Câu chuyện hôm nay
Lắng đọng tâm thức tín ngưỡng
10:05 | 14/05/2018

Trước giá trị di sản và thách thức do biến tướng, thương mại hóa trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ, series phim Mẹ Việt - Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã chính thức ra mắt cuối tuần qua. Theo bà Đàm Lan, Chủ nhiệm dự án phim, mỗi thước phim là hành trình lắng đọng tâm thức, tìm về văn hóa truyền thống, tín ngưỡng nội sinh của dân tộc Việt.

Lắng đọng tâm thức tín ngưỡng
Phim Mẹ Việt - Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt có sự tham gia của nhiều thanh đồng

Khơi luồng chảy xưa

- Cơ duyên nào đưa bà đến với dự án phim về tín ngưỡng thờ Mẫu?

“Yếu tố cốt lõi để duy trì, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể là con người. Nếu không hiểu biết, nhận thức đúng thì giá trị sẽ mất đi, khó nữa là cái mất đó lại không thể nhìn ngay ra được, nếu để lâu ngày muốn khôi phục là điều thực sự khó khăn, thậm chí không thể. Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ của người Việt cũng vậy”.

Chủ nhiệm dự án phim Đàm Lan

- Đầu năm 2017, nhận được đề nghị hợp tác sản xuất phim tài liệu cho các đền phủ, tôi bắt đầu tìm hiểu, nhận ra giá trị tín ngưỡng cực kỳ to lớn. Tôi ý thức phải làm thật bài bản series phim về tín ngưỡng thờ Mẫu, từ tính nội sinh, giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần, đến bản chất của tín ngưỡng này.

- Sự bài bản như bà nói được thể hiện cụ thể thế nào?

- 108 tập phim (12 - 15 phút/tập) nhằm tạo nên bức tranh tổng thể về tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc độ lịch sử, khoa học, văn hóa và tâm linh... Các khía cạnh này nói chưa ai khai thác thì không đúng. Đã nhiều sách vở, công trình nghiên cứu đề cập một giá trị cụ thể nào đó, đấy là kho tài liệu quý, nhưng khi văn hóa đọc - nghĩ bị thách thức thì việc lan tỏa giá trị truyền thống cần cách thức phù hợp với thời đại văn hóa nghe - nhìn. Thể loại tài liệu quyết định tính chân thực nội dung và đặc sắc phim ảnh thể hiện cái hay, cái đẹp cũng như những mặt trái đang tồn tại. Tôi muốn qua mỗi thước phim, xây dựng một cuốn từ điển sinh động bằng hình ảnh về tín ngưỡng nội sinh của người Việt.

- Quá trình khảo sát, tìm hiểu về tín ngưỡng này, có điều gì khiến bà băn khoăn?

- Băn khoăn cũng là động lực thôi thúc tôi làm phim. Vì hay, đẹp, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhưng hay, đẹp thế nào thì phần lớn cộng đồng không biết. Có người hỏi tôi múa hát thì lên sân khấu, sao lại múa may quay cuồng trước ban thờ (!)… Thậm chí, nhiều ông đồng bà cốt khi được hỏi, họ hiểu cái lung linh, huyền diệu của tín ngưỡng, nhưng giá trị ở đâu thì không nói cụ thể được. Nếu gặp người không tin vào tín ngưỡng, cho rằng đó là mê tín dị đoan, thì họ không đủ ngôn từ, lý lẽ để giải thích. Tâm lý đó vô hình trung khiến di sản không được nhìn nhận đúng nghĩa. Cho nên, làm thế nào đưa tín ngưỡng về luồng chảy xưa; bảo tồn, phát huy thế nào cho hợp thời đại... là thách thức lớn.

- Liệu rằng khán giả có tìm thấy câu trả lời qua các tập phim?
 

- Phim được chia thành 5 phần, ở mỗi phần, mỗi tập sẽ cung cấp thông tin, giải quyết một thắc mắc cơ bản. Như mở đầu phim nói về tín ngưỡng, người Việt thờ gì, tại sao họ sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ nhân thần, thiên thần...? Hay tại sao là tam phủ, tứ phủ, sao có hầu đồng, hầu bóng, những ai có thể hầu đồng, hầu bóng? Thái độ và hành động thế nào với cơ sở tín ngưỡng và những người thực hành tín ngưỡng để giữ thuần phong mỹ tục?…

“Hiểu tín ngưỡng để bảo vệ mình”

- Tinh hoa của tín ngưỡng là đường hướng của loạt phim, nhưng mỗi thời đại, vùng miền có đặc sắc riêng. Làm sao chắt lọc, tích hợp các yếu tố một cách sinh động, thưa bà?

- Khó khăn nhất là dự án không có hệ thống tài liệu đầy đủ để làm căn cứ. Đứng trên góc độ nhà nghiên cứu tín ngưỡng, ta có đặc sắc về văn hóa; ở góc độ nhà nghiên cứu mỹ thuật sẽ thấy sự phong phú, sáng tạo trong thể hiện; góc độ nghiên cứu kiến trúc sẽ thấy sự khoa học, tinh tế của ông cha; hay góc độ tâm linh thì thấy sự huyền diệu... Xây dựng một bức tranh hoàn chỉnh là thử thách lớn. Vì thế, chúng tôi phải mời một lực lượng lớn nhà nghiên cứu, thực hành tín ngưỡng, người chấp tác tại các đền, phủ hoặc người giữ thần phả, văn bản cổ...

- Bên cạnh người giữ được lề lối, phép tắc thực hành, không ít bộ phận mượn sập công đồng để phô diễn bản thân, khoe tiền tài... Việc huy động các thanh đồng tham gia bộ phim có tính đến vấn đề này không, thưa bà?

- Mặt trái đó những ai tâm huyết hoằng dương tín ngưỡng này đã nhìn rất rõ. Có những sơn môn vẫn giữ và hướng dẫn cho thế hệ tiếp bước lề lối thuần phong mỹ tục, nhưng cũng có sơn môn không được như thế, nên giá trị ngày càng mai một. Chúng tôi gặp gỡ và làm việc với rất nhiều thanh đồng, song đồng hành với series phim cần thêm những người tâm huyết với tín ngưỡng, truyền thống. Chúng tôi tâm niệm dự án có thể bị dừng lại giữa chừng do thiếu kinh phí nhưng tuyệt nhiên không vì tài chính mà làm sai lệch bản sắc văn hóa.

- Tìm hiểu lịch sử tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, bà có suy nghĩ gì về hiện trạng của nó?

- Gần 2 năm sau khi được UNESCO vinh danh, tín ngưỡng thờ Mẫu đang ở thời kỳ hoàng kim. Nhưng cái gì phát triển nhanh cũng nguy hiểm, do mặt trái xuất hiện càng nhiều. Kinh tế phát triển làm đẹp cho tín ngưỡng nhưng nhiều thứ phát huy thái quá dẫn đến xa rời cái gốc của nó là hướng thiện, hướng tâm cho con người. Rồi tình trạng kinh tế hóa tín ngưỡng, tam phủ, tứ phủ hóa các đền, phủ... Đó là lý do bộ phim ra đời, nhằm giúp mọi người hiểu đúng di sản. Có thước phim hầu đồng từ những năm 1920, có những bức tranh hầu đồng rất cổ người xưa để lại… toát lên nét thanh cao, tao nhã của tín ngưỡng này.

 - Ở góc tiếp cận sâu như vậy, có cảm giác khán giả xem xong series phim có thể trở thành “chuyên gia” về tín ngưỡng thờ Mẫu! Không biết bà có kỳ vọng đến mức ấy?

- Tôi không kỳ vọng như thế! Kỳ vọng là người xem hiểu ngoài yếu tố tâm linh, nó còn có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học… Trên hết, tôi mong họ có hệ thống thông tin đầy đủ để biết tự bảo vệ mình trước mặt trái. Điều chúng ta vẫn lo ngại nào là thương mại hóa, bói toán dọa nạt… sẽ không còn khi người ta thực hiểu về tín ngưỡng.

- Xin cảm ơn bà!

Theo Lê Thư - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng