Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Mai Thanh Sơn - Trưởng phòng đối ngoại, giảng viên khoa ANDT của Nhạc viện TPHCM về những vấn đề liên quan đến công tác này của nhạc viện.
PHÓNG VIÊN: Biết anh từ khi là một sinh viên âm nhạc dân tộc, một cán bộ đoàn năng nổ của trường, một nghệ sĩ biểu diễn ANDT của thành phố; rồi trở thành một giảng viên, một cán bộ quản lý của Nhạc viện TPHCM, chắc chắn rằng anh có nhiều điều muốn nói về ANDT?
Nghệ sĩ MAI THANH SƠN: Hiện nay, ANDT ngày càng ít hiện diện trong đời sống hiện đại của nền kinh tế thị trường. Ở nước ta, nền âm nhạc của thời đại mới cần hơi thở mới, ngôn ngữ mới thì ANDT mất vị trí chủ đạo là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, vấn đề cần đặt ra là Nhà nước có vai trò như thế nào để ANDT không rơi vào khủng hoảng, không mất dần kho tàng vô giá truyền thống. Theo tôi, việc đầu tiên cần phải làm chính là những chính sách, sự định hướng và sự quan tâm tạo điều kiện của Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy ANDT trong giai đoạn hiện nay.
Ở tầm vĩ mô, Bộ GD-ĐT cần có chủ trương đưa âm nhạc vào học đường. Dù chưa có chính sách cụ thể nhưng các trường cấp 1, cấp 2, bước đầu đã có những hoạt động ngoại khóa giới thiệu ANDT trong học đường dưới nhiều hình thức như: mời các đoàn nghệ thuật đến biểu diễn giới thiệu, tích hợp với các môn học như Văn - Sử cùng ANDT... Đây cũng là cơ hội cho các nghệ sĩ, nhà giáo dục ANDT có cơ hội phát huy khả năng và phần nào giúp cho các em nhỏ biết và thêm yêu ANDT. Tuy nhiên, do chỉ dừng lại ở hoạt động ngoại khóa nên hiệu quả thực sự không cao và có phần mang tính hình thức ở khâu tổ chức..
Còn công tác đào tạo ANDT ở Nhạc viện TP hiện nay thì sao?
Công tác đào tạo ANDT ở Nhạc viện TP từ năm 2016 đã có nhiều chuyển biến. Có thể nói, chưa bao giờ công tác đào tạo và tuyển sinh cho ngành ANDT được mở rộng và trao quyền tự chủ cho Khoa ANDT như hiện nay. Ban giám đốc cùng các đơn vị phòng ban thường xuyên có những cuộc họp để cùng bàn bạc, tháo gỡ và đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy - học và nguồn tuyển sinh đầu vào để có được nhiều sinh viên hơn.
Khoa ANDT được trao quyền thành lập hội đồng tuyển sinh riêng với những tiêu chuẩn riêng cho ngành ANDT, không gộp chung với các chuyên ngành âm nhạc Tây phương. Đây có thể nói là một ưu điểm vượt trội so với trước đây. Học sinh, sinh viên trước đây khi thi tuyển vào khoa ANDT thường không trúng tuyển vì những tiêu chí khác biệt giữa 2 phương pháp đánh giá khác nhau. Số lượng các môn học dành riêng cho chuyên ngành ANDT cũng bước đầu được tăng cường, giảm bớt thời lượng các môn dành cho chuyên ngành Tây phương. Sự thay đổi này có thể tạo ra sự đột phá cho việc tăng cường chất lượng đào tạo cho chuyên ngành ANDT. Đặc biệt, từ năm 2016, học viên học chuyên ngành ANDT được hưởng học phí ưu đãi - giảm đến 70%, ngoài ra học bổng dành cho ngành này tăng cao hơn và số lượng nhiều hơn.
Anh có thường khuyên sinh viên theo đuổi ANDT chuyên nghiệp?
Muốn có những nghệ sĩ ANDT xuất sắc thì cần phải có công việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống, đảm bảo môi trường sáng tạo. Tuy nhiên, việc làm ổn định đúng ngành nghề được đào tạo có thể nói là “xa xỉ” đối với các em sinh viên học chuyên ngành này. Đây là điều đáng buồn cho nền ANDT của thành phố. Là một giảng viên, tôi không đưa ra được lý do để khuyên các em theo học ngành này vì không có yếu tố nào đảm bảo cho các em khi lựa chọn một con đường đi vốn đã nhiều chông gai mà không biết đích đến sẽ là màu hồng hay màu tăm tối… Chỉ biết hy vọng vào tương lai. Tương lai sẽ còn nhiều đổi mới và điều kiện học tập sẽ tốt hơn nữa, khi mà Chương trình đào tạo tài năng đỉnh cao của Bộ VH-TT-DL được triển khai. Đây là tin vui nói chung dành cho các sinh viên, học sinh các ngành nghệ thuật trong đó có ANDT.
Anh có thể nói rõ hơn về Chương trình đào tạo tài năng đỉnh cao?
Bộ VH-TT-DL có những chính sách mới, dự án mới trong đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật, thể thao, du lịch (tập trung chủ yếu vào thể thao và văn hóa nghệ thuật) với chi phí rất lớn. Việc đào tạo sẽ bao gồm đào tạo trong nước và nước ngoài. Đào tạo tại chỗ thì sẽ mời những người giỏi nhất trong nước và mời các giảng viên nước ngoài đến giảng dạy những chương trình chuyên sâu.
Kể cả đào tạo trong nước thì cũng sẽ được đi tập huấn ở nước ngoài, tham gia những cuộc thi ở nước ngoài. Tất cả chi phí đào tạo tài năng sẽ được Nhà nước đài thọ toàn bộ. Bộ VH-TT-DL sẽ giao chỉ tiêu cho các trường trực thuộc bộ. Các trường sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ từ khâu tuyển chọn tài năng đầu vào, đến khâu đào tạo. Bộ sẽ chỉ kiểm soát về mặt thành tích (kết quả đạt được qua những kỳ thi quốc tế).
Chính vì vậy, các trường phải xây dựng được chương trình đào tạo chất lượng để các tài năng khi thi thố là phải có giải. Nhạc viện TPHCM là một trong những đơn vị được bộ đánh giá cao trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo. Việc quy hoạch, sự tuyển chọn, những bước đi để làm sao đào tạo nên những tài năng thực sự đã được trường lập đề án rất kỹ để có thể có những kết quả tốt nhất...
Theo Hạ Chinh - SGGP