Mùa World Cup 2018 đang đến những giờ phút cao trào của xúc cảm trong lòng người hâm mộ môn thể thao “vua”. Mỗi trận đấu mang lại nhiều cung bậc tình cảm: hân hoan, hào hứng, thất vọng, buồn khổ... theo từng đường bóng. Trong làng văn cũng có rất nhiều người hâm mộ đang cuồng nhiệt cổ vũ cho đội bóng mình yêu thích, thành thật khóc - cười sau mỗi trận bóng, và cuối cùng là đặt bút... làm thơ.
Bóng đá chính là một bài thơ hay
Nhà thơ Anh Ngọc là một “fan cuồng” đích thực đối với môn bóng đá. Nhiều giải đấu quốc tế hoặc khu vực, ông đã từng xuất hiện trên truyền hình để nói về bóng đá với tất cả niềm đam mê mãnh liệt. Có những mùa bóng, nhà thơ trở thành khách mời thường xuyên, cứ “trò chuyện” sau trận đấu hết đêm này đến đêm khác mà không hề “giảm nhiệt”.
Với sự hiểu biết và khả năng tổng hợp thông tin để biến thành những câu chuyện lôi cuốn, nhà thơ Anh Ngọc được coi như một chuyên gia thực sự chứ không phải kiểu bình luận ăn theo, hời hợt như một vài người đến với chương trình bình luận khác.
Thấy ông lên truyền hình nhiều, bạn bè cứ ngỡ ông phải kiếm bộn tiền sau mỗi mùa bóng, nhưng trong thực tế ông không bao giờ quan tâm đến mức thù lao, bởi vì chỉ cần được nói về bóng đá là thỏa nỗi khát khao rồi.
Nhà thơ Anh Ngọc tâm sự: “Mỗi người xem bóng đá có một hứng thú riêng. Vì bóng đá chính là một câu chuyện của con người sống với cuộc đời này, chỉ có điều nó diễn ra trong một công việc, hoàn cảnh khá đặc biệt mà thôi. Đặc biệt vì nó rất tiêu biểu để thể hiện rõ các quy luật và bản chất của đời sống. Trong đó, quy luật cơ bản là nó mang trong mình những mâu thuẫn, nghịch lý nhưng không phi lý, như bản chất của cuộc sống. Hai chữ “giản đơn” và “bí ẩn” gói trọn một trong những quy luật đó.”
Yêu và hiểu triết lý bóng đá đến như vậy nên nhà thơ đã viết bài “Nghịch lý” với những câu thơ cô đọng: Cuộc sống giản đơn hơn ta tưởng rất nhiều/ Và phức tạp hơn ta từng nghĩ/ Cuộc sống tựa một bài thơ hay/ Bình bao nhiêu cũng không hết ý/ Nhưng để mặc, không bình gì cả/ Bài thơ vẫn cứ thế mà hay!
Nhà thơ Anh Ngọc
Mùa World Cup 2018, nhà thơ không “lên sóng” không phải vì mất đi độ nhiệt tình, mà đơn giản là ông muốn được lắng lại sau mỗi trận thắng - thua để hòa nhịp cảm xúc với người thân của mình, đặc biệt là hai đứa cháu nhỏ đang sống ở nước ngoài. Tất cả các trận đấu đều được nhà thơ tổng kết bằng vài câu ngắn gọn, súc tích và những dự đoán chính xác gần như tuyệt đối.
Nhưng cũng có trận ông xem bóng đá với phần lớn cảm xúc “thiên vị”, chẳng hạn trận nào có đội Anh đá, ông vẫn hồi hộp thót tim và cuối cùng thì vỡ òa niềm vui sướng: “Lần đầu tiên mình xem bóng đá World Cup mà được có cảm xúc thiên vị như xem đội Việt Nam thi đấu vì quá nửa gia đình mình là công dân Anh. Hôm nay, bọn trẻ con nhà mình cũng đang tụ tập xem và cổ vũ cho đội nhà... Cầu mong hiệp 2 các cầu thủ của thằng Aleks và bé Amy (tên hai đứa cháu của nhà thơ) trước hết bảo toàn tỷ số, và hy vọng có thêm bàn thắng. Cố lên England!!!”.
Và cuối trận đấu, nhà thơ hân hoan bày tỏ: “Hoan hô đội Anh đã thực hiện đúng chỉ tiêu, vào hiệp 2 vẫn tiếp tục chơi tưng bừng làm thêm 1 quả nữa... Chúc mừng đội bóng của lũ trẻ con nhà mình đã oanh liệt bước vào trận bán kết”.
Bình luận bóng đá như... làm thơ
Nhà thơ Thanh Thảo viết về bóng đá từ một cơ duyên ào đến trong mùa World Cup 1994. Khi đó, ông đang là một khán giả nồng nhiệt của màn ảnh và là một độc giả chăm chỉ của 5 tờ báo có những bài bình luận bóng đá ăn khách.
Một cây bút thể thao thời điểm đó đọc được những bài thơ Thanh Thảo viết về bóng đá liền tìm đến gặp ông và mời cộng tác. Nhà thơ hào hứng nhận lời viết với suy nghĩ: “Bình luận bóng đá cũng như viết một bài thơ, đừng quên cái gốc chính là… ngôn ngữ. Và văn hóa. Và đời sống. Và nghệ thuật trong sự tương đồng và khác biệt. Bóng đá là một nghệ thuật tổng hợp. Thơ là một nghệ thuật của ngôn ngữ nhưng cũng mang tính tổng hợp cao. Cái khác, bóng đá là… bóng đá, còn thơ là… thơ. Chúng có nhiều nét tương đồng, nhưng lại hoàn toàn khác biệt. Chúng đều mê hoặc người sáng tạo, mê hoặc công chúng, nhưng mức độ lại rất khác nhau. Bóng đá là một nghệ thuật cộng đồng có tính phổ biến cực rộng, còn thơ thì không thể… thi đua với bóng đá về công chúng, nhưng ở những nét vi diệu nhất, bí ẩn nhất thì hai nghệ thuật này có nhiều điểm chung”.
Nhà thơ Thanh Thảo
Có một bài thơ mà nhiều người hâm mộ bóng đá thường đọc lại như một niềm ngưỡng mộ dành cho thần tượng của mình: “Ở tuổi 32, Platini lặng lẽ giã từ/ Trên sân Wembley anh chói lên lần cuối/ Tôi có thể đá thêm một vài mùa bóng nữa/ Nhưng để làm gì?/ ... Cầu trường rung lên cuồng nhiệt nghẹn ngào/ Nuối tiếc chào một - người - dừng - đúng - lúc/ Chợt hiểu: biết ra đi là nghệ thuật.../ Tự trọng là kính trọng tương lai/ Và để tương lai kính trọng mình”... (Một người dừng đúng lúc).
Mùa bóng này, nhà thơ Thanh Thảo không xuất hiện “rầm rộ” trên báo như những năm trước (có mùa bóng ông viết đến 3 bài bình luận mỗi ngày), ông viết ít hơn nhưng vẫn luôn khiến người yêu bóng đá phải bật cười sảng khoái hoặc lặng lẽ chìm vào chiêm nghiệm về bóng đá và cuộc đời sau khi đọc những bài bình luận hoặc những vần thơ sáng tác ngay sau trận đấu.
Theo Phong Lan - ANTD