“Ký ức Hội An” - chương trình biểu diễn thực cảnh hoành tráng trên một sân khấu mới được xây dựng rất quy mô tại cồn bắp Cẩm Nam (cồn Ga Mi), sông Hoài, TP Hội An đang vấp phải phản ứng của người dân, nhà nghiên cứu và những người yêu mến phố cổ này. Một lần nữa, câu chuyện về xung đột giữa bảo tồn và phát triển lại được đặt ra, mà nguyên nhân chính là không tôn trọng văn hóa bản địa.
Câu chuyện xa lạ với vùng đất
Ông Nguyễn Sự cho biết, sau khi ra mắt và bị dư luận phản ứng, nhà đầu tư, nhà sản xuất chương trình cũng như một số người có trách nhiệm ở Hội An đã đến gặp ông xin tư vấn chung quanh chương trình “Ký ức Hội An”. “Tôi cho rằng lãnh đạo thành phố phải ghi nhận, lắng nghe một cách nghiêm túc, cầu thị, điều chỉnh, vừa tạo điều kiện cho nhà đầu tư, vừa bảo đảm cho được cuộc sống của Hội An, sự an toàn của nhân dân và không phá vỡ cảnh quan ở dòng sông”. |
Vở diễn được giới thiệu là các câu chuyện, điển tích về tình yêu, thời cuộc, thông qua hình ảnh người con gái tái hiện hình ảnh Hội An của thời kỳ giao thương sầm uất trên bến dưới thuyền, nơi mở cửa nối vào con đường tơ lụa. Được đầu tư kinh phí lớn, “Ký ức Hội An” sử dụng nghệ thuật múa đương đại kết hợp với âm thanh, ánh sáng và sân khấu nổi. Tuy nhiên, ngay khi ra mắt vở diễn đã vấp phải phản ứng dữ dội, từ các chi tiết trong vở diễn như nội dung đến trang phục, và hơn hết là vị trí xây dựng sân khấu nguy nga trên vị trí trọng yếu của sông Hoài.
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nhận xét: “Chắc chắn những người làm nên vở diễn không hiểu về Hội An, không sống và gắn bó với Hội An. Vì thế, từ kịch bản văn học đến kịch bản sân khấu có một biên độ rất xa so với thực tế. Có những chi tiết không đúng, như vua Chàm Chế Mân cưới công chúa Ngọc Hân tại Hội An. Hay việc xây dựng cảnh Hội An buôn bán, giao thương trên sông lại có bưởi, dừa, thanh long… Hội An không có những trái cây đó, mà là “Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”, “bán gấm bán điều, Kim Bồng bán vải, Trà Nhiêu bán hành”. Hơn nữa, giá trị văn hóa của một vùng đất rất quan trọng, đó là ca dao, hò vè. Những câu ca liên quan đến Hội An với chất trạng của Quảng Nam lại hoàn toàn không có trên sân khấu. Cho nên người xem thấy lạ lẫm với người Hội An”.
Theo ông Nguyễn Sự, một khi chương trình đã lấy tên “Ký ức Hội An”, nghĩa là có địa chỉ chứ không phải là một ký ức chung chung, và tái hiện một phần văn hóa và lịch sử Hội An. Do vậy, vở diễn phải thể hiện được cái “chất” Hội An.
Còn nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông (Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An) vẫn chưa xem vở diễn, như một cách bày tỏ thái độ tẩy chay. “Cồn bắp Cẩm Nam (cồn Ga Mi) - không thể là một sân khấu thực cảnh, vì việc xây dựng các hạng mục kiến trúc của nhà đầu tư… đã xâm hại cảnh quan tự nhiên đẹp đẽ của Hội An - với nhánh sông Hoài và cảnh quan lịch sử của khu phố cổ”. Ông bức xúc: “Riêng việc cấp phép, nếu vở diễn không đúng với lịch sử hay nhân danh sự hư cấu nghệ thuật để tạo tác một tác phẩm nghệ thuật mà không cần có logic nghệ thuật… thì trước hết phải trách khâu quản lý, cấp phép. Cách nói của một lãnh đạo địa phương rằng “nghệ thuật (vở diễn) dành cho số đông chứ không phải cho giới nghiên cứu” cùng một lúc làm chạnh lòng công chúng bản địa vì sự dễ dãi trong cảm thụ nghệ thuật, vừa xem nhẹ những người nghiên cứu để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ở một đô thị đang hướng đến thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch”.
Cứu không gian cồn Ga Mi
Nội dung vở diễn và những chi tiết sai có thể điều chỉnh, thay đổi, nhưng với sân khấu thực cảnh, một công trình bê tông hoành tráng được đặt trên cồn bắp Cẩm Nam, nơi gắn bó mật thiết với khu phố cổ, thì lại rất khó để sửa sai. Ông Nguyễn Sự phân tích: “Sân khấu thực cảnh nếu xây dựng với chiều cao cỡ đó thì quả là bất ổn, vì phá đi cả một không gian sống của Hội An, và ở ngay giữa dòng thì sẽ làm thay đổi dòng nước, rất nguy hiểm cho hai bên bờ. Còn trước mắt, về cảm quan, khu vực sân khấu quá cao, lồ lộ một khoảng bê tông xám xịt, nhìn rất khó chịu và tức mắt. Tôi đã góp ý rất chân tình với nhà đầu tư và tổng đạo diễn chương trình: “Nếu các vị không sửa thì sẽ thất bại, mà thất bại đầu tiên là không được sự đồng thuận của nhân dân. Còn về lâu dài sẽ gây ra những hậu quả khác là mưa lũ, sạt lở hai bên sông. Do đó, phải nhanh chóng điều chỉnh”.
Tính chất địa - văn hóa của Hội An, nói như GS. Trần Quốc Vượng là “văn hóa cồn bàu vùng cửa sông - ven biển”. Vì thế, theo nhà nghiên cứu Phùng Tấn Đông, không thể có một “phố mới giả cổ” và một sân khấu “tái hiện thực cảnh” bên cạnh một thực cảnh là khu phố di sản hiện tồn một cách sinh động hàng ngày hàng đêm như vậy (nếu xem xét về không gian khu vực thì cồn Ga Mi chỉ cách đường Phan Bội Châu - khu vực I, khu vực bảo tồn nghiêm ngặt, không quá 200m). Trước mắt nhà quản lý, nhà đầu tư cùng các nhà khoa học nên ngồi lại để cứu không gian sinh thái - cảnh quan của cồn Ga Mi, nghĩa là phải ưu tiên cho văn hóa. Việc làm này đúng với tinh thần của lãnh đạo Hội An - không phát triển bằng mọi giá, không đánh đổi văn hóa cho lợi ích kinh tế nhất thời.
Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển vẫn luôn là bài toán khó đối với nhiều đô thị di sản. Sự việc “Ký ức Hội An” một lần nữa là bài học cho việc khai thác phát triển kinh tế nhưng không hài hòa với văn hóa bản địa. Phản ứng của người dân và giới nghiên cứu ở Hội An vẫn còn tiếp tục khi một cuộc kêu gọi lấy chữ ký phản đối dự án này đã được đưa ra.
Theo Đông Quỳnh - ĐBND