Ngày nay bất kì sự sáng tạo nghệ thuật ở phân mảnh nào cũng bắt đầu bằng tiền và kết thúc bằng tiền theo quy luật thị trường.
Thực hành nghệ thuật thời nay vận hành ngày càng giống như khoa học và công nghệ. Không còn là cái ‘đẹp’, cái thẩm mỹ kết quả sáng tạo của một thiên tài dẫn dắt tinh thần ‘công chúng’ như từ đầu thế kỷ 20 về trước nữa. Ngày nay ‘tác phẩm nghệ thuật’ là một sản phẩm/dịch vụ thị trường của bất kì ai, cung ứng cho người tiêu thụ một sự phản biện kích thích tinh thần họ hơn là thỏa mãn họ. Tính giải trí đại chúng là lợi ích của nó và ở đầu kia nó là một khoản đầu tư. Hội nhập kinh tế thị trường, toàn cầu hoá văn hóa toàn diện về trí tuệ, tâm tư và tình cảm đã san một cái nền phẳng cho văn hóa đại chúng toàn cầu và ôm gọn nghệ thuật vào trong lòng nó, thúc đẩy sự lây lan, nhái nhại sản phẩm và dịch vụ theo từng phân khúc thị trường nghệ thuật. Song thay vì một sự nhất nguyên, người ta dường như đồng thuận về bản chất đa nguyên và hỗn độn của nghệ thuật ở cả quan niệm, định nghĩa lẫn thực hành, kết quả là sự phân mảnh rời rạc của đời sống nghệ thuật từ sản xuất - phân phối đến tiêu thụ. Có các dòng tiền khác nhau, lưu chuyển khác nhau ở từng phân mảnh đó. Trường hợp Việt Nam ta hiện nay như sau:
* Tiền nhà nước chi cho nghệ thuật trong quỹ đạo tuyên giáo. Trực tiếp cho các công trình tượng đài (mà ta đang là một cường quốc với khoảng 500 cái). Một công trình có thể lên tới 400 tỷ đồng. Tiền gián tiếp cho sáng tác theo đường lối qua một hội chuyên ngành khoảng 2 tỷ/năm. Nghĩa là một tượng đài có thể đủ cho hoạt động của một Hội trong 200 năm. Ngoài ra là dòng tiền chi cho cổ động tuyên truyền các sự kiện và trang hoàng bài trí các công sở, công trình công cộng cũng không nhỏ dù khó thống kê hơn. Có thể ước đoán số tiền nhà nước chi cho ‘nghệ thuật quốc doanh chính thống’ là rất lớn và hào phóng. Có lãng phí hay không còn tùy theo cách nhìn nhận khác nhau. Song song là một dòng tiền khổng lồ khác của dân dồn vào với bạt ngàn các công trình kiến trúc, tranh, tượng… phục vụ sự nở rộ chưa từng có của ‘văn hóa tâm linh’ và du lịch. Miễn bàn về hiệu quả kinh tế và thẩm mỹ ở hai dòng sáng tạo nghệ thuật dường như đã được mặc định đồng thuận này.
* Tiền của cá nhân nghệ sĩ tự đầu tư làm tác phẩm mang bày, bán ở các gallery, triển lãm, hội chợ. Trung bình một nghệ sĩ, một năm chỉ có thể chi từ vài triệu tới vài chục triệu cho sáng tác ‘tự do, độc lập’ rồi mang bán mong thu lại vốn để tái sáng tạo. Họa sĩ vào tuổi lão thành Ngô Xuân Bính vừa thực hiện một dự án sáng tác ba năm, kết thúc bằng một triển lãm cá nhân hoành tráng, vang dội tại Bảo tàng Hà Nội. Ước đoán tác giả đã chi khoảng trên dưới 10 tỷ và đã bán được vài chục tranh đủ hoàn vốn thậm chí ‘có lãi’ lớn. Song đó là một ngoại lệ ‘kỷ lục’ rất hiếm hoi. Nhìn đại trà thì ‘tiền cho sáng tạo’ luôn là chuyện ‘chạy ăn từng bữa toát mồ hôi’ của nghệ sĩ. Đó cũng là điều bình thường với phân mảnh sáng tạo độc lập ở mọi quốc gia.
* Tiền của doanh nghiệp. Flamingo Group có dự án Art in the Forest (AIF) nhằm biến Resort Flamingo bên hồ Đại Lải - Vĩnh Phúc thành một không gian và điểm đến nghệ thuật ‘đẳng cấp quốc tế’. Dự án 10 năm này đã bước sang năm thứ ba. Năm qua là một trại sáng tác của 17 tác giả. Ước tính tiền chi cho một tác phẩm tranh hoặc tượng khoảng từ vài chục đến vài trăm ngàn USD. Như vậy 10 năm sẽ phải chi khoảng 10-15 triệu USD. Có lẽ AIF là dự án tốn tiền và tham vọng nhất hiện nay của khối kinh tế tư nhân. Một số doanh nghiệp khác (thí dụ Vingroup) đã dành không gian làm các ‘trung tâm nghệ thuật’, chi tiền cho nó hoạt động phi lợi nhuận hoặc khởi sự kinh doanh như lập các gallery, mở nhà đấu giá, tham gia hội chợ. Các cuộc đấu giá một năm qua có doanh số khoảng 50 tỷ, so với doanh thu đường sách Nguyễn Văn Bình ở TP HCM 35 tỷ một năm là không nhỏ nhưng vẫn là bước khởi đầu chập chững quá khiêm tốn so với tiềm năng.
* Tiền nước ngoài cũng là một khoản chi quan trọng cho sáng tạo nghệ thuật nội địa đi kèm với ngoại giao văn hóa và đóng vai trò đột phá cho toàn cầu hóa nghệ thuật, du nhập và phát triển các môn đương đại (như video, sắp đặt, trình diễn, tương tác...) cũng như các đề tài có nội dung nhạy cảm phải né tránh sự kiểm duyệt, cấp phép. Không gian các sứ quán, trung tâm văn hoá nước ngoài và tiền từ các quỹ văn hóa, quỹ phi lợi nhuận, phi chính phủ… từng sinh ra một mảng nghệ thuật đương đại được mệnh danh là ‘nghệ thuật sứ quán’ khá lạ lẫm với ‘người địa phương’. Từ vài năm nay dòng sáng tác này đã tan hòa với sáng tạo ở các trung tâm nghệ thuật độc lập, đối chọi bản địa, và dòng tiền có vẻ như không còn dồi dào như 10 năm trước, cũng được chi nhiều hơn cho các nhóm nghệ sĩ, các cá nhân, các dự án… bên ngoài các thiết chế ngoại quốc. Yếu tố nước ngoài hiện nay không còn gói gọn trong không gian ‘sứ quán’ nhưng mảng nghệ thuật toàn cầu hóa lại đang lan rộng và tan hòa vào mảng nghệ thuật ‘độc lập’ bản địa nhất là với lớp nghệ sĩ rất trẻ, những người cần tài trợ nhất để ‘khởi nghiệp’.
Ngày nay bất kì sự sáng tạo nghệ thuật ở phân mảnh nào cũng bắt đầu bằng tiền và kết thúc bằng tiền theo quy luật thị trường. Trong hoàn cảnh Việt Nam, hai điều cần làm để khai thông và vận hành các dòng tiền cho dạng sản xuất tinh thần này là: Lập các quỹ văn hoá nghệ thuật của các doanh nghiệp, nâng cao vai trò và trách nhiệm văn hóa phục vụ cộng đồng của khối tư nhân; Khuyến khích hình thành thị trường nghệ thuật nội địa; Biến các quỹ nội địa và thị trường nội thành hạ tầng tài chính cho sáng tạo nghệ thuật, và xây dựng bộ luật về hoạt động, quản trị nghệ thuật để điều chỉnh các dòng tiền và hiệu quả của tiền ở các phân mảnh trên.
Theo Nguyễn Bỉnh Quân - Tia Sáng