Tuồng là môn nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, cũng giống như những loại hình nghệ thuật truyền thống khác, tuồng đang đứng trước nguy cơ mai một. Ở đó việc bảo tồn để duy trì và phát triển nghệ thuật tuồng đang là “bài toán” không dễ gì tìm được câu trả lời thấu đáo.
Mất dần khán giả
Tuồng còn gọi là hát bội, hát bộ, bộ môn nghệ thuật cổ điển và bác học bậc nhất Việt Nam. Là một loại văn nghệ trình diễn cổ truyền, được hình thành trên cơ sở ca, vũ, nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, nhìn lại chặng đường từ khi hình thành và phát triển của nghệ thuật tuồng cho đến nay đang là những “bước đi thụt lùi”, nếu không nói là khủng hoảng. Ở đó, một trong những yếu tố cơ bản là khán giả đang dần thưa thớt, nếu không nói là “ghẻ lạnh” với loại hình nghệ thuật này. Trong đó, cũng giống với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, nghệ thuật tuồng đang bị lớp trẻ xa rời do họ đang được tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật cũng như nhiều trào lưu văn hóa mới.
Thực tế, đã nhiều lần nghệ thuật tuồng cũng đã được đưa vào giới thiệu ở các học đường nhưng chỉ mới mang tính hình thức... Tuy nhiên, thực tế hiện nay các khán giả ở độ tuổi thanh niên đều không có chút kiến thức cơ bản nào về nghệ thuật tuồng dẫn đến không mặn mà với sân khấu tuồng. Bên cạnh đó mặc dù, trong những năm gần đây, một số nhà hát nghệ thuật truyền thống đã tiến hành phục hồi và cho tiến hành dàn dựng một số trích đoạn tuồng cổ, một số cuộc hội thảo mang tầm quốc gia cũng được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu tuồng. Thế nhưng những cố gắng vẫn chưa đem lại kết quả khả quan. Chưa kể, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên tuồng ngày càng ít đi. Do không được đảm bảo về chế độ, nhiều nghệ sĩ, diễn viên tuồng dù yêu nghề vẫn phải ngậm ngùi dứt nghiệp để lo cuộc sống mưu sinh. Trong khi đó, đội ngũ nghệ sĩ trẻ lại chưa đáp ứng được nhiều yêu cầu khắt khe khi diễn những vở tuồng khó. Có những đêm diễn tuồng, lượng khán giả ở các rạp chỉ “lay lắt” qua ngày.
Theo NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, các đơn vị nghệ thuật tuồng chủ yếu chạy “sô” biểu diễn trong các lễ hội, nghi thức hành lễ với dàn trống, dâng hương chứ ít có cơ hội biểu diễn một vở trọn vẹn. Bên cạnh đó, diễn viên mải làm nhiều nghề để kiếm thêm thu nhập nên ít để tâm đến nghiệp diễn, vì thế nghệ thuật tuồng ngày càng bị thất truyền. Cùng với đó, theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “khủng hoảng” khán giả ở sân khấu tuồng bao gồm cả yếu tố chủ quan và khách quan. Trong đó, yếu tố chủ quan nằm ở chính chất lượng của các vở tuồng. Nhiều vở tuồng mang tính cổ điển, khuôn mẫu của chế độ phong kiến đã không còn phù hợp với nhu cầu thẩm mĩ hiện nay của khán giả…
Có thể thấy, đánh giá của NSND Lê Tiến Thọ là hoàn toàn có lý do bởi lâu nay hoạt động của Nhà hát Tuồng chủ yếu là chương trình phục vụ lễ hội. Thời gian còn lại, sân khấu tuồng hoạt động rất cầm chừng.
Le lói hy vọng
Mới đây, Hội diễn sân khấu tuồng không chuyên toàn quốc năm 2018 vừa diễn ra tại Bình Ðịnh là một minh chứng cho việc nghệ thuật tuồng không hẳn đang bị “ghẻ lạnh”. Mặc dù là sân chơi của các nghệ sĩ, diễn viên không chuyên, nhưng với sự góp mặt của 15 CLB tham gia đã tạo nên một “ngày hội” cho những người yêu tuồng. Trong suốt thời gian diễn ra hội diễn luôn có khá đông khán giả, cả những nghệ sĩ tuồng chuyên nghiệp, những NSND, NSƯT và nhiều nghệ sĩ trẻ đến thưởng thức và nhiệt tình cổ vũ. Họ đến đây với chung đam mê và với lòng mến yêu, thấu hiểu những thiệt thòi, vất vả đặc trưng của nghệ sĩ tuồng, hơn thế, xem đó cũng là một dịp để học nghề, họ lặng lẽ đồng hành cùng những đồng nghiệp của mình đang cháy hết mình trên sân khấu…
Theo NSND Lê Tiến Thọ: Để cho sức sống của nghệ thuật tuồng thực sự trọn vẹn chúng ta cần kêu gọi các nhà khoa học, các nghệ nhân, nghệ sĩ tâm huyết và cả sự quan tâm của lãnh đạo ban, ngành liên quan cùng chung sức bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng. Cần tiếp tục đưa nghệ thuật tuồng vào các cơ sở đào tạo phổ thông, duy trì và gây dựng lớp khán giả cho Tuồng, phát triển hoạt động nghệ thuật tuồng không chuyên, chính sách đãi ngộ, đối với nghệ sĩ, diễn viên tuồng; đưa nghệ thuật tuồng cùng các nghệ thuật sân khấu truyền thống khác thành sản phẩm du lịch để tuồng lan tỏa trong đời sống văn hóa của người dân và bạn bè quốc tế.
Ông Phạm Ngọc Tuấn- Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: Hàng tuần, tại rạp Hồng Hà, Nhà hát vẫn đều đặn có 2 đêm diễn vào thứ hai và thứ năm để phục vụ khách du lịch, với các trích đoạn tuồng cổ đặc sắc: “Ông già cõng vợ đi xem hội”, “Nhã nhạc cung đình Huế”, múa “Lân mẹ đẻ lân con”, “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, Nhã nhạc cung đình Huế… Mặc dù chỉ là cho khách nước ngoài, chứ hầu như không có khán giả Việt. Nhưng xem ra cách “chống cháy” này vẫn phần nào động viên được các nghệ sĩ khi có cơ hội được biểu diễn trên sân khấu. Cùng với đó, mới đây Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã bắt tay vào thực hiện đề tài cấp tỉnh số hóa tuồng Huế. Trong đó, thông qua đề tài khoa học “Xây dựng cơ sở dữ liệu cho tuồng Huế” trong 2 năm tới Trung tâm sẽ tiến hành lưu trữ và hệ thống lại toàn bộ những nguồn tài liệu hiện có về tuồng Huế, đồng thời tiếp tục bổ sung những “khoảng trống” còn thiếu, nghiên cứu chuyên sâu hơn về ngôn ngữ, vũ đạo, phục trang, mặt nạ,… nhất là kịch bản.
Có thể thấy, muốn khắc phục những bất cập trên, không có cách nào khác ngoài việc phải đưa việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật tuồng, trở thành mục tiêu quốc gia. Song song với đó, cần tiếp tục đưa nghệ thuật tuồng vào các cơ sở đào tạo phổ thông, duy trì và gây dựng lớp khán giả cho tuồng, phát triển hoạt động nghệ thuật tuồng không chuyên…
Theo Minh Quân - ĐĐK