Câu chuyện hôm nay
Tủ sách gia đình giúp con tránh được cái xấu
10:13 | 23/01/2018

Nuôi dưỡng tâm hồn ham đọc sách từ bé cho con, sẽ giúp con dễ dàng vượt qua được giai đoạn khủng hoảng của tuổi mới lớn, giúp con mạnh mẽ đối mặt với những thay đổi của bản thân, và sóng gió của cuộc đời.

Tủ sách gia đình giúp con tránh được cái xấu
Ông Nguyễn Quốc Vương

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Vương, giáo viên Trường THPT-THCS Nguyễn Tất Thành, tác giả nhiều cuốn sách về giáo dục như “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản”, “Học lịch sử không chán như em tưởng…”

PV:  Để nuôi dưỡng, kích thích sự ham đọc sách ở trẻ nhỏ, theo ông chúng ta cần làm gì?

Ông Nguyễn Quốc Vương: Nhìn vào lịch sử phát triển của các quốc gia trên thế giới, không có quốc gia văn minh nào mà người dân không đọc sách cả. Tôi nghĩ chỉ cần cho đọc sách là đủ. Giờ con tôi 2 tuổi chưa biết chữ, vì quan điểm của tôi không muốn dạy chữ trước khi con đến trường, nhưng nó lại rất thích đọc sách. Mỗi tối khi ăn cơm xong, việc đầu tiên của nó là vác sách ra cho bố đọc.

Không những đọc một lần mà thích đọc đi đọc lại. Giờ cháu chưa nói sõi, nhưng phải đến mấy trăm câu ca dao tôi ru cháu, kể cả “Truyện Kiều” cháu cũng thuộc. Khi tôi cố tình đọc bỏ một đoạn, cháu nhắc lại được hoàn toàn chính xác, chứng tỏ đã “ăn” vào não cháu rồi. Mặc dù không đọc được nhưng khi thấy bố đổi tên nhân vật, chỉ vào hình thì nó bảo không đúng. Mặc dù cháu hoàn toàn không hiểu chữ, biết mặt chữ… nhưng dần dần cũng thuộc câu. Yêu sách là cách tự nhiên, đơn giản là bố mẹ đọc cho con nghe…

Ông có kinh nghiệm gì để chọn sách phù hợp với từng độ tuổi của trẻ em?

- Quan trọng nhất đối với các phụ huynh, trước khi trao một cuốn sách nào đó cho con mình, hãy nên đọc trước. Không ai khác, phụ huynh sẽ hiểu con mình thích cái gì. Việc đọc liên quan đến thiên hướng rất nhiều. Ban đầu các phụ huynh muốn cho con thích sách thì phải chọn cuốn nào gần vùng quan tâm nhất của con, sau đó dần dần sẽ mở rộng ra. Nhiều bố mẹ có tham vọng rất lớn cho con đọc những cái rất to tát, cái bố mẹ thích. Nhưng nếu không thích con sẽ khó tập trung. Nếu chúng ta kiên nhẫn, đầu tiên cho các em tập trung thứ mình thích, rồi dần dần các em sẽ tập trung hơn…

Vậy ông nghĩ như thế nào về việc xây dựng các CLB đọc sách cho các con, cho các phụ huynh?

- Chúng ta giúp con đọc sách, tạo cho con thói quen đọc sách, và quan trọng hơn là duy trì được nó là cả vấn đề. Thế hệ của tôi khó khăn lắm, tôi sinh ra ở nông thôn, học hết cấp 1 tôi vẫn học ở trong chùa và phải tự mang ghế ở nhà đi để ngồi học. Nhưng lúc bấy giờ bố tôi rất tuyệt vời, ông hàng tháng thường đạp xe gần 20 cây số mua sách cho tôi.

Đến tận bây giờ những cuốn sách mà tôi thích đọc nhất như Robinson hay Tây du ký, là những cuốn ông mua cho tôi. Sau này khi tôi đi du học, gần 10 năm trở về, tôi đã làm 1 thư viện ở nhà để cho mọi người cùng đọc. Khi chạm tay lại những cuốn sách đó thì tôi rất cảm động, vì trên đó vẫn có những dòng chữ của bố tôi ghi, ví dụ như tặng con ngày… tháng… năm, hoặc trên đó vẫn còn cả vết nhọ của tay tôi vì ngày trước ở quê nấu cơm toàn bằng lá bạch đàn, lá tre, rơm rạ.

Tôi nghĩ mỗi gia đình nên có một tủ sách. Chúng ta thấy rằng hầu hết các tội phạm thanh thiếu niên xảy ra đều trong giai đoạn khùng hoảng, mất phương hướng, mất niềm tin…Vì thế tủ sách gia đình có thể là hướng giúp con tránh được cái xấu và tiến lại gần hơn với cái tốt. Tôi nghĩ là như vậy.

Với nhiều cha mẹ, họ không khuyến khích các con đọc truyện tranh, mà ép con đọc sách văn học. Theo ông, vậy có đúng không?

- Xu hướng đọc truyện có tranh nhiều hơn hiện không phải là xu hướng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Chính vì vậy mà Nhật Bản hiện đã có cảnh báo về một xu thế đó là xa rời văn hóa đọc, và có bộ luật chấn hưng văn hóa đọc với sự xâm nhập của phương tiện truyền thông.

Còn tôi nghĩ, chúng ta không thể đánh giá truyện tranh là xấu, sách nhiều chữ mới là tốt. Quan trọng ở chỗ là cuốn sách đó như thế nào? Truyện tranh Nhật cũng có những cuốn rất kinh điển như Đôrêmon, 7 viên ngọc rồng...  Người ta nói không thể nhìn quần áo mà đánh giá con người, nên cuốn sách cũng như vậy. Không được dạy con rằng đừng đọc truyện tranh vì nó vô ích, như vậy sẽ giết chết sự sáng tạo cũng như sự đa dạng trong tâm hồn trẻ em.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Phương Linh - ĐĐK

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng