng Tấn tha thiết, trầm hùng cùng những bản tình ca đỏ: Tiếng đàn bầu, Những ánh sao đêm, Tình em… Hay Tùng Dương rạo rực phơi phới với những bản tình ca quê hương đất nước của hôm nay như: Con cò, Ôi quê tôi… Chương trình lẽ ra còn giàu màu sắc hơn nếu như có thêm Bằng Kiều, nhưng tiếc rằng cuối cùng anh đã không thu xếp tham gia được.

 “Hạnh phúc nhất là lúc thai nghén”

- Nhạc Việt một thời từng bị cho là “nữ tính” khi xuất hiện nhan nhản ca sĩ nam với diện mạo “xinh trai”, ăn vận bóng bẩy và say sưa thể hiện những ca khúc não tình hay “kẹo ngọt”. Đã bao giờ anh cảm thấy trăn trở cho cái gọi là nam tính của nhạc Việt?

- Có sao đâu bạn! Âm nhạc cũng như khu vườn, vườn có trăm hoa đua nở thì nhạc cũng có thể có nhiều dòng chảy, thị hiếu. Ai hợp với cái gì thì sẽ tìm đến với cái đấy. Trên thế giới cũng vậy thôi, có cung thì tự khắc có cầu, hơi đâu mà kỳ thị!

Ngoại hình hay giới tính đều không làm nên giá trị của âm nhạc và sức hút dài lâu của một tên tuổi. Đã qua rồi cái thời ca sĩ phải lệ thuộc quá nhiều vào ngoại hình và kể cả danh xưng. Nhiều giọng ca nổi tiếng, trụ được lại đến giờ ở ta, thử hỏi mấy ai mạnh về sắc vóc. Sắc vóc nào đáng kể bằng giọng hát, tâm hồn, tâm thế làm nghề của nghệ sĩ? Và cuối cùng thì thời gian vẫn luôn đưa ra câu trả lời công tâm nhất cho những chân giá trị.

- Làm nghề một cách chậm và chắc, tránh “đại ngôn” và hiếm khi nhận lời lên báo vì những chuyện ngoài chuyên môn, anh có nghĩ rằng đấy cũng chính là “nam tính” của Tấn Minh?

- Như đã nói, tôi thường không thích tự “định nghĩa” mình. Cũng không thích nói trước. Bạn thấy đấy, tôi hầu như chỉ nhận lời lên báo khi “có việc”, liên quan đến một chương trình, một sản phẩm âm nhạc cụ thể. Đến chương trình riêng của mình, tôi thậm chí còn rất ngại tổ chức họp báo. Nên lâu lâu lại gặp phải những câu hỏi kiểu như: “Ô, lâu rồi ông đi đâu mà không thấy lên báo, lên tivi thế”. Hỏi khó thế chứ! (cười).

Làm nghệ thuật, tôi thấy hạnh phúc hơn cả là lúc lặng lẽ thai nghén, riêng mình biết với mình. Còn tới lúc ra được thành phẩm, đem khoe nó với bạn nghề, khán giả, là để giúp làm đầy thêm niềm hạnh phúc đó mà thôi. Thường, tôi rất ngại lên báo theo kiểu “điểm danh”, cứ như không lên báo thì sợ bị người ta quên mất vậy! Quên nào bằng mình quên mình, mình không đi được tới cùng những gì mình từng dự định, tâm huyết! Thế nên theo tôi, có chuyện gì mới, đáng kể thì hẵng lên báo, không thì thôi, làm mất thời gian của người đọc...

Xin cảm ơn anh!

Theo Đặng Hà - ĐBND

 


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tự biết mình (19/04/2017)