Thêm một lần mổ xẻ về thực trạng của lý luận phê bình sân khấu hiện nay, các nhà chuyên môn, tác giả đều cho rằng lý luận phê bình của sân khấu nước nhà rất thiếu, yếu và luôn bị các nhà hát… phớt lờ.
Khó khăn tìm thấy tác phẩm lý luận phê bình sân khấu đúng nghĩa của cây bút chuyên nghiệp là một thực tế không thể phủ nhận ở thời điểm hiện nay. Và, gần như công tác quan trọng này giờ đây đang được “nương” theo các tin, bài đăng tải trên hàng trăm tờ báo, tạp chí. Thực tế đó khiến nhiều người băn khoăn: liệu rằng đây có thể coi là tác phẩm lý luận phê bình hay chỉ là những tin, bài giới thiệu tác phẩm đến công chúng?
Theo nhà báo Cao Minh: “Có thể thấy, hiện nay hầu như không có nhà báo nào viết hay, viết giỏi, có kiến thức về sân khấu, chứ chưa nói đến lĩnh vực lý luận phê bình. Vậy nên, trên các tờ báo cũng hầu như vắng bóng những bài phê bình sân khấu. Trên mặt báo chỉ còn dạng bài phổ biến nhất là giới thiệu vở diễn, giới thiệu các gương mặt diễn viên”.
Trong khi đó tác giả Ngọc Thụ lại chia sẻ: “Thú thực, tôi chưa bao giờ được các nhà lý luận phê bình vạch cho tôi những cái được của tác phẩm, cái vụng về kém cỏi của vở diễn… Khi nghỉ hưu, có thời gian rảnh rỗi, đọc lại một số bài viết, tôi vừa buồn cười, vừa xấu hổ. Buồn cười vì các bài báo cứ na ná giống nhau… Một điều đáng xấu hổ hơn nữa là có nhà báo không xem vở diễn mà vẫn có bài trang trọng trên báo, theo đúng tờ giới thiệu. Tất nhiên, cũng có một số bài về sân khấu đăng trên các tạp chí nghiên cứu thì mang tính bình là chính chứ không có phê…”.
Không chỉ nhà báo Cao Minh, tác giả Ngọc Thụ mà cả NSND Lê Tiến Thọ cũng đều cho rằng việc cần làm nhất hiện nay để thúc đẩy lý luận phê bình sân khấu phát triển là Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo thế hệ kế cận. Theo NSND Lê Tiến Thọ, cần quan tâm đến việc làm thế nào để các khoa đào tạo lý luận phê bình ở các trường hấp dẫn được người học, chứ không nên kéo dài tình trạng có năm không tuyển sinh được chỉ tiêu nào. Tác giả Ngọc Thụ thì bày tỏ sự đáng tiếc khi cũng có sinh viên được học các chuyên ngành về lý luận phê bình hoặc liên quan đến lý luận phê bình song ra trường không tìm được việc làm hoặc dễ dàng bỏ nghề vì đời sống không được đảm bảo. “Chúng tôi thấy, các cơ quan chức năng chưa quan tâm đến việc đào tạo lớp trẻ làm công tác lý luận phê bình” - tác giả Ngọc Thụ nói.
Riêng PGS TS Trần Trí Trắc đề xuất, trong khi chờ một thế hệ kế cận thì tại sao không quan tâm, động viên những cây bút phê bình đã được đào tạo trước đó?. Theo ông, cái cần gạt đi là, quan niệm về nhà lý luận phê bình, sao cứ nhắc đến họ thì chỉ nghĩ đến chuyện bị họ soi mói, chê bai? Đâu phải như vậy, nhà phê bình chỉ muốn đồng hành cùng các nhà hát trong quá trình dựng vở để nhỏ, to chuyện này, chuyện kia, miễn sao vở diễn khi đến với công chúng đạt được giá trị thẩm mỹ cao nhất.
Theo Thái Anh - ĐĐK