Một góc chùa Khúc Thủy đã được xây dựng mới trái nguyên gốc.
Hoành tráng phô trương
Bước chân đến trước tam quan chùa Khúc Thủy (có tên gọi khác là chùa Thắng Nghiêm) du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước quang cảnh có phần rực rỡ, tráng lệ với tường bao kín đáo, phù điêu đẹp mắt và đặc biệt là 2 mầu đỏ rực - vàng chói trên mọi hạng mục kiến trúc của ngồi chùa. Hầu như tất cả đều mới tinh, cả ở bên trong và bên ngoài những cánh cổng tán đinh chắc chắn.
Qua cánh cổng vào phía bên trong, đập vào mắt là bức tượng Phật ngồi trên tòa sen bằng đá có mầu trắng tinh, chắn trước Tam Bảo, thêm đôi nghê đá lớn án ngữ hai bên lư hương bằng đá, che kín hầu như toàn bộ mặt tiền tòa Tam Bảo. Ở hai bên Tam Bảo là 2 dẫy tượng Phật (100 bức tượng cao 2m) có mầu vàng rực bao lấy toàn bộ không gian hai bên và vòng cả ra phía sau chùa.
Phía sau Tam Bảo, gian nhà Tổ mới được sửa sang còn mới nguyên mầu sơn. Sau nhà Tổ, công trình xây dựng hai tòa nhà 3 tầng đồ sộ ở hai bên với diện tích mỗi tòa lên tới vài trăm mét vuông mặt bằng vẫn đang ngổn ngang trong giai đoạn hoàn thiện. Một bức tượng Phật nằm ở vị chính giữa khoảng sân rộng phía sau nhà Tổ. Và ở ngay phía sau tượng Phật nằm, trên mái một gian nhà thấp là tượng Phật lớn ngự trên đài sen. Tất cả tạo nên một không gian chùa cao rộng hoành tráng, rực rỡ.
Ngay bên trái lối vào là một khuôn viên rộng, được ngăn cách với Tam Bảo và các kiến trúc chính của ngôi chùa chính bởi 100 bức tượng Phật màu vàng xếp thẳng hàng ngay ngắn là rất nhiều tòa tháp bằng đá. Kế tiếp là một một ngôi nhà lớn với “kiến trúc lạ” và những hàng chữ (chữ Phạn) ở hai bên và phía trên cửa chính. Tháp trống, tháp chuông ở hai bên phía sau chùa cũng hoàn toàn mới mẻ với những hình chạm, phù điêu, cột đá, chân đèn đá… Tất cả khuôn viên rộng hơn 2 hecta của chùa Khúc Thủy hiện nay là một không gian chùa nguy nga, phô trương hoành tráng.
Dấu hiệu khủng hoảng văn hóa
Tương truyền, chùa Khúc Thủy được khởi dựng từ năm 1010. Cụ Đặng Cát Lượng (80 tuổi), người từng có nhiều công lao trong việc bảo tồn các di tích cổ làng Khúc Thủy nhiều năm trước cho biết: Ngôi chùa trước kia có diện tích bằng khoảng 1/3 hiện nay, nằm trong không gian trầm mặc, cổ kính, xung quanh được bao bởi hàng rào dâm bụt, phía bên trái chùa có giếng nước cổ và phía sau là một hồ bán nguyệt tạo không gian phong thủy, thanh tịnh.
Trong chùa còn lưu giữ 7 pho tượng Phật bằng đồng cùng nhiều hiện vật cổ giá trị. Chùa Khúc Thủy đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng nhà Tam Bảo và hai dãy nhà phía bên trái vẫn giữ được vẻ cổ kính của ngôi chùa có kiến trúc thời Lý, mang đậm dấu ấn chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Cũng theo cụ Lượng, ngôi chùa hiện nay chỉ có gian chính điện (Tam Bảo) là còn giữ được dáng dấp xưa của ngôi chùa cổ. Giếng cổ và hồ bán nguyệt cùng những tòa mộ tháp ở vườn sau đã bị san lấp, di dời để xây công trình khác, hàng rào dâm bụt được thay bằng tường gạch cao, gần đây tường bao được đắp thêm phù điêu ở bên ngoài và vẽ tranh rồi phủ rèm che ở phía trong, tất cả sơn hai mầu đỏ - vàng rực rỡ. Khuôn viên chùa cũng được mở rộng gấp 3 lần (do có thêm phần đất ruộng do dân hiến tặng ở phía sau và bên hông chùa cũ) so với thời điểm được công nhận là Di tích Quốc gia (năm 1991). Những phần được xây mới theo kiến trúc mà người dân trong làng “không biết ở đâu ra”, làm thêm không hề giống với ngôi chùa cổ trước kia…”- cụ Lượng bày tỏ.
Sư ông Thích Minh Thanh- trụ trì chùa từ tháng 2-1997, cũng là người trực tiếp cho trùng tu chùa từ năm 2010 tới nay, cho biết: “Thực trạng hiện nay tại chùa là kết quả của quá trình trùng tu từ năm 2010 tới nay. Từ năm 1996, khi tôi về trụ trì chùa Khúc Thủy cho tới nay chỉ có 2 lần trùng tu nhỏ vào các năm 1998 (Nhà nước cấp 100 triệu đồng) để trùng tu Tam Bảo và 2001 (Nhà nước cấp 50 triệu đồng) để trùng tu nhà Tổ. Những hạng mục khác được làm từ năm 2010 đến nay là nhà chùa tự vận động xã hội hóa.
TS Trần Hậu Yên Thế nói: “Hình thức kiến trúc tam quan, Tam Bảo là của kiến trúc chùa Bắc Bộ. Phần đằng sau cơi nới thêm, thực tế cũng không rõ là kiến trúc chùa Nam Bộ, cũng không thể nói chính xác là hình thái kiến trúc nào, vì nó đã được cải biên… Những bức tượng được đặt không theo lối cổ truyền và cũng không thể nói chính xác là theo lề lối nào. Đối chiếu với các hình thái Phật điện truyền thống rất đa dạng ở Việt Nam từ trước đến nay, thì không có một hình thái nào như vậy, cả phần trưng bày tượng Phật, nghê, lư hương lớn phía trước Tam Bảo. Thật khó nói về cảm giác hỗn loạn trong cách thức tiếp nhận cái mới ở đây, mà theo tôi nó chính xác là dấu hiệu của sự khủng hoảng văn hóa”.
Sở VHTT Hà Nội vừa có công văn yêu cầu làm rõ những vi phạm tu bổ, xây mới tại chùa Khúc Thủy. Theo đó: Tam quan, tiền đường, Tam Bảo, nhà điện tháp bia nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ chùa đã bị phá hủy. Hệ thống các tượng Phật trong Tam Bảo bị sơn thếp lại với màu sắc giả cổ. Phòng VHTT huyện Thanh Oai đã yêu cầu UBND xã Cự Khê kiểm tra và yêu cầu nhà chùa dừng xây dựng. Tuy nhiên, bất chấp những yêu cầu của cơ quan chức năng, tháng 8/2017, Đoàn kiểm tra lại, tòa nhà đã xong cả 3 tầng và hoàn thiện thô. Chưa kể, tại khối nhà giữa còn thêm các hiện vật như 1 pho tượng Phật bằng đá lớn trên trần, 1 pho tượng Phật nằm và khối đá trang trí ở phía trước… |
Theo Vũ Thanh - ĐĐK